Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h.
Các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại Baku, Azerbaijan, để tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP29, diễn ra từ ngày 11-22/11. (Nguồn: COP29) |
Châu Âu
* Mỹ mở căn cứ tên lửa mới tại bờ biển Baltic của Ba Lan có tên Aegis Ashore vào ngày 13/11, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Đông Âu. (Reuters)
* Nga sẽ thực hiện các biện pháp đảm bảo sự bình đẳng để đáp trả việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ba Lan. Moscow cho rằng, hành động của Washington là một phần trong nỗ lực kiềm chế Nga bằng cách di chuyển cơ sở hạ tầng quân sự của Mỹ đến gần biên giới của nước này hơn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phản đối các kế hoạch xây dựng căn cứ này từ những năm 2000, khi ông George W. Bush còn là tổng thống Mỹ. (TASS)
* Điện Kremlin ra tuyên bố cho biết, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đang diễn tiến mạnh và tiếp tục đạt tốc độ tối đa. Quân đội Nga đối xử rất thận trọng với dân thường, các cuộc tấn công chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự.
Trước đó, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu tuyên bố, tình hình chiến dịch quân sự đặc biệt đang không có lợi cho Ukraine và phương Tây phải đối mặt với lựa chọn: tiếp tục tài trợ cho Kiev hoặc ngồi vào bàn đàm phán. (TASS)
* Thổ Nhĩ Kỳ nhận được lời mời trở thành quốc gia đối tác của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), theo lời Bộ trưởng Thương mại nước này Omer Bolat ngày 13/11.Theo ông, sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào công việc của BRICS sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho đất nước về mặt hợp tác với tất cả các nền tảng quốc tế quan trọng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler cho biết, việc nước này có thể gia nhập BRICS sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự mà Ankara đã tham gia từ năm 1952. (TASS)
* Châu Âu cần thêm nguồn lực để giải quyết tác động của biến đổi khí hậu, dù châu lục này đầu toàn cầu trong quá trình chuyển đổi xanh, theo lời Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về Biến đổi khí hậu (COP29) ở Baku (Azerbaijan) ngày 12/11.
Thủ tướng Mitsotakis nói: “Chúng ta không thể tập trung quá nhiều vào năm 2050 mà quên mất năm 2024. Chúng ta cần nhiều nguồn lực hơn để chuẩn bị ứng phó kịp thời, nhằm bảo vệ người dân và sinh kế, cũng như giúp người dân và cộng đồng tái thiết sau thảm họa”. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ mở căn cứ tên lửa mới ở Ba Lan, khẳng định quyết tâm chiến lược |
Châu Á-Thái Bình Dương
* Indonesia-Mỹ tuyên bố rằng phán quyết của tòa trọng tài được lập theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 là một hiệp ước quan trọng củng cố an ninh hàng hải và quản lý tại vùng biển tranh chấp.
Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington ngày 12/11, hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh sự ủng hộ kiên định đối với việc duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không, cũng như tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế của họ theo luật biển quốc tế, như được phản ánh trong UNCLOS.
Hai bên ủng hộ đối với các nỗ lực trong khu vực nhằm xây dựng “một Bộ quy tắc ứng xử (CoC) hiệu quả và thực chất ở Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng quyền và lợi ích của các bên thứ ba. (The Jakarta Post)
* Hải quân Hàn Quốc lần đầu phóng thành công máy bay không người lái (UAV) cánh cố định từ một tàu chiến, đánh dấu bước tiến trong công nghệ phát triển UAV.
Nguyên mẫu UAV Mojave, do công ty General Atomics Aeronautical System Inc của Mỹ phát triển, có khả năng bay cao tới 3.000 km, khoảng cách gần 3 km với tốc độ tối đa 260 km/h. (Yonhap)
* Indonesia-Australia tập trận chung mang tên Keris Woomera sau khi hai nước ký kết thỏa thuận quốc phòng lịch sử nhằm tăng cường hợp tác đối phó với các mối đe dọa an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Cuộc tập trận kéo dài 4 ngày tại đảo Java, Indonesia, với sự tham gia của hơn 2.000 binh sĩ, bao gồm các hoạt động trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian mạng. (AFP)
* Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản tổ chức cuộc tập trận chung “Freedom Edge” từ ngày 13/11, kéo dài 3 ngày với sự tham gia của các máy bay chiến đấu và máy bay tuần tra trên biển của Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như tàu sân bay USS George Washington của Mỹ. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Hàn Quốc chuẩn bị tập trận cùng Mỹ-Nhật, xem nhẹ khả năng Triều Tiên sẽ đối thoại với chính quyền Washington? |
Trung Đông-châu Phi
* Đến lúc Israel chấm dứt xung đột tại Gaza, bởi nước này đã đạt được mục tiêu của chiến dịch quân sự tại khu vực trên, đó là giải tán tổ chức quân sự Hamas và bắt các thủ lĩnh phong trào này chịu trách nhiệm cho sự kiện ngày 7/10/2023, theo lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 12/11. (Sputnik)
* Nga sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho xung đột tại Gaza, theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov. Ông khẳng định, đại diện của Nga đã gặp các đối tác Palestine, Qatar cùng Israel và cho đến hiện tại, việc liên lạc vẫn đang diễn ra. (TASS)
* Mỹ rút lại đe dọa cắt viện trợ với Israel, bỏ qua cảnh báo trước đó về việc cắt giảm viện trợ nếu tình hình nhân đạo tại Dải Gaza không được cải thiện. Theo phó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel, Israel đã thực hiện “một số bước” cải thiện tình hình dưới sự thúc đẩy của chính quyền Biden. (Washington Post)
* Nga sẽ mở đại sứ quán tại nhiều quốc gia châu Phi, trong đó có Guinea Xích đạo và Sierra Leone. (TASS)
* Iran-Saudi Arabia lạc quan về quan hệ song phương trong cuộc gặp giữa Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad-Reza Aref và Thái tử kiêm Thủ tướng Saudi Arabia Mohammed bin Salman Al Saudi bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo từ thế giới Arab và Hồi giáo ngày 11/11. (DW)
* Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) kêu gọi giới lãnh đạo Iran từng bước giải quyết các vấn đề tồn tại lâu nay giữa hai bên, một ngày trước khi Tổng giám đốc cơ quan này Rafael Grossi đến thủ đô Tehran để đàm phán về chương trình hạt nhân của quốc gia Trung Đông. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn Bộ trưởng Quốc phòng gây bất ngờ, hai nhân tố then chốt cho chiến lược Trung Đông ‘lộ mặt’ |
Châu Mỹ
* Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết “tận dụng mỗi ngày” để tiếp tục tăng cường hỗ trợ Ukraine trước khi ông Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025, đồng thời sẽ cố gắng củng cố NATO trong thời gian này. (Reuters)
* Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đề cử hàng loạt nhân sự mới trong chính quyền sắp tới, trong đó có vị trí Bộ trưởng Quốc phòng (Pete Hegseth), Bộ trưởng An ninh nội địa (Kristi Noem), Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA – John Ratcliffe), Cố vấn An ninh quốc gia (Mike Waltz)…
Ông cũng tuyên bố thành lập Bộ Hiệu quả chính phủ do tỷ phú Elon Musk điều hành cùng doanh nhân Vivek Ramaswamy. (AFP, CNBC)
Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-1311-nga-nong-mat-vi-dong-thai-o-ba-lan-mot-nuoc-nato-duoc-moi-lam-doi-tac-brics-my-nhac-nhe-israel-293631.html