Dù trước đó đã công bố định hướng cho phép thí sinh lựa chọn 3 trong 6 môn thi phần giải quyết vấn đề của bài thi đánh giá năng lực từ 2025 nhưng cuối cùng ĐH Quốc gia TP.HCM chọn một giải pháp hoàn toàn mới. Vì sao ĐH Quốc gia TP.HCM có sự chuyển hướng này?
Hướng mới của cấu trúc bài thi năng lực từ 2025
ĐH Quốc gia TP.HCM vừa ban hành chính thức cấu trúc bài thi và đề minh họa kỳ thi đánh giá năng lực áp dụng từ năm 2025. Cấu trúc bài thi chính thức không theo định hướng thay đổi được công bố vào năm ngoái.
Cụ thể, ở thời điểm tháng 11 năm ngoái, ĐH Quốc gia TP.HCM công bố định hướng cấu trúc đề thi đánh giá năng lực từ năm 2025 vẫn gồm 3 phần: sử dụng ngôn ngữ; toán học, logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề. So với cấu trúc bài thi áp dụng từ năm 2024 trở về trước, sự điều chỉnh của cấu trúc đề thi nằm ở phần 3 khi cho phép thí sinh lựa chọn ngẫu nhiên 3 trong số 6 nhóm lĩnh vực kiến thức gồm: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật. Theo định hướng này, bài thi có sự xuất hiện của nhóm lĩnh vực mới xuất hiện trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 liên quan đến giáo dục kinh tế và pháp luật, thí sinh được lựa chọn môn thi thay vì bắt buộc trả lời tất cả các câu hỏi trong phần 3 như bài thi cũ.
Tuy nhiên, trong công bố chính thức hôm qua, từ năm 2025, cấu trúc bài thi đánh giá năng lực được điều chỉnh phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ giữ cấu trúc phần sử dụng ngôn ngữ và toán học, đồng thời tăng số lượng câu hỏi của hai phần này để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi. Phần logic – phân tích số liệu và giải quyết vấn đề được cấu trúc lại thành phần tư duy khoa học nhằm đánh giá năng lực của thí sinh về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội.
Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2025 cụ thể như bảng sau:
Vì sao có sự điều chỉnh này?
Lý giải sự điều chỉnh này, thông tin từ ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, năm 2025 đánh dấu sự thay đổi quan trọng của giáo dục Việt nam, với việc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng cho tất cả các bậc học. Lứa học sinh đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu tốt nghiệp THPT và tham gia tuyển sinh ĐH.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo phát triển phẩm chất và năng lực học sinh thông qua nội dung giáo dục hiện đại, chú trọng thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tế. Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, từ lớp 10 đến lớp 12, học sinh tham gia các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương. Bên cạnh đó, học sinh lựa chọn 4 môn trong số 9 môn: địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.
Trên lý thuyết, có tổng cộng 126 tổ hợp môn học có thể được học sinh lựa chọn. Nhưng trong thực tế, phương án chọn tổ hợp môn học của học sinh THPT rất đa dạng. Số liệu thống kê về chọn môn học tại TP.HCM cho thấy các môn vật lý, hóa học, tin học có khoảng 55-70% học sinh lựa chọn. Các môn sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật có khoảng 40-50% học sinh lựa chọn. Môn công nghệ có khoảng 25% học sinh lựa chọn, trong khi đó các môn âm nhạc, mỹ thuật có ít học sinh lựa chọn hơn với khoảng 2-3%.
Trước xu hướng lựa chọn môn học đa dạng của học sinh, việc duy trì cấu trúc đề thi đánh giá năng lực của giai đoạn 2018-2024 sẽ gặp hạn chế trong đánh giá chính xác năng lực của các thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do đa số học sinh không học đủ 5 môn học ứng với 5 lĩnh vực trong phần giải quyết vấn đề (bao gồm vật lý, hóa học, sinh học, địa lý). Việc điều chỉnh cấu trúc đề thi đánh giá năng lực cần được thực hiện để phù hợp với cách tiếp cận mới của chương trình giáo dục phổ thông.
Cũng theo thông tin từ phía ĐH Quốc gia TP.HCM, từ năm 2022 ĐH này đã xây dựng và đánh giá các phương án điều chỉnh cấu trúc đề thi để áp dụng từ năm 2025. Cấu trúc bài thi mới hướng đến việc duy trì phương thức tuyển sinh công bằng và toàn diện và nâng cao hiệu quả tuyển sinh của các đơn vị đào tạo trong môi trường giáo dục đa dạng và liên tục phát triển.
Nguồn: https://thanhnien.vn/vi-sao-dh-quoc-gia-tphcm-chuyen-huong-cau-truc-bai-thi-nang-luc-185241113170603105.htm