Kinhtedothi – Sáng 14/11, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Tham dự hội thảo có PGS.TS Lê Hải Bình – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai
Khơi thông pháp lý để Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, hiện đại
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Lê Hải Bình cho biết, ngày 28/6/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Luật gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới.
Hội thảo nhận được 62 bài viết của các tác giả là nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về nhiều chủ đề, nhiều khía cạnh khác nhau của việc thực hiện Luật Thủ đô 2024.
Luật Thủ đô 2024 ra đời nhằm đáp ứng mục tiêu đặt ra của Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Luật được ban hành để quy định về các nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát triển Thủ đô Hà Nội, tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng Hà Nội thành một đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.
Đây là luật có ý nghĩa đặc biệt vì Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa và kinh tế quan trọng của cả nước. Luật Thủ đô đã xóa nhiều rào cản hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, đồng thời khơi thông pháp lý để Thủ đô Hà Nội phát triển một cách bền vững và hiện đại.
Hội thảo là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động nhằm triển khai Luật Thủ đô của thành phố Hà Nội trong thời gian vừa qua kể từ khi Luật được thông qua. UBND TP đã ban hành Quyết định số 4279/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác và Tổ giúp việc thi hành Luật Thủ đô, tập trung vào ba nhiệm vụ chính: Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Thủ đô; phối hợp với các bộ, ngành trong công tác liên quan và điều phối việc thực hiện luật song hành với Quy hoạch chung Thủ đô.
Cụ thể, tập trung đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống, tận dụng tốt các cơ chế đặc thù, vượt trội để phát triển, rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành; triển khai các giải pháp chiến lược thực hiện Luật Thủ đô, đề xuất hỗ trợ hạ tầng giao thông xanh và đô thị thông minh; ưu tiên giải pháp môi trường, phát triển bền vững; xây dựng lộ trình di dời cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng chính sách phát triển giáo dục chất lượng cao; xây dựng hệ thống cấp cứu ngoại viện theo chuẩn quốc tế…
Theo PGS.TS Lê Hải Bình, hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn thúc đẩy việc ban hành Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15); tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của Luật Thủ đô trong xây dựng và phát triển Thủ đô; nhận diện Luật Thủ đô trong bối cảnh mới, điều kiện mới, phân tích những cơ hội, thách thức đặt ra trong việc triển khai Luật Thủ đô.
Cùng với đó là lộ trình, trách nhiệm, sự phối hợp của các cấp, các ngành và địa phương trong việc thi hành Luật Thủ đô thực hiện Luật Thủ đô trên các lĩnh vực, nội dung cụ thể. Đề xuất một số giải pháp tổ chức thi hành Luật Thủ đô bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực để phát triển Thủ đô trong tình hình hiện nay.
Tháo gỡ “điểm nghẽn”, thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững
Để đạt được mục đích trên, PGS.TS Lê Hải Bình đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ một số nội dung trọng tâm. Trước hết là sự cần thiết của việc triển khai Luật Thủ đô một cách kịp thời. Qua đó,tạo cơ hội để Thủ đô Hà Nội có những chính sách “mở đường”, đột phá, vượt trội trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Đề xuất xây dựng một hệ thống các văn bản, quy định, giải pháp để cụ thể hoá các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước.
Cùng đó, nhấn mạnh tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành của đất nước, vừa làm rõ được những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội dành cho Thủ đô. Đây là yếu tố quyết định để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của việc triển khai thi hành Luật Thủ đô trong giai đoạn trước đây.
Trong đó, thống nhất tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô Hà Nội trong việc thực hiện Luật Thủ đô; nêu các vướng mắc pháp lý có thể xảy ra, các “điểm nghẽn” cần được nhận thức, quán triệt và đồng lòng tháo gỡ… trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô.
Theo PGS.TS Lê Hải Bình, từ kinh nghiệm quốc tế, gợi mở cho Hà Nội việc vận dụng những cơ chế, chính sách phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng của Thủ đô theo quy định của Hiến pháp năm 2013; giúp cho Thủ đô thực hiện hiệu quả, rõ nét hơn chức năng, nhiệm vụ không chỉ là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, mà còn là trung tâm lớn về kinh tế, về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế; có sự so sánh giữa Luật Thủ đô với một số luật của Thủ đô một số nước trên thế giới.
PGS.TS Lê Hải Bình nhấn mạnh những yêu cầu quản trị, phát triển đặt ra đối với Hà Nội – một Thủ đô có quy mô dân số lớn so với thủ đô của các nước thế giới, của một quốc gia có quy mô dân số rất lớn, có nền kinh tế đang trong quá trình phát triển nhanh. Từ đó, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách rất mới, có những cơ chế, chính sách chưa được quy định trong Luật Thủ đô, gợi mở cho việc tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về Thủ đô. Nhiều cơ chế, chính sách được đề xuất trong các tham luận phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, phù hợp định hướng trong dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
“Việc xây dựng hệ thống văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024 cũng đồng thời với quá trình xây dựng các chính sách, định hướng phát triển lớn của đất nước. Chính vì vậy, các bài viết cũng đặt ra nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu để có đóng góp thêm vào những thể chế, chính sách lớn của đất nước mà trong Luật Thủ đô chưa đề cập đến” – PGS.TS Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Năm nhóm vấn đề đóng góp triển khai Luật Thủ đô 2024
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 60 bài viết, báo cáo tham luận của các ban, bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các sở, ngành thuộc TP Hà Nội. Các tham luận đã tập trung làm rõ được các nhóm vấn đề sau:
Nhóm vấn đề thứ nhất: Trên cơ sở Luật Thủ đô, các bài viết đã đề xuất xây dựng một hệ thống các văn bản, quy định, giải pháp để cụ thể hoá các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước.
Nhóm vấn đề thứ hai: Từ tổng kết thực tiễn, từ kinh nghiệm triển khai Luật Thủ đô năm 2012 trong thời gian vừa qua, các bài viết đã đề xuất các giải pháp, các cơ chế, chính sách cụ thể trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời, vừa nhấn mạnh tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành của đất nước, vừa làm rõ được những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội dành cho Thủ đô. Đây là yếu tố quyết định để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống và có tính khả thi, giá trị thực tiễn, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của việc triển khai thi hành Luật Thủ đô trong giai đoạn trước đây.
Nhóm vấn đề thứ ba: Từ kinh nghiệm quốc tế, các bài viết đã gợi mở cho Hà Nội việc vận dụng những cơ chế, chính sách phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng của Thủ đô theo quy định của Hiến pháp năm 2013; giúp cho Thủ đô thực hiện hiệu quả, rõ nét hơn chức năng, nhiệm vụ không chỉ là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, mà còn là trung tâm lớn về kinh tế, về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế; có sự so sánh giữa Luật Thủ đô với một số luật của Thủ đô một số nước trên thế giới.
Nhóm vấn đề thứ tư: Trên cơ sở phân tích, nghiên cứu tình hình quốc tế và đất nước, nhiều tham luận đã đề cập đến những yêu cầu quản trị, phát triển đặt ra đối với Hà Nội – một Thủ đô có quy mô dân số lớn so với thủ đô của các nước thế giới, của một quốc gia có quy mô dân số rất lớn, có nền kinh tế đang trong quá trình phát triển nhanh.
Từ đó, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách rất mới, có những cơ chế, chính sách chưa được quy định trong Luật Thủ đô, gợi mở cho việc tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về Thủ đô. Nhiều cơ chế, chính sách được đề xuất trong các tham luận phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, phù hợp định hướng trong dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Nhóm vấn đề thứ năm: Việc xây dựng hệ thống văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô cũng đồng thời với quá trình xây dựng các chính sách, định hướng phát triển lớn của đất nước. Chính vì vậy, các bài viết cũng đặt ra nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu để có đóng góp thêm vào những thể chế, chính sách lớn của đất nước mà trong Luật Thủ đô chưa đề cập đến. Các bài viết của Hội thảo không chỉ dừng lại ở việc cụ thể hóa, triển khai thi hành Luật Thủ đô mà còn gợi mở để đóng góp thêm những ý kiến vào chủ trương, định hướng trong việc cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước trong thời kỳ mới.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/tao-co-hoi-de-thu-do-ha-noi-co-cac-chinh-sach-mo-duong-dot-pha.html