Nơi người Chăm để lại thông điệp từ ngàn năm trước
Miền quê Sa Huỳnh ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi có nhiều bãi biển đẹp, gắn với các di tích của cư dân Sa Huỳnh, người Chăm cổ xưa. Trong đó phải kể đến bãi biển Hóc Mó – Vũng Bàng với cát vàng, biển xanh làm say lòng du khách. Hai ngọn núi vươn ra biển tạo nên bãi cát dài, phía nam gọi là Hóc Mó, phía bắc gọi là Vũng Bàng. Cạnh bãi biển Vũng Bàng có tảng đá bazan khá lớn, mặt phẳng hướng về phía nam có văn bia cổ khắc 6 dòng chữ Chăm với đường nét mềm mại, uyển chuyển.
Những dòng chữ trên bia đá này mang thông điệp của tiền nhân từ ngàn năm trước đến nay vẫn là bí ẩn với hậu thế. TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, phỏng đoán đây là văn bia ngoài trời của người Chăm, phổ biến ở những thế kỷ đầu Công nguyên.
“Những dòng chữ lưu lại trên đá cho thấy kỹ thuật cao của người Chăm. Nếu kỹ thuật không tốt thì sẽ không khắc được như vậy, bởi đá bazan rất dễ vỡ. Bia được đặt ở vị trí này chứng tỏ đây là vùng biển nổi tiếng. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi đang phối hợp với Viện Viễn Đông Bác cổ dịch nội dung văn bia để xác định chính xác niên đại”, TS Đoàn Ngọc Khôi cho biết.
Hiện dưới chân tảng đá có văn bia nói trên còn dấu vết đào bới nham nhở. Hàng chục năm trước, có người truyền tai nhau rằng người Chăm từng “chôn giấu vàng” trong thời tao loạn tại khu vực này. Thế là nhiều người lao vào tìm kiếm vàng với hy vọng đổi đời.
“Họ dùng cây sắt dài, có mũi nhọn xăm vào lòng đất và nháo nhào đào bới khi phát hiện dấu hiệu khả nghi. Những tảng đá có hình thù kỳ lạ, cây cối có dấu hiệu khác thường cũng bị lật tung trong cơn ‘say’ vàng. Những hàng chữ Chăm cổ khắc trên bia đá khơi dậy sự tò mò nên họ càng ra sức đào bới. Tôi có nghe những người lớn tuổi kể là chẳng ai đào được vàng Hời. Vậy nên mọi người ngừng việc tìm kiếm, lo chí thú làm ăn”, anh Võ Văn Xuân Cường – một người dân ở gần bãi biển Hóc Mó, Vũng Bàng nói.
Giếng Chăm cổ bao đời ngọt mãi
Cạnh văn bia cổ nói trên có giếng nước của người Chăm để lại từ ngàn năm trước, đến nay nước vẫn còn trong vắt, nhìn rõ tận đáy cát. Người Chăm ngày xưa đào giếng và dùng những hòn đá vuông vức lắp đặt từ dưới đáy lên trên, ngăn chặn sự sụt lún của cát biển. Hàng chục giếng nước của người Chăm khá vững chắc như thế đến nay vẫn còn hiện hữu ở miền quê Sa Huỳnh.
Sau hàng chục năm nghiên cứu, TS Đoàn Ngọc Khôi cho rằng người Chăm đào giếng này để cung cấp nước ngọt cho các thương thuyền ghé vào nghỉ ngơi trên hải trình xuôi nam ngược bắc. “Bãi biển Vũng Bàng có núi vươn ra biển chắn gió, lặng sóng nên thuận tiện cho thuyền bè vào neo đậu, lấy nước ngọt trước khi tiếp tục cuộc hành trình…”, TS Khôi nói.
Mấy mươi năm về trước, người dân làng Vũng (nay là tổ dân phố Thạnh Đức 1, P.Phổ Thạnh) lấy nước từ giếng cổ này mang về dùng trong gia đình. Mùa khô hạn, nhiều người phải chờ đến đêm mới lấy được nước. Ngư dân cũng đến giếng lấy nước chuyển lên thuyền trước khi vươn khơi đánh bắt hải sản.
“Kỳ lạ lắm! Giếng này nằm gần biển nhưng nước trong vắt và ngọt mát, trong khi nhiều giếng trong làng nằm cách xa biển nhưng nước nhiễm mặn, rất khó uống. Vậy nên gia đình tôi và bà con đều lấy nước giếng Chăm này về để nấu nướng. Đến khi có điện, có mô tơ bơm nước, máy lọc nước thì bà con mới hết dùng nước giếng Chăm…”, bà Võ Thị Sương, ở tổ dân phố Thạnh Đức 1, cho biết.
Từ văn bia cổ bên giếng Chăm có con đường đá dẫn đến xóm làng ở phía tây, trên vùng núi đồi nhấp nhô phủ màu xanh cây lá. Con đường này có từ thời cư dân Sa Huỳnh cổ sinh sống ở đây. Họ đi từ làng ra bờ biển rồi lên thuyền lướt sóng đánh bắt cá tôm. Và cũng qua đường biển, họ tiếp cận giao thương với thế giới bên ngoài cho làng quê ngày càng phồn thịnh.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bi-an-van-bia-co-tung-bi-don-la-noi-nguoi-cham-chon-giau-vang-185241114101247521.htm