Dẫn lời Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Chân Quang, Tiến sĩ Phạm Thanh Hằng – Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) mở đầu cuộc trò chuyện với PV Báo TN&MT về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên từ góc nhìn Phật giáo.
PV: Con người không thể sống tách mình ra khỏi vạn vật và thiên nhiên – đó là một trong những khẳng định về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên được thể hiện trong giáo lý nhà Phật. Bà có thể nói rõ hơn về quan điểm này?
TS Phạm Thanh Hằng:
Theo Lý thuyết của Phật giáo, vũ trụ là một đại thiên được hợp thành bởi các tiểu thiên và con người chính là một tiểu thiên của vũ trụ, do đó, con người sinh ra mang đặc tính của vũ trụ, đồng thời, chịu sự chi phối bởi quy luật chung.
Nhiều tác phẩm kinh điển của Phật giáo đã phân tích và đưa ra những quan điểm khá đầy đủ về mối quan hệ tác động qua lại giữa con người và thế giới bên ngoài (giới tự nhiên) và gọi đó là Nhân duyên. Ý nghĩa quan trọng của nguyên lý Nhân duyên ở chỗ mọi hành vi đều gây ra các hậu quả tất yếu của nó, các hậu quả này trước hay sau sẽ quay ngược lại tác động vào chính chủ thể của hành vi ban đầu theo quy luật Nhân – Quả.
Vì vậy, giáo lý Phật giáo luôn hướng con người đến lối sống gắn bó, hài hòa, thân thiện với thiên nhiên, tôn trọng, trân quý thiên nhiên như cách con người gieo hạt thiện trên cánh đồng thiên nhiên để gặt hái mùa lành. Cũng trong giáo lý Phật giáo, thuyết Duyên khởi cho rằng, không có sự vật nào tồn tại và vận hành một cách độc lập, mà mỗi một thực thể tồn tại nhờ sự tương quan mà nó có với những thực thể khác trong môi trường. Tất cả các dạng sống trên vũ trụ là các thực thể bình đẳng trong tự nhiên và sự sống của tất cả con người, động vật, thực vật trên thế giới đều có quan hệ với nhau, phụ thuộc lẫn nhau và phát triển, tương quan với nhau. Do đó, con người không thể sống tách mình ra khỏi vạn vật và thiên nhiên được.
PV: Từ mối quan hệ này, Phật có lời răn nào đối với con người, thưa bà?
TS Phạm Thanh Hằng:
Phật giáo luôn răn con người cần có ý thức bảo vệ thiên nhiên như bảo vệ sự sống của chính mình. Học thuyết Duy Thức trong Phật giáo cảnh tỉnh rằng, sự ô nhiễm và suy thoái của môi trường sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự tồn tại của mọi dạng sống trên trái đất và dẫn tới sự khổ đau của con người. Nếu như con người vẫn cứ tiếp tục duy trì những tác động tiêu cực vào thiên nhiên như chặt phá rừng bừa bãi, săn bắt động vật làm mất cân bằng sinh thái, thải rác và sản xuất lan tràn làm ô nhiễm nguồn nước và môi trường đất thì con người sẽ sớm phải trả giá đắt cho việc làm của mình.
Lối sống “thiểu dục, tri túc” (ham muốn ít, biết đủ) mà Phật giáo đề cao cũng có ý nghĩa răn dạy con người phải biết vừa lòng những gì mình có, không ham hưởng thụ, dùng quá mức; ánh sáng “thiểu dục, tri túc”. Ở góc chiếu môi trường có thể hiểu là tiết kiệm năng lượng, tài nguyên. Con người cần loại bỏ đi “tam độc” (tham, sân, si), không được vì lòng tham mà làm tổn hại đến vạn vật và môi trường, tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên.
Quan niệm sống của nhà Phật rõ ràng thức tỉnh con người nhận thức sâu sắc và thấu đáo về trách nhiệm của mình đối với môi trường sống. Một lối sống giản dị, tiết kiệm, giảm sức ép đối với môi trường, hài hòa giữa danh lợi với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và các loài động, thực vật sẽ góp phần làm giảm ô nhiễm; tránh được tình trạng rừng bị tàn phá, tài nguyên bị suy kiệt, động vật bị săn bắn dẫn tới tuyệt chủng; nhờ đó tránh được sự “trả thù” của thiên nhiên, khí hậu như bão lũ, hạn hán, sa mạc hóa, động đất, nước biển dâng,… đe dọa cuộc sống của chúng ta.
PV: Là tổ chức tôn giáo lấy “Hộ quốc – An dân” làm giá trị cốt lõi, với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, ngay từ buổi đầu hình thành, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã tiên phong đồng hành cùng sự nghiệp bảo vệ môi trường của đất nước. Bà có thể dẫn một số điểm sáng trên chặng đường đồng hành những năm gần đây?
TS Phạm Thanh Hằng:
Gần hai ngàn năm có mặt ở Việt Nam, đạo Phật đã trải qua nhiều thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, song thời nào, Phật giáo cũng lấy đức từ bi để giáo hóa chúng sinh, lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Phật giáo Việt Nam đã xây dựng cho mình truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Tiếp nối truyền thống của Phật giáo Việt Nam, GHPGVN đã và đang viết tiếp trang sử vàng, tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong lòng dân tộc. Với bản chất từ bi, yêu tự do, yêu hòa bình, tôn trọng sự sống; với phương châm hoạt động “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, GHPGVN hôm nay luôn nỗ lực xứng đáng là một tôn giáo “Hộ quốc – An dân”.
Ở tiết diện môi trường, GHPGVN đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tín đồ Phật tử về mối quan hệ gắn bó giữa con người với tự nhiên; răn dạy tín đồ ứng xử hài hòa, thân thiện với môi trường. Năm 2011, nhân ngày Phật đản, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ – Nguyên Đệ tam Pháp chủ GHPGVN đã gửi thông điệp về vấn nạn môi trường và lời kêu gọi bảo vệ môi trường tới tất cả Phật tử, rằng: “Thế giới nói chung và đất nước ta nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn, tác hại do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt, nhiệt độ trái đất gia tăng, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh, sóng thần, động đất, nước biển dâng,… đang là những thảm họa đe dọa đến sự an nguy của sự sống con người… Tôi kêu gọi mỗi Tăng, Ni, Phật tử chúng ta cần phải hiểu rõ bản chất của giáo lý Phật Đà về luật vô thường, về tôn trọng sự sống và mối quan hệ hữu cơ giữa con người và thiên nhiên, để chung tay với cộng đồng xã hội bảo vệ môi trường xã hội và sự an nguy của trái đất”.
Năm 2015, tại Hội nghị toàn quốc “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, GHPGVN gửi thông điệp: “Chúng tôi kêu gọi mỗi người bằng hành động thiết thực, cam kết bảo vệ môi trường bền vững, đó cũng là sự bảo vệ chính mình. Hãy cùng nhau làm cho môi trường xung quanh chúng ta xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn”.
Năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ TN&MT cùng 43 tổ chức tôn giáo trong cả nước đã ký Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (Giai đoạn 2022 – 2026). Chương trình đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thúc đẩy phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”. Đặc biệt, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần tích cực, chủ động trong thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
PV: Và GHPGVN đã hiện thực hóa những giáo lý, lý thuyết, chương trình… thành hành động cụ thể. Một số hoạt động Phật sự liên quan đến môi trường của Phật giáo ở Việt Nam được biểu hiện thế nào, thưa bà?
TS Phạm Thanh Hằng:
Không chỉ tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của Phật tử một cách thuần túy, trong công tác Phật sự và hoạt động xã hội, Phật giáo đã hiện thực hóa giáo lý nhà Phật thành hành động cụ thể.
Gần nhất về mặt thời gian là mùa An cư kiết hạ tới đây với hai ý nghĩa: tu tập giáo lý và thể hiện lòng từ bi, bắt đầu từ trung tuần tháng Tư lịch âm đến hết rằm tháng 7.
Đây là ba tháng trùng vào mùa mưa của Ấn Độ. Trong 3 tháng này, cây cối sinh sôi, côn trùng, ếch, nhái, giun, dế… ra ngoài nhiều, vậy nên hạn chế đi lại sẽ tránh được sự sát hại vô tình đối với vạn vật. Điều này vốn xuất phát từ truyền thống tốt đẹp của Phật giáo là từ bi, hỷ xả, không sát sinh muôn loài, góp phần nêu cao tinh thần, trách nhiệm tự giác của con người đối với sứ mệnh bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên và môi trường sinh thái.
Thực hiện “ăn chay” trong Phật giáo cũng góp phần cân bằng và cải thiện môi trường sinh thái. Việc hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm từ động vật giúp cho nhiều loài động vật tránh khỏi nguy cơ cạn kiệt, hệ sinh thái nhờ đó mà được bảo vệ, cân bằng.
Nhiều cộng đồng tôn giáo thường xuyên tổ chức phóng sinh đúng nghĩa, cứu vớt các sinh vật thoát khỏi sự chết; thả tôm cá để tăng đa dạng hệ sinh thái. Hoạt động tín ngưỡng nội vụ được thực hiện trong ý niệm hạn chế ảnh hưởng đến môi trường như không lạm dụng đốt hương, vàng mã; kêu gọi các tín đồ Phật tử không đốt vàng mã ảnh hưởng đến môi trường,… Tăng, Ni, Phật tử thường xuyên tham gia dọn rác khuôn viên tự viện, cơ sở thờ tự và khu dân cư lân cận.
Một số thiền viện xây dựng ngay cạnh rừng để đảm trách thêm nhiệm vụ bảo vệ rừng và bảo tồn các loài động vật hoang dã. Một số thiền viện Phật giáo đã gây dựng mô hình “rừng thiền” với cây cối xanh tươi, hồ nước trong sạch, không khí mát mẻ, tạo môi trường thanh tịnh, an bình cho khách thập phương thưởng ngoạn. Trong các thiền viện, Tăng, Ni, Phật tử được vận động tham gia phong trào “trồng cây phúc đức”, “trồng cây trí đức”.
PV: Phải chăng, việc trồng cây giống như một sự gieo hạt giống mẫn tiệp và rước phước, thưa bà?
TS Phạm Thanh Hằng:
Có rất nhiều lợi ích mang lại từ trồng cây, thế nên chúng ta thường vận câu: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm trồng người” như một lời hiệu triệu. Trồng cây là gieo thêm một mầm sống vào môi trường cho đa dạng muôn loài. Như vậy, trồng cây theo ý niệm nhà Phật là gieo trồng phúc đức, để lại phúc đức cho đời sau. Nhận chân vấn đề vừa là bản năng yêu thương muôn loài, vừa là biểu hiện của người tiến bộ, mà như cách nói của Thượng tọa Thích Chân Quang: “Càng tiến bộ, chúng ta càng phải biết gần gũi, yêu quý thiên nhiên. Hơn nữa, là đệ tử Phật – những người có lòng thương yêu muôn loài, lòng thương yêu sự sống đơn giản, lòng biết ơn sâu sắc – chúng ta càng yêu quý thiên nhiên hơn”.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!