Nhiều bạn trẻ là thành viên nòng cốt trong các nhóm chat “nấu xói” (nói xấu), bàn luận người khác rất hào hứng nhưng khi biết có ai nói mình thì như trời long đất lở. Và nói xấu mang lại niềm vui gì mà các bạn trẻ bây giờ chuộng như vậy?
Theo anh X.Hoàng (32 tuổi, quản trị fanpage), anh có nhiều nhóm chat cập nhật thông tin, “nấu xói” về người xung quanh.
“Ai có quyền không cho người khác nói về mình”
Một số người quen của anh bình thường nói xấu tùm lum trong các nhóm, nhưng hễ ai nói gì mình là làm um lên.
Anh bày tỏ, đâu ai có quyền không cho người khác nói về mình. “Chỉ có vô rừng hay ra đảo hoang không ai biết thì họ mới không nói. Nhất là mình nói người khác được thì sao lại giãy nảy khi biết người khác nói về mình?
Đến sếp còn bị nhân viên nhận xét, đánh giá hằng ngày. Bạn là gì mà người khác không được “nấu xói”?”, anh nói.
Anh có một nhóm chơi chung, hằng ngày tố đủ người. Một hôm, người trong nhóm phát hiện mấy bạn trong nhóm nói về mình. Mà không phải bịa đặt nói xấu gì cả, chỉ là kiểu “dạo này nó ít nói vậy, sao ít đi chơi với bồ, có khi chia tay rồi…”.
Người bạn đó bèn làm ầm lên. Từ đó không ai còn dám nói đụng tới. Và người đó tự cô lập mình khỏi nhóm.
Điều bất ngờ là ở những nhóm khác, người bạn này ngày ngày “tố” bao nhiêu chuyện, bao nhiêu người. “Chắc bạn nghĩ bạn có quyền nói về người khác, còn bạn thì bất khả xâm phạm”, anh bày tỏ.
Còn theo anh Minh P. (29 tuổi, nhân viên văn phòng tại quận 1, TP.HCM), chuyện nói xấu người khác không phải giờ mới có, mà tồn tại xưa nay.
Anh có khoảng 3 nhóm “nấu xói” là bạn bè thân. Anh tuyệt đối không buôn chuyện với đồng nghiệp vì có thể sẽ nhảy việc, hoặc ngại đồng nghiệp vì lợi ích mà bán đứng mình. “Bạn bè lâu dài, đồng nghiệp nhất thời”, anh quan niệm.
“2-3 người trở lên khi nói chuyện thường có xu hướng nói về một hoặc nhóm người nào đó, rồi đưa ra nhận xét, bình phẩm”, anh nói.
Các nhóm chat, mạng xã hội bây giờ giúp sức cho chuyện này, như hổ mọc thêm cánh. Anh nghĩ chuyện “nấu xói” đáp ứng tính tò mò, nhiều chuyện. Hai tính này thì hầu như người nào cũng có. Như những lần có vụ việc nóng như cưa bom, nhảy cầu… bao nhiêu người xúm lại xem.
Bên cạnh đó, việc bình phẩm một người nào đó sẽ làm bản thân thấy như đang trên cao nhìn xuống. Họ thấy mình không tệ hại như người được nhắc đến.
“Hơn nữa, có khúc mắc nào đó, các bạn trẻ sẽ tìm nơi để thanh minh thanh nga. Hoặc bị đụng chạm công việc, quyền lợi, họ cần tìm nhóm đồng minh để hài tội người đó, trút bớt bức xúc mà họ không dám nói công khai”, anh cho biết.
“Nấu xói” cũng… vui
Theo anh X.Hoàng, nói xấu giúp nhiều người cảm thấy hứng thú, cả ngày có khi không hết chuyện để nói.
Hoàng cho rằng ngồi lê đôi mách, bà tám, buôn dưa lê… là đặc tính của con nguời.
Và anh nhận thấy nói chuyện để giao tiếp, biết thông tin, giải trí… là niềm vui. Nhất là trong môi trường công sở, hằng ngày hằng giờ xảy ra biết bao chuyện.
Có khi trong lúc nhiều chuyện, những tình huống nảy sinh, những câu nói có thể thành ý tưởng để sáng tạo nội dung.
Hoàng không có thời gian cụ thể cho việc “nấu xói”. Lúc nào có thông tin là nhóm anh”nấu” lúc đó. Nếu chờ rảnh mới hóng thì “nguyên liệu” nguội hết rồi.
“Nấu xói trong giờ làm việc là vui và hiệu quả nhất. Vì lúc đó mọi người đều đang online, háo hức… Còn buổi tối hay cuối tuần không đông đủ, nếu nhiều chuyện thì không vui, không hào hứng”, anh nói.
Tuy nhiên, lúc đó mà các nhóm có tin nóng, tin hay thì anh ào vô chat, “chứ bỏ qua là tiếc lắm”. Ai buồn ngủ cứ ngủ, ai thức được thì buôn.
“Nấu xói” nhầm nhóm chat
Nghe ngóng tin tức, Hoàng thường chụp màn hình gửi các nhóm cho nhanh lẹ. Sau đó, anh xóa hết, không phải sợ bị phát hiện mà vì cho nhẹ máy.
Chỉ những cái nào quan trọng anh mới giữ lại, ít thì dễ tìm hơn. “Nếu muốn tìm lại, mình chỉ việc vô nhóm chat có công cụ tìm kiếm, trong đó có lưu lại hết.
Mình phải có trí nhớ tốt là chuyện nào nói trong nhóm nào, thời gian nào để tìm đỡ tốn thời gian”, anh nói.
Còn anh P. chia sẻ rằng thường người khác tung tin cho anh. Rảnh rỗi anh mới vào đọc tin nhắn và góp chuyện.
Do đặc thù ngồi văn phòng, xài máy tính nhiều, công việc trao đổi qua Messenger, các nhóm nói xấu cũng trên đó nên anh tiện xem tin nhắn mà không bị để ý.
Những ngày nghỉ, anh ưu tiên làm việc khác. Nhưng đôi khi có tin sốt dẻo, bạn bè nhắc tên, điện thoại thông báo nên anh vào góp chuyện.
“Nấu xói”, có lần Minh P. bị hớ. Anh vô tình nói về người bạn, và sơ ý nhắn vào nhóm chat có người đó. Rồi anh đi đánh răng chuẩn bị ngủ.
Ai ngờ giữa đêm một người bạn gọi anh giật ngược, kêu mau kiểm tra Messenger. Anh hớt hải mở điện thoại, thấy chat nhầm nhóm.
Cũng may người bị tố tối đó hình như ngủ sớm, không coi tin nhắn nên anh kịp thu hồi. “Tính năng thu hồi cứu tôi một bàn thua trông thấy. Vì nếu người kia đọc được chắc ảnh hưởng mối quan hệ”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/lap-nhom-nau-xoi-101-nguoi-to-nguoi-khac-chua-du-quay-ra-to-nhau-20241113081409925.htm