Trước đề xuất áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% đối với mặt hàng phân bón, nông dân trồng lúa, cây ăn trái ở miền Tây mong muốn cơ quan quản lý nhà nước làm sao giảm giá phân bón để giảm chi phí đầu vào.
Những năm gần đây, giá lúa tăng cao kỷ lục nhờ xuất khẩu gạo khởi sắc, nông dân trồng lúa ở Cà Mau có lợi nhuận nhưng mức lời rất thấp, từ 3,3 đến 3,5 triệu đồng/ha. Trong đó, giá phân bón tăng cao đã tác động rất lớn đến sản xuất, lợi nhuận của nông dân.
Chủ tịch Hội Nông dân Cà Mau Huỳnh Quốc Hùng chia sẻ như vậy khi dẫn chúng tôi đi thực tế tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Long Giang (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).
Giá phân bón liên tục tăng, nông dân mong hạ giá
Những ngày đầu tháng 11, trên cánh đồng xã Khánh Bình Tây, bà con nông dân đang khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng, bơm rút nước để xuống giống sớm vụ đông xuân 2024 – 2025.
Đang rải phân đạm (ure) cho hơn 3ha lúa ST25 mới gieo sạ, ông Phạm Trường Giang – giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Long Giang – cho hay từ khi gieo sạ đến khi trổ đòng phải rải phân bón ba lần chính và một lần bón vá áo. Tính ra tiền phân bón hết 6,6 triệu đồng – chiếm 40% tổng chi phí đầu vào sản xuất.
“Giá lúa có tăng nhưng giá vật tư còn tăng mạnh hơn. Bao phân tăng lên 200.000 đồng mà 1kg lúa tăng lên 1.000 đồng thì việc giá lúa tăng so với giá vật tư tăng vẫn còn chênh lệch rất xa, do đó lợi nhuận không tăng”, ông Giang nói và cho biết nếu làm không khéo thì nông dân không thể lời được 30%.
Trước việc Quốc hội đang thảo luận đưa phân bón từ diện không chịu thuế sang chịu thuế VAT 5%, ông Giang cho hay bà con cũng không nắm rõ về chính sách thuế. Còn thực tế, nông dân thấy hiện nay giá phân bón ngày càng tăng cao.
“Bà con kiến nghị cấp trên có giải pháp, chính sách làm sao giảm giá thành và nâng cao chất lượng phân bón để giảm áp lực chi phí đầu vào, tăng hiệu quả và lợi nhuận cho nông dân trồng lúa”, ông Giang nói.
Cùng kiến nghị như ông Giang, ông Bùi Văn Tường – nông dân trồng 12ha sầu riêng, vú sữa ở ấp Trường Khương A (xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) – cho biết mỗi năm phân bón tăng trung bình 5% và dù giá phân bón cao thì nông dân vẫn bắt buộc phải dùng cho cây lúa, cây trái vì không xài thì không hiệu quả.
“Trong khi giá bán không tăng nên lợi nhuận của nông dân ngày càng co lại. Nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ giá phân bón thì nông dân có đời sống khấm khá hơn”, ông Tường nói.
Kỳ vọng doanh nghiệp chia sẻ với nông dân
Phó chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ Trần Thị Thiên Thư cho biết khi nói đến việc áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón thì mặc nhiên người nông dân suy nghĩ đến việc mua phân bón sẽ bị tăng so với khi không đánh thuế.
“Tuy nhiên ở góc độ điều hành vĩ mô, nông dân và người dân tin tưởng vào sự điều hành của Chính phủ, sự tham mưu của các đơn vị chuyên môn thì Chính phủ có bài toán làm sao hài hòa nhất để vừa đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất.
Cũng có thể khi áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón nhưng mức giá bán ra bằng hoặc thấp hơn so với không áp thuế. Nông dân cũng kỳ vọng doanh nghiệp sẽ chia sẻ phần lợi nhuận và hướng tới người nông dân để cùng phát triển bền vững”, bà Thư nói thêm.
“Về mặt lý thuyết, khi áp thuế VAT 5% thì nông dân hưởng lợi nhưng ngược lại khi thị trường đầu vào phân bón tăng lên, đặc biệt là phụ thuộc vào thị trường nước ngoài thì nông dân sẽ không được hưởng lợi nhiều.
Khi đó, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục có chính sách can thiệp, hỗ trợ nông dân ổn định cuộc sống, vươn lên, với mục tiêu chính người nông dân là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới”, chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết quan điểm của bộ là ủng hộ việc áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón.
Theo ông Trung, xét cho cùng thì chúng ta đang muốn tạo điều kiện tối đa để cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực bổ sung sản phẩm, cải thiện hệ thống dây chuyền, mua thêm trang thiết bị và công nghệ sản xuất, và quan trọng nhất là hạ giá thành phân bón xuống, khi đó mới có lợi cho người nông dân.
“Khi bộ làm việc với Hiệp hội Phân bón Việt Nam và các doanh nghiệp thì họ đều hướng tới mục tiêu đó. Việc áp thuế VAT để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực nâng cao công nghệ, từ đó giảm giá thành sản xuất mỗi tấn phân bón, góp phần giúp người dân mua được các loại vật tư, phân bón giá rẻ hơn, hợp lý hơn, từ đó giảm chi phí đầu vào và nâng cao lợi nhuận thu được”, ông Trung nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thue-vat-phan-bon-tran-tro-cua-nong-dan-mien-tay-20241113160714285.htm