Chiếc quạt Tương Phi nguyên soái Diệp Kiếm Anh tặng Bác Hồ, các hiện vật Bác Hồ từng sử dụng khi ở tại gia đình ông Nông Kỳ Chấn, bản Na Trào, Trung Quốc khi vừa rời nhà tù Tưởng Giới Thạch… đang được giới thiệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Triển lãm Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc được Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng thực hiện tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ nay tới hết tháng 4-2025, còn có rất nhiều tài liệu, hiện vật quý kể câu chuyện tình cảm trân quý mà những đồng chí, nhân dân Trung Quốc dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Triển lãm được tổ chức để kỷ niệm 100 năm ngày Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh lần đầu đặt chân đến Trung Quốc trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước (1924 – 2024); hướng tới 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc (1950 – 2025).
Ngôi nhà Bác Hồ đã nghỉ chân
Với hơn 200 tài liệu và hiện vật, triển lãm Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc giới thiệu đến công chúng những dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lưu lại trên đất nước Trung Quốc.
Theo ban tổ chức, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Trung Quốc là nơi Người từng đến nhiều lần, sinh sống ở đó trong nhiều khoảng thời gian, kết giao với nhiều bạn bè Trung Quốc và để lại những tình cảm sâu đậm.
Nhiều địa danh trên đất Trung Quốc còn ghi dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có sức lay động lòng người và trở thành biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị Việt – Trung.
Trong triển lãm, người xem xúc động được gặp lại những hiện vật như đồng hồ quả lắc, chậu đồng, bộ ba chiếc bát ăn cơm bằng men sứ Bác Hồ từng sử dụng khi ở tại gia đình ông Nông Kỳ Chấn, bản Na Trào, xã Hạ Đông, huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc tháng 8-1944.
Đầu tháng 8-1944 sau khi ra khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch, Bác Hồ cùng đoàn cán bộ đang tìm cách thức và đường lộ về Việt Nam. Trong thời gian đó Người đã ở nhà ông Nông Kỳ Chấn và sinh hoạt cùng với gia đình ông.
Trước khi lên đường, Bác đã tặng ông Nông Kỳ Chấn một chiếc khăn len để giữ làm kỷ niệm, Người còn gửi một ít sách vở nhờ ông Nông Kỳ Chấn giữ hộ.
Được ông Nông Kỳ Chấn và bà con giúp đỡ, đoàn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hạ Đông qua cửa khẩu Thủy Khẩu về nước.
Khoảng tháng 9-1944, Bác về đến căn cứ địa Pác Bó, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Sau ngày Việt Nam độc lập, Bác còn qua lại vùng đất Long Châu nhiều lần và Người luôn nhớ những ngày tháng nhận được sự bảo vệ và giúp đỡ chí tình của nhiều bà con dân tộc Choang như gia đình ông Phan Toàn Trân, Nông Kỳ Chấn.
Năm 1960, ông Nông Kỳ Chấn được Bác mời sang thăm Việt Nam và được Người đón tiếp thân mật. Bộ sưu tập hiện vật được Bảo tàng huyện Long Châu sưu tập và tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 26-6-2007.
Chiếc quạt Tương Phi do nguyên soái Diệp Kiếm Anh tặng
Nguyên soái Diệp Kiếm Anh từ những năm 30 của thế kỷ XX đã có thời gian cùng hoạt động trong phong trào cách mạng Trung Quốc với Nguyễn Ái Quốc.
Sau này, khi Nguyễn Ái Quốc trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Diệp Kiếm Anh được phong quân hàm nguyên soái, mối quan hệ ấy tiếp tục được củng cố và phát huy.
Ngày 15-12-1961, nhân kỷ niệm 17 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên soái Diệp Kiếm Anh dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sang thăm hữu nghị Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho nguyên soái Diệp Kiếm Anh và đoàn sự quan tâm đặc biệt và đón tiếp trọng thị. Chính trong lần gặp gỡ này, nguyên soái Diệp Kiếm Anh đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh những món quà ý nghĩa và quý giá, trong đó có tặng phẩm chiếc quạt giấy Tương Phi.
Chiếc quạt giấy có chất liệu là trúc và giấy, nan quạt được làm bằng trúc Tương Phi, đây là một loại trúc quý ở vùng Hồ Nam, Trung Quốc, nên gọi là quạt Tương Phi.
Một mặt quạt có lời đề tặng cùng bài thơ của nguyên soái Diệp Kiếm Anh viết tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Trung Quốc.
Bài thơ thất tuyệt bày tỏ lòng ngưỡng mộ của nguyên soái Diệp Kiếm Anh đối với tinh thần đấu tranh bất khuất và những thắng lợi của nhân dân Việt Nam.
Chiếc quạt đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng và cất trên giá sách trong phòng làm việc.
Trong bộ tặng phẩm của nguyên soái Diệp Kiếm Anh và đoàn đại biểu quân sự Trung Quốc tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1961, còn có một tặng phẩm rất quý đó chính là bức trướng có bài thơ Thấm viên Xuân – Tuyết của Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Còn Chủ tịch Mao Trạch Đông cũng tặng bức tranh dệt Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh nhân dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19-5-1967.
Các bạn Trung Quốc còn tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh bộ dụng cụ thể dục khi Người sang chữa bệnh tại nước bạn.
Triển lãm có giới thiệu một tặng phẩm rất quý giá và ý nghĩa do Quân khu Quảng Châu tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp sinh nhật lần thứ 77 của Người năm 1967: Tượng các chiến sĩ Giải phóng quân miền Nam Việt Nam bằng đá ngọc thạch màu xanh nhạt.
Tác phẩm là tiếng nói chia sẻ ủng hộ, sự cổ vũ Quân đội Nhân dân Việt Nam chiến đấu đánh thắng đế quốc Mỹ và thống nhất Tổ quốc.
Triển lãm cũng cho thấy tình cảm sâu nặng mà nhân dân Trung Quốc dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng bào dân tộc Hà Nhì và dân tộc Di ở châu Hồng Hà, Vân Nam, Trung Quốc năm 1957 đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh một chiếc nồi hầm.
Hay hai bạn nhỏ ở Bắc Kinh là AnNa và Bạch Lan gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáu chú mèo sứ nhân sinh nhật lần thứ 70 của Người năm 1960.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/chuyen-chua-ke-ve-nhung-vat-quy-ma-tuong-linh-nhan-dan-trung-quoc-tang-bac-ho-20241114062001568.htm#content-1