Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã và đang được tỉnh Điện Biên quan tâm triển khai, mục tiêu là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Sản phẩm nông sản có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng
Cú huých cho nông sản Điện Biên phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua phải kể đến Đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát đưa Đề án OCOP trở thành chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh truyền thống của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn quy định…
Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh tập trung xây dựng thành công các sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch – dịch vụ gắn với phát triển du lịch của tỉnh, nhất là du lịch ẩm thực các dân tộc, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa; giai đoạn 2026 – 2030, Chương trình tập trung vào phát triển sản phẩm mới, giám sát và tôn vinh các tổ chức OCOP, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và điều hành chương trình…
Ðề án cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 90 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao cấp tỉnh; có 3 – 4 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia; đảm bảo 100% sản phẩm OCOP được truy xuất nguồn gốc.
Đến nay, toàn tỉnh có 72 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, và 64 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, có 6 sản phẩm đã trình đề nghị Hội đồng tỉnh đánh giá xếp hạng 4 sao. Nhìn chung các sản phẩm nông sản có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng và bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, một số sản phẩm có vùng nguyên liệu được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ, chủ thể đạt được các chứng nhận quản lý tiên tiến như chứng nhận HACCP, GMP FOOD…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 400 sản phẩm làng nghề gồm nhiều chủng loại khác nhau như: Thổ cẩm, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, rượu dân tộc… Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư, góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách và ngược lại hoạt động du lịch sẽ quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Từ đó giúp nâng tầm sản phẩm OCOP, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững. Chính vì vậy mô hình này cần được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành chức năng; sự phối hợp giữa các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp.
Phát triển sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị
Phát huy vai trò nòng cốt, thời gian qua ngành Công Thương Điện Biên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với mục tiêu tập trung phát triển hiệu quả các sản phẩm OCOP của địa phương, đặc biệt là nỗ lực nâng cao giá trị sản phẩm phẩm hướng tới xuất khẩu.
Năm 2024 Điện Biên đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia – Điện Biên, là sự kiện văn hóa – kinh tế – xã hội tiêu biểu, có quy mô quốc gia và tầm quốc tế, gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó Lễ hội Hoa Ban và một số hội chợ thương mại được tổ chức, các sự kiện lớn đã và đang tác động tích cực đến tình hình kinh tế xã hội của Điện Biên. Với hơn 2 triệu lượt du khách đến Điện Biên tham quan, trải nghiệm và mua sắm sản phẩm OCOP; tạo điều kiện để sản phẩm OCOP tiếp cận nhanh hơn tới người tiêu dùng. Đây là “cơ hội vàng” để Điện Biên quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP; là cầu nối cho doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối thị trường tiêu thụ, hợp tác, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Để đưa sản phẩm OCOP đồng hành cùng Năm Du lịch quốc gia, tỉnh Điện Biên tổ chức Hội chợ công thương vùng Tây Bắc – Điện Biên 2024 (dự kiến diễn ra từ 19 – 24/4/2024). Hội chợ có quy mô 300 gian hàng, trong đó tỉnh Điện Biên có 30 gian hàng giới thiệu hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh.
Trong chuỗi hoạt động của Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên – Tây Bắc tại thành phố Hồ Chí Minh và Tuần Văn hoá, Du lịch Điện Biên tại Hà Nội vừa qua, Điện Biên đưa các nông sản OCOP quảng bá tại sự kiện và thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan, thưởng thức. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm, hàng hóa có thế mạnh của tỉnh như: Chè, cà phê, gạo Điện Biên… đến với người tiêu dùng để tìm kiếm, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
“Khu vực quảng bá nông sản của tỉnh Điện Biên luôn thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan, thưởng thức. Điều này mở ra kỳ vọng về sự vươn xa, hướng tới xuất khẩu của các sản phẩm OCOP Điện Biên” Ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên cho biết,
Bên cạnh đó, việc đưa vào khai thác, sử dụng các điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Điện Biên và các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản nhiều tỉnh, thành phố trong nước cũng đã giúp người tiêu dùng tỉnh Điện Biên, du khách có thêm điểm lựa chọn, mua sắm sản phẩm uy tín, chất lượng. Qua đó, góp phần khuyến khích bà con các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên tích cực duy trì, phát huy giá trị các sản phẩm nông nghiệp truyền thống; chủ động sản xuất sản phẩm gắn với thế mạnh địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ phát triển sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu. Cùng với đó là tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, gắn phát triển sản phẩm OCOP với hoạt động du lịch, dịch vụ, qua đó, tiếp tục phát triển hiệu quả các sản phẩm OCOP, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Vietnam.vn