Làm mới các sản phẩm du lịch
Thành phố đang chỉ đạo triển khai nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản – di tích, làng nghề, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương, ưu tiên 03 nhóm sản phẩm chính gồm kết nối và phát triển các sản phẩm du lịch dựa vào khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của Thủ đô để thu hút du khách như: Tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, tour “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”, tour “Du lịch Văn học” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam; nghiên cứu, thí điểm triển khai mô hình Bus đường sông phục vụ nhu cầu người dân và khách du lịch…
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đêm kết hợp với trải nghiệm thực tế tại các khu vực di tích, di sản của Thành phố như: Tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long; tour “Đêm Thiêng Liêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò; các sản phẩm du lịch trải nghiệm đêm tại các tuyến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố đi bộ Trần Nhân Tông, phố đi bộ khu vực Thành cổ Sơn Tây…
Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ tập trung tổ chức chuỗi các hoạt động, sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch định kỳ hàng năm theo hướng chuyên nghiệp, mang đậm bản sắc văn hóa và thương hiệu du lịch Thủ đô để tạo thành sản phẩm thu hút khách du lịch, như: Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội, Lễ hội Ẩm thực và Du lịch Làng nghề, Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội…
Thực tế cho thấy, với nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng cùng các sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn, Thủ đô Hà Nội đã và đang thu hút đông đảo du khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm, khám phá. Hoạt động du lịch sôi nổi vừa góp phần quảng bá hình ảnh đẹp của Hà Nội nghìn năm văn hiến, văn minh, hiện đại đến với bạn bè quốc tế, vừa thúc đẩy kinh tế – xã hội của Thủ đô phát triển.
Ngay từ đầu năm 2023, lượng du khách đến với Hà Nội tăng cao, thể hiện rõ nhất trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Riêng trong đợt Tết Nguyên đán Quý Mão, Hà Nội phục vụ khoảng 332.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 32.000 lượt khách.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng, đây là tín hiệu khởi sắc mang đến nhiều kỳ vọng của du lịch Thủ đô. Tuy nhiên, với mục tiêu đề ra trong năm nay là đón khoảng 22 triệu lượt khách (tăng 17,6% so với năm 2022), trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế (tăng 100% so với năm 2022), thì ngành Du lịch cần phải có chiến lược bài bản, sự chung tay, hợp lực của các đơn vị, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động du lịch Thủ đô
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, Thành phố coi đây là giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy, phát triển kinh tế – xã hội nói chung, trong đó tập trung ưu tiên đối với ngành Du lịch.
Đến nay, các điểm đến du lịch của Hà Nội rất tích cực, chủ động ứng dụng các công nghệ mới trong quá trình xây dựng sản phẩm, nâng cao công tác quản lý, như: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam triển khai thành công ứng dụng thuyết minh đa phương tiện (iMuseum VFA); di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám ứng dụng công nghệ 3D, Mapping trong tái hiện các văn thư, tài liệu, hiện vật cổ, số hóa các dữ liệu về lịch sử các khóa thi cử, hệ thống văn bia tiến sĩ; điểm du lịch Bát Tràng ứng dụng công nghệ VR 3D (thực tế ảo) giúp du khách như được hòa mình vào lễ hội làng nghề…
Nhiều địa phương của Thành phố đã triển khai số hóa các điểm đến di sản – di tích bằng công nghệ giao diện ảnh 3600; ứng dụng mã QR Code với 6 ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn) phục vụ thuyết minh, hướng dẫn tại các điểm đến du lịch…
Thành phố cũng đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô trên các nền tảng truyền thông xã hội cũng như các nền tảng 3D, trực tuyến khác và triển khai nâng cấp hệ thống Website, trang mạng xã hội quảng bá du lịch Hà Nội phù hợp với xu hướng mới của thị trường.
Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Hà Nội đã liên kết, thống nhất hệ thống dữ liệu cho hơn 300 điểm du lịch trên địa bàn. Các di tích, điểm đến cũng được số hóa để du khách dễ dàng tìm hiểu về điểm tham quan trước mỗi chuyến đi, đồng thời chuẩn hóa các nội dung thuyết minh tự động bằng 6 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn.
“Nhờ áp dụng công nghệ, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thử sức với các dịch vụ mới liên quan và giải đáp bài toán về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian”, ông Hiếu nêu rõ.
Thông tin về việc chuyển đổi số phục vụ du khách, Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, đơn vị đã phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist để quảng bá sản phẩm tour đêm trên website của các doanh nghiệp, mạng xã hội Facebook, Zalo. “Việc chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng để đơn vị liên kết với doanh nghiệp du lịch xây dựng tour thu hút du khách đến với Hà Nội”, bà Thủy nhấn mạnh.
Chị Trần Hoàng Thảo (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Từ lâu, tôi tự đặt tour qua các nhà cung cấp dịch vụ online, như: Booking.com, Agoda, Chudu24… hoặc đặt tour của các công ty du lịch qua giao dịch trực tuyến. Công nghệ đang giúp việc đi du lịch thuận tiện hơn”.
Thực tế cho thấy, để thực hiện số hóa hoàn toàn các dữ liệu du lịch không đơn giản, bởi sản phẩm du lịch được hợp thành bởi một chuỗi cung ứng dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan… Theo các doanh nghiệp, việc số hóa sẽ dẫn tới tái cấu trúc doanh nghiệp, quy trình kinh doanh. Và sự thay đổi này không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng tâm thế, đủ năng lực thực hiện. Do đó, các cơ quan quản lý cần có những chính sách kiến tạo môi trường để các doanh nghiệp có đủ thời gian tích luỹ nguồn lực, đổi mới công nghệ.
Bài, ảnh: LINH CHI