Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã bắt đầu xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho toàn hệ thống, tuy nhiên, vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo chuyển đổi số trong khuyến nông do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức mới đây tại Hải Phòng. Chuyển đổi số đang mở ra “biển lớn” cho người nông dân, giúp họ tiếp cận kiến thức mới và vươn mình ra thị trường quốc tế. Đây không chỉ là hướng đi tất yếu mà còn là giải pháp bền vững giúp nâng cao chất lượng nông sản Việt, tạo cơ hội đổi đời cho nông dân Việt Nam.
Trong thời đại công nghệ 4.0, sự phát triển của các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và dữ liệu lớn (Big Data), chuyển đổi số trở thành một hướng đi quan trọng và tất yếu cho ngành nông nghiệp. Nhờ vào chuyển đổi số, nông dân không chỉ tiếp cận được kiến thức và kỹ thuật mới mà còn có thể quản lý, kiểm soát quy trình sản xuất của mình một cách hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, tại hội thảo, những vấn đề thực tiễn mà các đơn vị và nông dân đang đối mặt khi ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp đã được nhấn mạnh và cho thấy rằng con đường này không hề bằng phẳng.
“Trong đó, sản xuất, canh tác nông nghiệp tại Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế”, ông Nam cho biết thêm.
Mục tiêu của xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông là chuyển đổi từng bước hoạt động khuyến nông từ môi trường truyền thống sang kết hợp đồng thời cùng khuyến nông trên môi trường số nhằm đáp ứng mục tiêu khuyến nông “tam nông” trong giai đoạn mới.
Chuyển đổi số là chuyển đổi tư duy…
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã bắt đầu xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho toàn hệ thống, tuy nhiên, vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy, những người làm công tác khuyến nông cần hiểu rõ vị thế hiện tại của mình, nhận thức đầy đủ về các chuyển biến và hình thành phương pháp tiếp cận mới để phù hợp với xu thế.
Trung tâm sẽ xây dựng bộ quy chuẩn chung để các địa phương triển khai đồng bộ và sẽ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chủ trương xây dựng Đề án Khuyến nông số.
“Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ giúp nông dân mở rộng thị trường mà còn hỗ trợ họ cải thiện quy trình sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Việc sử dụng các thiết bị IoT cho phép nông dân giám sát và kiểm soát các yếu tố môi trường như độ ẩm, nhiệt độ và độ pH của đất một cách chính xác và kịp thời. Dữ liệu thu thập từ các thiết bị này giúp người nông dân điều chỉnh hoạt động trồng trọt và chăm sóc cây trồng, từ đó giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa năng suất”, ông Thanh nói thêm.
Ông Lê Quốc Thanh chia sẻ: “Với lực lượng khuyến nông lên đến hơn 40.000 người, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tạo ra một không gian chuyển đổi số thống nhất trong toàn hệ thống. Do đó, rất cần một chiến lược tổng thể bắt đầu từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, kết nối đồng bộ với các trung tâm khuyến nông ở địa phương. Từ đây, sẽ hình thành một phương pháp tiếp cận mới cho quá trình chuyển đổi số trong hệ thống khuyến nông. Khi thực hiện được khuyến nông số, chúng ta sẽ có thể đồng hành cùng nông dân trong quá trình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.”
Như vậy, chuyển đổi số không chỉ là áp dụng công nghệ, mà còn là một cuộc cách mạng tư duy, giúp người nông dân Việt Nam từng bước vươn ra “biển lớn”.
Định hướng chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông…
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số cho biết: “Để thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông, các chuyên gia cần đề xuất phát triển một chương trình đào tạo bài bản và toàn diện, gắn liền với chiến lược số hóa tổng thể nhằm đảm bảo năng lực và hiệu quả trong ứng dụng công nghệ”.
Việc xây dựng kiến trúc dữ liệu nền tảng cũng là yếu tố cần thiết, giúp hình thành một hệ thống dữ liệu mở và liên kết làm cơ sở cho các quyết định nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động khuyến nông trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhấn mạnh việc đẩy mạnh ra quyết định dựa trên dữ liệu và xây dựng nền tảng kinh tế số khuyến nông. Các hệ thống phân tích dữ liệu sẽ giúp nhà quản lý, nông dân và chuyên gia đưa ra quyết định tối ưu, giảm thiểu rủi ro.
Nền tảng kinh tế số cũng giúp nông dân dễ dàng tiếp cận thị trường, đồng thời tăng cường kết nối với các bên liên quan, tạo nên một hệ sinh thái giá trị bền vững cho lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, mục tiêu chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung vào việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số nông nghiệp và nông thôn số.
Bộ đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm hiện đại hóa nền hành chính, cung cấp dịch vụ công hiệu quả, và xây dựng một nền tảng chính sách và quản lý minh bạch, phù hợp với nhu cầu phát triển.
Hiện nay, chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông đã được triển khai trong các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt, công nghệ IoT, Big Data và AI được áp dụng để quản lý môi trường, phân tích chủng loại cây trồng, theo dõi quá trình phát triển của cây theo thời gian thực, đồng thời hỗ trợ truy xuất nguồn gốc.
Ở mảng chăn nuôi, công nghệ IoT, sinh học và blockchain giúp quản lý chặt chẽ các quy trình trong trang trại. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, công nghệ GIS và ảnh viễn thám được sử dụng để giám sát và phát hiện sớm những thay đổi của rừng, kịp thời cảnh báo nguy cơ cháy rừng.
Cuối cùng, chuyển đổi số hứa hẹn sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang mô hình sản xuất hiện đại, có liên kết chuỗi giá trị. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn tạo động lực phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp, giúp hòa nhập với xu thế phát triển toàn cầu.
Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện một số cơ quan quản lý, nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trao đổi thông tin tổng quan về chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông; giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông; quản lý hoạt động sản xuất nông nghiệp bằng ứng dụng FACEFARM; chợ nông nghiệp 4.0; vườn gia đình, vườn chia sẻ; cánh đồng công nghệ Global Check; liên kết tiêu thụ nông sản trên nền tảng công nghệ; giải pháp công nghệ thông minh ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp…
Những vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến ứng dụng chuyển đổi số trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp và hoạt động khuyến nông được các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp thông tin, giải đáp cụ thể…
Nguồn: https://danviet.vn/chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-khuyen-nong-dua-nong-dan-ra-bien-lon-20241112002756896.htm