Công bằng mà nói, HAGL của Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) Vũ Tiến Thành có rất ít lựa chọn về mặt lối chơi. Lực lượng của họ không dồi dào, họ cũng không còn dạng ngôi sao có khả chỉ bằng một tình huống tỏa sáng, có thể thay đổi cục diện trận đấu như Công Phượng hay Tuấn Anh có thể làm ngày trước.
Vì là đội yếu, HAGL buộc phải sử dụng lối chơi của một đội yếu thường phải áp dụng khi đối đầu với các đội mạnh hơn: giữ chắc hàng phòng ngự, phạm rất nhiều lỗi lặt vặt, miễn là lỗi ấy ở xa khu vực cấm địa đội chủ nhà, cố gắng tận dụng các tình huống cố định, cố gắng… câu giờ tối đa khi có thể.
Trong trận đấu giữa HAGL và đội CAHN, trọng tài cho hiệp 1 tận 8 phút bù giờ, hiệp 2 có hơn 12 phút bù giờ), nhiều đến mức HLV Mano Polking của CLB Công an Hà Nội (CAHN) sau trận đấu đã phải thốt lên: “Theo tôi, HAGL chơi bóng theo cách mà tôi nghĩ rằng rất tệ cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Tôi không hiểu vì sao cầu thủ nằm sân 20, 25 phút. Điều này khiến trận đấu mất nhịp. Tôi sẽ không bao giờ để cầu thủ của mình làm điều như vậy.
Highlight CLB HAGL 1-0 CLB CAHN | vòng 7 V-League 2024-2025
Chúng ta sẽ thu lại được gì với những tình huống như thế? Các cầu thủ phải được chơi bóng thực sự. Tôi từng nghĩ rằng chúng ta đang dần cải thiện được chất lượng bóng đá Việt Nam, nhưng những trận đấu như thế này thật sự là nỗi xấu hổ. Họ thắng, tôi chúc mừng, nhưng đó không phải là cách chúng ta chơi bóng. Đừng câu giờ kiểu đó. Chúng ta sẽ đi về đâu với những hành động như vậy? Bóng đá Việt Nam sẽ đi về đâu?”.
Dĩ nhiên, HLV Mano Polking và các cầu thủ CLB CAHN trước tiên cần phải tự trách bản thân cái đã. Họ phải tự trách vì để đối thủ chọc thủng lưới trước, vì CLB CAHN khống chế bóng đến khoảng 75% thời lượng bóng trong cuộc, nhưng không khoan thủng được mành lưới đối phương, thì trước tiên do họ kém.
Dù vậy, vị HLV người Đức gốc Brazil đang dẫn dắt CAHN nói cũng có ý đúng. Đúng ở chỗ, lối chơi của HAGL gần đây giống với cách của nhiều đội bóng trong nước thực hiện hồi những năm 80 – 90 của thế kỷ trước. Đó là cái thời bóng đá còn được bao cấp, cái thời mà hầu hết các đội bóng được bao cấp đấy khi đó không mấy quan tâm đến chuyện bán vé, bán quảng cáo, nên cũng chẳng thiết tha đến việc giữ hình ảnh cho CLB thông qua lối chơi. Cũng tức là, HAGL vừa chơi lối chơi của cách nay vài thập kỷ, chứ không phải phong cách chơi nhanh, gây áp lực toàn diện buộc đối thủ sai lầm của bóng đá hiện đại.
Như đã nói, HAGL lúc này có khá ít lựa chọn, xuất phát từ vấn đề nhân sự. “Yếu” thì phải dùng “thế”, lối chơi của HAGL cũng đã phản ánh, họ tự nhận thấy rằng mình yếu hơn so CAHN và nhiều đội bóng khác tại giải V-League, nên mới chọn cách làm nát vụn trận đấu, chấp nhận mọi chỉ trích như họ vừa thực hiện.
Có thể với HAGL lúc này, kết quả mới là quan trọng nhất. Và kết quả là họ vẫn ngự ở vị trí thứ 2 bảng xếp hạng, chỉ kém 2 điểm so với đội đầu bảng Thanh Hóa. Riêng với những ai hoài niệm với triết lý đá đẹp của đội bóng phố núi ngày nào, thời HAGL còn có những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, quá khứ đúng là chỉ để… hoài niệm!
Nguồn: https://thanhnien.vn/hagl-bao-gio-cho-den-ngay-xua-18524111201450552.htm