Chiều 7/11, ông Tăng Hữu Phong – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cùng ông Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đồng chủ trì buổi họp báo về các vấn đề kinh tế – xã hội của TP. Rất nhiều vấn đề được đặt ra, như: dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng; công tác ngầm hóa lưới điện của ngành điện; việc livestream công kích, xúc phạm người khác trên mạng bị xử lý ra sao; vì sao đến nay sinh viên ngành sư phạm tại 2 Trường Đại học Sài Gòn và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh vẫn chưa được chi trả tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt của theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ?
Đối với vấn đề trả lại tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ cho sinh viên ngành sư phạm thuộc Trường Đại học Sài Gòn và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, nhưng đến nay sinh viên vẫn chưa nhận được do nguyên nhân gì?
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh cho biết, theo kế hoạch dự kiến trong tháng 10/2024 hoàn tất thủ tục. Tuy nhiên, do số lượng sinh viên thực hiện theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP thuộc niên khóa 2021-2025, nên Sở GD&ĐT phải bổ sung một số nội dung liên quan đến cơ sở pháp lý tại thời điểm thực hiện nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên, nên có chậm hơn so với kế hoạch ban đầu.
“Hiện tại, Sở GD&ĐT đang gấp rút thực hiện hồ sơ có đầy đủ cơ sở pháp lý tại thời điểm thực hiện nhiệm vụ đặt hàng để chuyển kinh phí cho Trường Đại học Sài Gòn và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh trong thời gian sớm nhất”, đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết.
Về vấn đề livestream công kích, xúc phạm người khác sẽ bị xử lý thế nào? Thượng tá Nguyễn Thăng Long – Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, các buổi livestream công kích, xúc phạm người khác có thể tạo điều kiện cho những đối tượng xấu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, các đối tượng xấu có thể dàn dựng, xuyên tạc sự thật, tung tin sai trái, thất thiệt với ngôn ngữ, nội dung phản cảm, thô tục, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm quyền và lợi ích hợp của cá nhân, tổ chức…
Tại Việt Nam, mọi công dân đều phải tuân thủ pháp luật, kể cả các hoạt động trên không gian mạng. Đảng và Nhà nước tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do ngôn luận của công dân. Đây là một trong các quyền cơ bản của con người và quyền này nằm khuôn khổ pháp luật.
“Để lành mạnh hóa môi trường mạng xã hội, người dân cần nhận thức đúng đắn về quyền tự do ngôn luận, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi sử dụng không gian mạng. Đối với các buổi livestream có nội dung công kích người khác, đề nghị người dân không tham gia ủng hộ, bình luận và cần lên án đối với các hành vi sai trái; đồng thời thông báo đến cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật”, Thượng tá Nguyễn Thăng Long đề nghị.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/se-chi-tra-som-nhat-hoc-phi-phi-sinh-hoat-cua-sinh-vien-nganh-su-pham.html