(NADS) – Công nghiệp văn hóa là một trong những trọng tâm và xu thế phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những năm gần đây, Việt Nam ghi nhận sự phát triển khởi sắc của đa dạng các lĩnh vực văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm sáng tạo chất lượng, thu hút sự chú ý của công chúng.
Thu về thành tích khủng
Hiện nay trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội của các quốc gia. Với Việt Nam, công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, tạo giá trị đóng góp cho nền kinh tế, góp phần quảng bá hình ảnh và bản sắc Việt Nam, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo số liệu tổng hợp, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp bình quân ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng. Ngoài ra, tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa cũng thể hiện qua mục tiêu của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”.
Với địa hạt hoạt động sôi nổi nhất là điện ảnh, chỉ riêng đầu năm 2024, đã có nhiều tác phẩm ra mắt khán giả và đạt doanh thu khủng như, Mai, Lật mặt 7: Tấm vé định mệnh, Gặp lại chị bầu… Trong đó phim Mai của đạo diễn Trấn Thành xuất sắc trở thành phim chiếu rạp có doanh thu cao nhất Việt Nam với khoảng 556 tỷ đồng. Theo thống kê trên Box Office Vietnam, các phim Việt có thành tích doanh thu đầu năm 2024 ấn tượng trên 600 tỷ đồng.
Có thể nói, thị trường điện ảnh đang trên đà phát triển hơn bao giờ hết, với những cú hích doanh số từ các phim của Trấn Thành và Lý Hải. Các tác phẩm gần đây cũng đa dạng hơn về thể loại, tập trung khai thác khía cạnh văn hóa, lịch sử, cũng như được phát triển từ kịch bản gốc của đội ngũ biên kịch trong nước, thay vì vay mượn từ nước ngoài. Đặc biệt trong bối cảnh hệ thống rạp chiếu được đầu tư mở rộng và nâng cấp, tỷ lệ khán giả ra rạp nhất là khán giả trẻ chiếm đến 80 – 90%, chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin về tiềm năng rộng mở của điện ảnh nước nhà.
Với lĩnh vực giải trí, chất liệu văn hóa dân tộc cũng được khéo léo lồng ghép trong các sản phẩm, tạo nên dấu ấn riêng biệt với khán giả. Gần đây là chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai do Yeah1 sản xuất và phát sóng trên VTV3, gây sốt giới trẻ với những phần trình diễn đậm đà bản sắc. Đặt biệt, ca khúc Trống cơm được làm mới trẻ trung hơn nhưng vẫn giữ được yếu tố truyền thống, đã tạo nên trào lưu cover sôi nổi không chỉ trên mạng xã hội mà còn trở thành “bài mẫu” cho nhiều tiết mục văn nghệ ở các sân khấu, trường học. Thành công lớn nhất của chương trình có lẽ là khơi dậy được niềm tự hào dân tộc của giới trẻ, từ đó khuyến khích các bạn tìm hiểu và trân trọng các chất liệu văn hóa truyền thống.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có tiềm năng phát triển sâu hơn trong thị trường âm nhạc, đủ điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức các chương trình âm nhạc quy mô quốc tế. Bằng chứng là vào năm 2023, nước ta chứng kiến sự đổ bộ của loạt nghệ sĩ, ban nhạc nổi tiếng thế giới như nhóm nhạc Blackpink, ban nhạc Westlife, ca sĩ Maroon 5, Charlie Puth… thu hút hàng ngàn khán giả tham dự các buổi diễn. Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, tổng doanh thu chỉ trong hai đêm diễn của Blackpink ước đạt 630 tỷ đồng. Hình ảnh món ăn, trang phục truyền thống cũng được các nghệ sĩ lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy du lịch, quảng bá văn hóa, con người Việt Nam, mở đường cho nhiều nghệ sĩ quốc tế khác đến biểu diễn tại nước ta.
Để phát triển bền vững hơn nữa
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tháng 12/2023, đã đề nghị các đại biểu đánh giá, phân tích kỹ lưỡng kết quả đạt được, từ đó nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời học tập từ những quốc gia đã phát triển thành công ngành công nghiệp văn hóa.
Từ chỉ đạo của Thủ tướng, có thể lấy Hàn Quốc là một ví dụ điển hình cho quốc gia thành công về phát triển công nghiệp văn hóa. Sức lan toả khủng khiếp của làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) không đơn giản là xu hướng nhất thời, mà là một chiến lược dài hơi, được đầu tư nghiêm túc, bài bản của chính phủ Hàn Quốc, tạo ra ảnh hưởng sâu rộng không chỉ trong văn hóa mà còn là nền kinh tế quốc dân.
Việt Nam là một đất nước có tiềm năng về văn hóa, lịch sử vô cùng to lớn. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm văn hiến, lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn hóa trên thế giới để không ngừng hoàn thiện mình và phát triển”. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm văn hóa của nước ta vẫn được đánh giá là chưa đủ để đáp ứng thị hiếu và nhu cầu tiêu thụ ngày càng nâng cao của người dân.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, tuy đã nhận về sự quan tâm từ Nhà nước nhưng các ngành công nghiệp văn hoá vẫn chưa được khai thác hiệu quả để tương xứng với lợi thế vốn có. “Chúng ta không thiếu tài năng sáng tạo, không thiếu vốn văn hoá nhưng chúng ta chưa hình thành được một môi trường phù hợp, hỗ trợ cho sự sáng tạo để giúp quảng bá văn hoá dân tộc, cũng như giúp các tài năng sáng tạo của đất nước toả sáng”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Vì vậy, để ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có thể phát triển bền vững, rất cần sự hỗ trợ, sát cánh từ phía Nhà nước, các cơ quan bộ, ngành, địa phương liên quan, tạo điều kiện định hướng, tuyên truyền, củng cố nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của “sức mạnh mềm” trong phát triển toàn diện đất nước. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần đưa ra các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa cụ thể, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, người tài đưa ra những sản phẩm văn hóa chất lượng phục vụ khán giả.
Có như vậy, ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam mới có “đất dụng võ”, góp phần củng cố kinh tế – xã hội đất nước, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp đến quốc tế, xứng đáng với tầm vóc sẵn có.
Nguồn: https://nhiepanhdoisong.vn/khoi-sac-nganh-cong-nghiep-van-hoa-viet-nam-15499.html