NDO – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, đạt được những kết quả thiết thực.
Sáng 8/11, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Tại hội thảo, đại diện Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố đã trình bày tham luận và tiến hành thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được trong quá trình tổ chức thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị; đồng thời, nêu những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Quyết định số 217 trong tổ chức công đoàn.
Quang cảnh hội thảo. |
Theo đánh giá, qua triển khai thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị, cùng các nghị quyết, chỉ thị liên quan của Trung ương, đã khẳng định vai trò, vị trí và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội trong thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội. Càng ngày, công tác này được đặt ra là một nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển khi bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
10 năm qua, các cấp công đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch, xác định nội dung và phương pháp giám sát, phản biện xã hội nghiêm túc, bài bản. Trong quá trình giám sát, khi phát hiện vi phạm pháp luật, công đoàn kiến nghị kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết, đồng thời giám sát việc giải quyết của các cơ quan đó.
Đại biểu tham dự hội thảo. |
Thông qua giám sát, phản biện xã hội, lấy ý kiến góp ý đối với một số hoạt động của các cơ quan, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, phù hợp với ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, người lao động; giúp đảng viên, cán bộ công chức thấy được những khiếm khuyết, góp phần đấu tranh, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống, góp phần nâng cao vai trò công đoàn trong việc đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; phát huy quyền làm chủ của công nhân viên chức, người lao động.
Qua 10 năm thực hiện, các cấp công đoàn đã chủ trì và tham gia hơn 143,7 nghìn cuộc giám sát, với hơn 408,6 nghìn văn bản kiến nghị sau giám sát trên nhiều lĩnh vực, nội dung; các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát đã có 22.889 văn bản phản hồi.
Các đại biểu đã tiến hành đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị. |
Về thực hiện phản biện xã hội, 10 năm qua, các cấp công đoàn đã chủ trì và tham gia hơn 79,7 nghìn cuộc đối với các dự án, dự thảo luật, nghị định; có hơn 39,2 nghìn văn bản kiến nghị sau phản biện và được các cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện phản hồi hơn 10,1 nghìn văn bản. Một số ý kiến chưa thống nhất cũng đã được cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình hoặc tiếp tục xem xét nghiên cứu.
Đại biểu tham dự hội thảo. |
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp ủy Đảng có sự chỉ đạo gắn kết quả kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội với đánh giá xếp loại của người đứng đầu để phân loại thi đua người đứng đầu của cơ quan, đơn vị được giám sát. Đề nghị Quốc hội xem xét, đưa vào kế hoạch nghiên cứu, xây dựng, ban hành Luật Giám sát của nhân dân; cần thực hiện công khai các báo cáo giám sát của Quốc hội (trừ nội dung thuộc bí mật Nhà nước) để cử tri được biết rõ những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân từ kết quả giám sát,…
Nguồn: https://nhandan.vn/cac-cap-cong-doan-chu-tri-va-tham-gia-hon-223-nghin-cuoc-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-post843816.html