Khủng hoảng ở SLNA
Cái tên SLNA được nhắc đến nhiều trong những ngày qua, không phải bởi thành công trên sân, mà đến từ “lùm xùm” với cựu tiền đạo Lê Công Vinh.
Chiều 11.11, đội bóng xứ Nghệ thông báo chia tay HLV Phạm Anh Tuấn, bổ nhiệm Phan Như Thuật ngồi ghế HLV trưởng và Công Vinh tham gia với vai trò trợ lý. Tuy nhiên buổi tối cùng ngày, Công Vinh tuyên bố từ chối lời mời sau khi cân nhắc, suy nghĩ.
Thương vụ “hụt” với Công Vinh càng xát muối vào nỗi buồn của người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ. 7 năm sau chức vô địch gần nhất (Cúp quốc gia 2017), SLNA chỉ còn là cái bóng mờ của quá khứ. Sau 7 vòng, SLNA chưa biết mùi thắng, chỉ có 4 điểm và đứng cuối bảnng.
Kịch bản quen thuộc lặp đi lặp lại với SLNA suốt những mùa qua: hoặc chơi tốt ở giai đoạn đầu mùa, tích lũy đủ điểm trụ hạng rồi xuống dốc ở giai đọa cuối; hoặc chật vật ở nhóm cuối bảng, phải chạy đua sinh tồn đến những vòng cuối cùng.
SLNA là cái nôi của nhiều cầu thủ giỏi, nhưng thiếu cả tiền bạc và tham vọng để giữ chân người tài. Đội chủ sân Vinh luôn rơi vào cảnh “ăn đong” mỗi mùa: chi tiêu tằn tiện, cơ sở vật chất nghèo nàn. Mùa 2020, khi đại dịch ập đến, một cựu lãnh đạo SLNA trải lòng về chuyện không nỡ giảm lương cầu thủ, bởi vốn dĩ thu nhập SLNA đã rất thấp.
Những cầu thủ giỏi nhất thường chọn cách ra đi khi đã chín muồi, từ Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Hoàng, Nguyễn Văn Hoàng, Phạm Xuân Mạnh đến Phan Văn Đức. Dù yêu quê hương, nhưng “cơm áo gạo tiền” vẫn là trên hết.
Tấm băng đội trưởng trao cho thủ môn trẻ Nguyễn Văn Việt mùa trước là bước đột phá… “chua chát” với SLNA. Văn Việt có tiềm năng, nhưng giao vai trò thủ quân, dẫu chỉ trong một vài trận, cho một cầu thủ 22 tuổi vừa mới bước lên V-League là minh chứng cho cơn hạn hán nhân tài của đội bóng xứ Nghệ.
Khi nhà tài trợ mới xuất hiện, SLNA có tiền, nhưng vẫn thiếu cả tham vọng lẫn tầm nhìn. Việc bổ nhiệm HLV là ví dụ. Mùa trước, HLV Như Thuật rời “ghế nóng” ở giai đoạn cuối để nhường cho HLV Anh Tuấn. Mùa này, ông Tuấn lại rời đi và HLV Như Thuật… quay trở lại. Một vòng luẩn quẩn về con người, giữa những HLV gần như vô danh ở V-League và chưa để lại bất cứ dấu ấn nào.
Nhìn sang thành công của CLB Thanh Hóa cùng HLV Velizar Popov để thấy, trò giỏi mấy cũng cần thầy hay. Nếu định hình triết lý chơi, có HLV tài năng và xây dựng khung con người hợp lý, nhưng đội bóng có tiềm lực khiêm tốn cũng có thể làm nên chuyện. Không thể cứ đổ cho cái nghèo.
Tuy nhiên, SLNA không có những yếu tố này. Đội chủ sân Vinh dường như cam phận chảy máu tài năng và đua trụ hạng. Với đội bóng xứ Nghệ, Công Vinh trở lại hay không, có lẽ cũng vậy. SLNA phải rất nỗ lực để ở lại V-League mùa tới.
CLB Đà Nẵng: Bao giờ cho đến ngày xưa
Một đại diện miền Trung khác cũng đang chơi vơi, đó là CLB Đà Nẵng. Sau khi đoạt vé thăng hạng, đội chủ sân Hòa Xuân đặt mục tiêu tốp 5 mùa này. Tuy nhiên, chỉ cần 7 trận (hòa 4, thua 3) để thầy trò HLV Đào Quang Hùng nhận ra đây là “ảo vọng”.
Cựu vương năm nào chỉ còn là cái tên. CLB Đà Nẵng giờ nhạt nhòa, yếu đuối và không có bản sắc.
Trước đây, đội bóng sông Hàn nổi tiếng với những ngoại binh hàng hiệu như Merlo, Rogerio, Almeida, cùng dàn nội binh nức tiếng ở các cấp độ tuyển như Minh Phương, Phước Vĩnh, Hải Lâm, Quốc Anh, Văn Hạnh, Vũ Phong… Người Đà Nẵng vẫn nhớ về những ngày tháng huy hoàng, khi sân Chi Lăng trở thành chảo lửa, chứng kiến đội bóng áo cam vô địch V-League 2009, 2012, tiến ra AFC Cup và gặt hái chiến thắng.
Nhưng năm tháng vinh quang đã rời xa. CLB Đà Nẵng “vật vờ” ở giai đoạn cuối HLV Lê Huỳnh Đức nắm quyền, để rồi xuống hạng năm 2023. Trở lại từ hạng nhất, đội bóng sông Hàn vẫn đang loay hoay với ngoại binh kém, nội binh chỉ ở mức trung bình.
Điểm chung giữa Đà Nẵng và SLNA, hay một đại diện miền Trung khác như Quảng Nam, không hẳn chỉ là… tiền. Thiếu định hướng phát triển, tư duy làm bóng đá cũ kỹ, chất lượng đào tạo suy giảm mới là trở ngại khiến bóng đá miền Trung đi lùi.
Nguồn: https://thanhnien.vn/slna-clb-da-nang-cung-chim-bong-da-mien-trung-ngay-cang-khung-hoang-nhat-sac-185241113125212675.htm