Bàu sò trên biển Thứ Sáu, xã Nam Thái, huyện An Biên.
Tôi đến ấp Sáu Biển, xã Nam Thái khi trời nhá nhem tối. Sau vài câu chuyện phiếm, chúng tôi xuống vỏ lãi của anh Nguyễn Văn Khởi hướng thẳng ra biển. Sau một hồi những căn chòi canh nghêu, sò ven biển của người dân cũng dần hiện ra trước mặt.
Chỉ tay về khu vực rộng lớn trên biển, anh Khởi nói: “Mấy năm nay nhiều người dân nuôi các loại nghêu, sò huyết, vẹm xanh ở bãi bồi ven biển này thu nhập khá”.
Theo anh Khởi, để tránh chồng lấn nhau, người dân dùng các thân cây dài cắm xung quanh diện tích mặt biển mình thuê, tạo thành những khu nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ riêng biệt, được người dân gọi là những bàu sò trên biển. Ở mỗi khu vực, tùy diện tích mặt biển mà chủ nuôi cất 1 hoặc 2, thậm chí nhiều chòi để canh nghêu, sò tránh bị người lạ khai thác. Một vài căn chòi được chủ chăm chút hơn với những trụ bê tông, lợp tole mới tinh; còn lại các chòi chỉ làm đơn giản bằng cọc, cây gỗ, lợp lá hoặc thiếc có phần tạm bợ.
Anh Nguyễn Văn Khởi khoe những con vẹm xanh tự nhiên trên vùng bãi bồi ven biển ấp Sáu Biển, xã Nam Thái.
Sau một hồi len lỏi giữa những bàu sò rộng lớn, chiếc vỏ lãi ghé vào một căn chòi giữa biển. Chòi khá nhỏ, khoảng 7-8m2 nhưng có đủ dụng cụ sinh hoạt, thậm chí bên ngoài còn có ban công để nhìn ra biển.
Đêm ven biển Thứ Sáu vắng lặng. Ở những bàu sò, hầu hết chòi canh ánh đèn chỉ le lói, một số căn khác sáng hơn vì trang bị đèn năng lượng mặt trời… Anh Khởi chia sẻ: “Làm nghề canh nghêu, sò trên biển tuy không vất vả, thu nhập ổn định nhưng buổi tối bắt buộc phải ra chòi ngủ. Trước kia, nạn trộm nghêu, sò diễn ra nhiều, giờ đỡ hơn nhưng vẫn phải canh, có khi tôi chỉ cần cầm đèn rọi nhưng nhiều lúc phải chạy vỏ máy đi kiểm tra vài lần mỗi đêm”.
Những năm gần đây, độ mặn của nước biển tại khu vực bãi bồi khá ổn định, thuận lợi cho vẹm xanh sinh sản tự nhiên, từ đó nhiều người dân thuê diện tích mặt nước biển để nuôi loài này kết hợp với sò huyết, nghêu…, cho thu nhập khá cao.
Người dân cào nghêu, sò khu vực bãi bồi ven biển xã Nam Thái.
Ông Nguyễn Khắc Long – Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Sáu Biển, xã Nam Thái cho biết, mô hình nuôi sò huyết kết hợp vẹm xanh ở bãi bồi ven biển đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình tạo việc làm cho người dân làm thuê thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/tháng/người.
Theo UBND huyện An Biên, huyện có trên 7.000ha mặt nước bãi bồi ven biển, giao khoán nhiều hecta cho người dân thuê để nuôi nghêu, sò huyết và vẹm xanh.
Nam Thái là một trong các xã ven biển nằm trong vùng quy hoạch phát triền kinh tế ven biển của huyện. Với lợi thế bãi bồi ven biển rộng, Nam Thái phát triển nhiều mô hình kinh tế ven biển như sò huyết, vẹm xanh, hến, cua, tôm… hiệu quả cao, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ngồi trong chòi canh sò, nghêu trên biển, nghe người dân bãi bồi kể chuyện nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ, chúng tôi thích thú vô cùng. Đâu đó trong câu chuyện của anh Khởi là chuyện ông Còn, ông Giả ngụ cùng xã từ kết hợp nuôi vẹm xanh với sò huyết thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. “Bình quân khoảng 50ha bãi bồi ven biển nuôi sò, vẹm xanh kết hợp, trừ chi phí mỗi năm người dân lãi khoảng 500 triệu đồng là bình thường”, anh Khởi nói.
Sò, vẹm của người dân An Biên được thương lái chuyển đi khắp nơi trên cả nước. Nhiều hộ gia đình Miệt Thứ thoát nghèo từ việc nuôi những loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ này. Chúng tôi chỉ trông trời sáng có thể lặn ngụp dưới biển, tự tay bắt những con nghêu, sò huyết, vẹm xanh để trải nghiệm cuộc sống của người dân ven biển.
Sò huyết, vẹm xanh An Biên sắp vào mùa thu hoạch dịp cuối năm, người dân ven biển Miệt Thứ lại có thêm thu nhập vui xuân đón tết!
Bài và ảnh: TÂN LỢI