(MPI) – Ngày 08/11/2024, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Hiệp hội bán dẫn SEMI, UBND thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) tổ chức Diễn đàn “Phát triển lĩnh vực thiết kế và đóng gói, kiểm thử vi mạch tại Đông Nam Á”.
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024. Tham dự Diễn đàn có ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng; Ông Chong Chan Pin, Phó Chủ tịch, Hội đồng cố vấn Khu vực Đông Nam Á của SEMI | Phó Tổng Giám đốc Điều hành & Tổng Giám đốc, Bộ phận Sản phẩm & Giải pháp, Kulicke & Soffa; Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC; đại diện của một số bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương và địa phương.
Diễn đàn còn có sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn ở trong và ngoài nước như Onsemi, Cadence, Kulicke & Soffa, Synopsys, Tektronix, Emerson Electric, FPT, AmCham, MSIA… nhằm thảo luận về những xu hướng toàn cầu trong ngành thiết bị bán dẫn, những nỗ lực tham gia ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, đặc biệt là trong chuỗi giá trị về sản xuất thiết bị bán dẫn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển của nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam, với vị thế là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đang đứng trước cơ hội tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất thiết bị.
Ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành một trong những động lực chính cho sự phát triển kinh tế và công nghệ của Việt Nam. Việt Nam đang tập trung phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, tập trung vào lĩnh vực thiết kế vi mạch và đóng gói, kiểm thử.
Cụ thể đến năm 2030, Việt Nam hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế và có 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, đào tạo tổng cộng 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch và 35.000 kỹ sư cho các khâu sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các lĩnh vực liên quan khác.
Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, dự án công nghệ cao. Việt Nam đã có đủ điều kiện để sẵn sàng đón nhận hợp tác với doanh nghiệp, nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư ngành công nghệ cao nói chung và ngành công nghiệp bán dẫn nói riêng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với kỳ vọng đưa Việt Nam vươn lên trở thành trung tâm sản xuất và nghiên cứu bán dẫn hàng đầu khu vực. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam cũng đang thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với các quốc gia và nền kinh tế phát triển trên thế giới; từng bước đồng hành, hợp tác cùng các doanh nghiệp để tham gia vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn; hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận các cơ hội hợp tác.
Trong thời gian qua, NIC đã phối hợp với các tập đoàn công nghệ để đồng loạt triển khai các hoạt động phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn; thu hút đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Việc SEMIExpo Viet Nam 2024 diễn ra trong 02 ngày (07-08/11), là Triển lãm bán dẫn quy mô quốc tế lần đầu tiên và lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và giao NIC phối hợp cùng Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức là minh chứng cho điều này, ông Vũ Quốc Huy nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng trình bày về nỗ lực của chính quyền thành phố trong kiến tạo Trung tâm vi mạch, bán dẫn tại Đà Nẵng từ góc độ một địa phương đang tích cực kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn tại Việt Nam. Đồng thời cho biết, sự chuyển mình và tập trung vào phát triển công nghệ cao của thành phố Đà Nẵng là kết quả của quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian qua của Thành phố.
Thành phố đã và đang triển khai các nhóm giải pháp, nhiệm vụ nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm: Xây dựng các cơ sở chính trị, pháp lý tạo ra chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, hợp tác phát triển trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; Chuẩn bị về quỹ đất, cơ sở hạ tầng các khu công nghệ thông tin tập trung, Công viên phần mềm, công nghệ cao để các doanh nghiệp triển khai dự án và hợp tác về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; Liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nhân lực và thu hút chuyên gia lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Ông Hồ Kỳ Minh bày tỏ mong muốn thông qua Diễn đàn sẽ nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, đại biểu, đưa ra các giải pháp, cơ hội hợp tác cụ thể, thiết thực để tiếp tục thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng, đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Chong Chan Pin, Phó Chủ tịch, Hội đồng cố vấn Khu vực Đông Nam Á của SEMI đánh giá, ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có lĩnh vực thiết kế và đóng gói, kiểm thử vi mạch đang phát triển với tốc độ vô cùng nhanh chóng và mỗi quốc gia đều đã ý thức được tầm quan trọng của ngành này; đánh giá về sự phát triển thiết kế và đóng gói, kiểm thử vi mạch; về mật độ, mở rộng quy mô và khả năng tiếp cận công nghệ và dự báo về lộ trình, xu hướng phát triển trong thời gian tới, trong đó Việt Nam là một phần của xu hướng tăng trưởng này. Việt Nam có hệ sinh thái về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn được đánh giá cao và có thể tham gia vào lĩnh vực đóng gói tiên tiến; bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ nhanh chóng tham gia vào quá trình này.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã thảo luận về tiềm năng của Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đưa ra nhận định rằng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt khi công nghệ toàn cầu ngày càng tiến bộ. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, có vị trí địa chính trị chiến lược, có lực lượng lao động trẻ dồi dào am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hiện đại, thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, tạo ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-11-8/Dien-dan-Phat-trien-linh-vuc-thiet-ke-va-dong-goi-3spb4x.aspx