Tối 11/11, tại Quảng trường Bạch Đằng (tỉnh Sóc Trăng) 200 nghệ nhân, nhạc công, diễn viên Khmer đã tham gia biểu diễn hòa tấu nhạc ngũ âm, xác lập kỷ lục Việt Nam về ” Chương trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng quy mô lớn nhất Việt Nam”.
Màn hòa nhạc ngũ âm của 200 nghệ nhân Khmer đã tạo nên một không gian văn hóa độc đáo, tái hiện sắc thái văn hóa âm nhạc dân gian đặc trưng của cộng đồng Khmer Nam Bộ. Đây là một trong những hoạt động nổi bật tại Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.
Màn hòa nhạc ngũ âm của 200 nghệ nhân Khmer đã tạo nên một không gian văn hóa độc, tái hiện sắc thái văn hóa âm nhạc dân gian đặc trưng của cộng đồng Khmer Nam Bộ |
Nhạc ngũ âm, hay còn gọi là Phlang Pin Piêt, là loại hình âm nhạc dân gian phổ biến trong đời sống tín ngưỡng và lễ hội của người Khmer. Từ những buổi lễ tôn giáo tại chùa, các nghi lễ tang lễ truyền thống đến các hoạt động văn hóa cộng đồng, nhạc ngũ âm gắn liền với sinh hoạt tâm linh của bà con Khmer, phản ánh chiều sâu văn hóa sâu.
Đại diện Ban thẩm định Tổ chức kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã có mặt ghi nhận, chứng kiến màn trình diễn và ghi nhận số liệu 20 dàn nhạc, với tổng số lượng 200 nghệ nhân, nhạc công và diễn viên tham gia. Xác lập kỷ lục trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng quy mô lớn nhất Việt Nam.
Đây là một trong những niềm khích lệ, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa địa phương đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
Xác lập kỷ lục trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng quy mô lớn nhất Việt Nam. |
Theo ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Sóc Trăng, nhạc ngũ âm là loại hình âm nhạc cổ truyền, mang tính phổ biến và lâu đời của người Khmer Nam Bộ nói chung. Trải qua quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, loại hình nghệ thuật trình này được lưu giữ và chứa đựng nhiều giá trị. Đặc biệt, dù đời sống xã hội có nhiều thay đổi, nhưng nhạc ngũ âm vẫn khẳng định và không ngừng thích nghi để tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh mới.
Nhạc ngũ âm được lưu giữ và chứa đựng nhiều giá trị. |
Những năm qua, từ Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số), Sở VH-TT&DL tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư kinh phí mua sắm nhiều dàn ngũ âm để hỗ trợ cho các câu lạc bộ, chùa Khmer trong tỉnh. Cùng với đó, tổ chức nhiều lớp đào tạo, truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó, có nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm…
Nhạc ngũ âm xứng đáng trở thành một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia rất quan trọng và tiêu biểu của cộng đồng người Khmer. |
“Nhạc ngũ âm xứng đáng trở thành một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia rất quan trọng và tiêu biểu của cộng đồng người Khmer. Trải qua thời gian, dòng chảy của di sản văn hóa này không ngừng được tiếp nối, bồi đắp và lan tỏa trong cộng đồng người Khmer”, Giám đốc Sở VH-TT&DL Sóc Trăng nhấn mạnh.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/soc-trang-200-nghe-nhan-hoa-tau-nhac-ngu-am-khmer-lap-ky-luc-viet-nam-207183.html