Cơ khí – máy móc và thiết bị là ngành công nghiệp then chốt, là cơ sở, nền tảng, động lực cho sự phát triển công nghiệp của bất cứ thị trường nào, đặc biệt với đất nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam.
Theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 7% thị trường. Ngành cơ khí – máy móc và thiết bị trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Hiện nay cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ và ô tô và phụ tùng ô tô. Doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động.
Cơ khí chế tạo trong nước hiện nay cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85- 95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, phải kể đến một số doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực ô tô như: Vinfast, Thành Công, Thaco…
Đến nay, linh kiện kim loại sản xuất trong nước hiện đã đáp ứng được 85- 90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15- 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô; khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; khoảng 40- 60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Đáng chú ý, công nghiệp sản xuất linh kiện kim loại cho ngành xe máy được đánh giá là tương đối phát triển với năng lực cung ứng đạt mức cao. Do dung lượng thị trường lớn, các doanh nghiệp lắp ráp FDI tại Việt Nam đã kêu gọi được nhiều nhà cung ứng FDI đầu tư theo và xây dựng được quan hệ hợp tác với các nhà cung ứng trong nước. Tương tự ngành xe máy, công nghiệp sản xuất linh kiện kim loại cho máy móc nông nghiệp, máy động lực và máy xây dựng tương đối phát triển với tỷ lệ nội địa hóa khá cao.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất máy móc thiết bị của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính cả năm 2024, chỉ số sản xuất của ngành này tăng 5% so với năm 2023.
Trong đó, sản lượng sản xuất động cơ điện một chiều khác và máy phát điện một chiều trong năm 2024 ước đạt 368,68 triệu chiếc, tăng 4,16% so với năm 2023, nhưng giảm 20,73% so với năm 2019. Sản phẩm này được sản xuất chủ yếu tại Đồng Nai (chiếm 96,34% tổng sản lượng sản phẩm này của cả nước); Phú Thọ (chiếm 3,45%); Hải Dương (chiếm 0,21%) …
Tiếp đến là: Động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W ước đạt 407,38 triệu chiếc, tăng 0,17% so với năm 2023; máy khâu loại dùng cho gia đình đạt 3,9 triệu cái, tăng 30,65%; máy biến đổi điện quay đạt 121,47 nghìn bộ, giảm 17,42%…
Bảng: Tham khảo một số loại máy móc thiết bị sản xuất tại một số địa phương trong năm 2024
Nguồn: Tổng hợp số liệu từ các Cục Thống kê
Một số kết quả đạt được
Doanh nghiệp cơ khí đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp doanh nghiệp cơ khí có ưu thế hơn khi xuất khẩu, mở rộng thị trường đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), lĩnh vực cơ khí cũng có thêm nhiều khách hàng mới do sự dịch chuyển về sản xuất. Năng lực của doanh nghiệp trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Cùng với đó là nhiều công đoạn sản xuất doanh nghiệp Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ.
Giai đoạn vừa qua đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của ngành cơ khí khi từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp và kinh tế phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Các sản phẩm trước đây phải nhập khẩu hoàn toàn thì nay đã từng bước được thay thế bằng sản phẩm do chính ngành cơ khí trong nước chế tạo. Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí trong nước đã thể hiện rõ năng lực tốt tại một số lĩnh vực như khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật… Thêm vào đó, nhu cầu của thị trường công nghiệp hỗ trợ rất lớn nên nhiều doanh nghiệp đã đầu tư để nâng cao sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng cao, phục vụ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.
Tại Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp tiên phong phát triển công nghiệp hỗ trợ như Công ty Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải – Thaco Industries (Tập đoàn thành viên của Thaco) tại Khu công nghiệp Thaco Chu Lai, Quảng Nam. Thaco Industries sản xuất rất nhiều sản phẩm cơ khí phục vụ cuộc sống như máy móc nông nghiệp, đường ống cấp thoát nước, bồn chứa nước, linh kiện và phụ tùng ô tô… Những sản phẩm đó đã giúp Thaco Industries đạt doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm và tăng trưởng liên tục trong các năm gần đây.
Thách thức lớn trong ngành cơ khí
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan trong những năm gần đây, ngành cơ khí trong nước cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về thị phần bởi cơ chế, chính sách chưa thật sự hoàn thiện. Bên cạnh đó, vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí của một số doanh nghiệp trong nước hiện vẫn còn thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh. Số lượng sản phẩm mang thương hiệu Việt vẫn chưa nhiều; những hạn chế về nguồn cung ứng vật liệu sản xuất, đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của ngành cơ khí.
Một trong những khó khăn hàng đầu là trình độ công nghệ và năng suất lao động còn thấp. Nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước chủ yếu tập trung vào gia công, lắp ráp đơn giản thay vì phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc lớn vào công nghệ và nguyên liệu nhập khẩu.
Công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí tại Việt Nam cũng chưa phát triển mạnh, khiến cho chuỗi cung ứng nội địa chưa đủ hoàn thiện. Việc thiếu hụt nguyên liệu và linh kiện nội địa khiến các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ nước ngoài, làm tăng chi phí sản xuất và giảm tính cạnh tranh của sản phẩm cơ khí Việt Nam.
Hơn nữa, khả năng nghiên cứu và phát triển trong ngành cơ khí Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp không có đủ nguồn lực hoặc chưa chú trọng đến việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, điều này làm giảm khả năng sáng tạo và phát triển công nghệ mới, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Các giải pháp phát triển
Để phát triển bền vững, ngành cơ khí Việt Nam cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như:
Đầu tư vào công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm: Các doanh nghiệp cơ khí cần tập trung đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại như tự động hóa, robot, và trí tuệ nhân tạo. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn cải thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cơ khí Việt Nam cần xây dựng chuỗi cung ứng trong nước mạnh mẽ, giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện từ nước ngoài. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế hoặc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo. Do đó, việc đầu tư vào đào tạo công nhân, kỹ sư, và chuyên gia cơ khí có trình độ là cần thiết. Các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ mới, quản lý sản xuất, và phát triển sản phẩm cần được thúc đẩy.
Tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D): Việc đầu tư vào R&D giúp doanh nghiệp cơ khí nâng cao năng lực sáng tạo, phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh. Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ R&D trong ngành cơ khí, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Hợp tác quốc tế: Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cần tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và mở rộng thị trường. Việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và tăng cường tính cạnh tranh.
Theo nhận định của VASI, để phát triền công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí cần có chương trình hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành; ưu đãi cho công ty công nghiệp hỗ trợ cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về tài chính… Đồng thời giúp doanh nghiệp thêm điều kiện tiếp cận công nghệ mới. Cần xem xét việc bình đẳng các ưu đãi đầu tư giữa doanh nghiệp cơ khí trong nước và doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, nhà nước cũng nên tạo nhiều đơn hàng, trong đó có đơn hàng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nhất là các dự án đầu tư công.
Ngành cơ khí cần được đưa vào các chương trình phát triển với những ưu đãi nhất định về thuế, vốn, thị trường… bởi đây là ngành sản xuất nền tảng, hỗ trợ cho nhiều lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.
Để giải quyết vấn đề của ngành cơ khí, cần có một số ưu tiên như: tạo dựng nguồn vốn vay dài hạn, lãi suất ổn theo đặc thù sản xuất cho các doanh nghiệp ngành cơ khí; ban hành các quy định thầu sao cho góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước; tạo thị trường cho doanh nghiệp cơ khí trong nước; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất và khuyến khích tiêu thụ sản phẩm cơ khí trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
Hiện Hội Doanh Nghiệp Cơ Khí – Điện TP.HCM (HAMEE) đang triển khai dự án “Made by Vietnam” nhằm tạo hệ sinh thái hình thành chuỗi cung ứng chuỗi giá trị cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp nâng cao cao chất và lượng của sản phẩm Việt Nam. Đồng thời, trong khuôn khổ dự án cũng đẩy mạnh việc quảng bá cho các doanh nghiệp, sản phẩm công nghiệp Việt Nam tại thị trường nội địa cũng như kết nối đến thị trường các nước thông qua các chương trình xúc tiến thương mại.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-co-khi-viet-nam-thach-thuc-va-trien-vong.html