Trong gần 2 ngày, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã hoàn thành trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Quốc hội

Về phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết có 43 đại biểu chất vấn, 1 đại biểu tranh luận.

Ông cho biết, lần thứ hai trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng có sự chuẩn bị tốt về nội dung, nắm chắc, có sự bao quát các chính sách vĩ mô khác, trả lời thẳng vấn đề.

Thời gian qua, ngành ngân hàng đạt được nhiều kết quả quan trọng, việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế…

Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận lĩnh vực ngân hàng còn không ít khó khăn, thách thức. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, hiệu quả, chủ động, linh hoạt, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Quốc hội

Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Thực hiện những giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Cần triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng, nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của nhà nước theo đúng quy định. Không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nghiên cứu biện pháp khuyến khích người dân bán vàng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Với phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Quốc hội nhận định diễn ra sôi nổi với 41 đại biểu chất vấn và 8 lượt đại biểu tranh luận.

Chủ tịch Quốc hội nhận xét đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn, nhưng với kinh nghiệm điều hành, Bộ trưởng đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc, trả lời thẳng thắn.

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, ban hành cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho y tế, góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, hạn chế, nhân lực phục vụ công tác quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh còn thiếu, trong đó có nhân lực làm công tác cấp giấy hành nghề và giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Việc chuyển đổi số còn chậm, sản xuất thuốc trong nước chưa có tính cạnh tranh cao và phát triển thiếu bền vững.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Xây dựng kế hoạch tổ chức mua sắm, dự trữ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, sẵn sàng cấp phát, hỗ trợ các đơn vị, địa phương.

Hoàn thiện quy trình thẩm định cấp giấy phép theo hướng tinh gọn, minh bạch và rút ngắn thời gian. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, xử lý nghiêm trường hợp sai phạm.

Ngoài ra, tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nhất là trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu biết đúng khi dùng thực phẩm chức năng.

Khẩn trương đề xuất bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội việc sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Với phiên chất vấn Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết có 36 đại biểu chất vấn, 9 đại biểu tranh luận.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Quốc hội

Ông đánh giá, với kinh nghiệm trong quản lý nhà nước và lần thứ 3 trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, trả lời khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin, truyền thông đạt được kết quả tích cực. Báo chí có những bước phát triển, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng… 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phát triển. Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí bảo đảm chất lượng. 

Cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, đầu tư phương tiện, hệ thống công cụ kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ quản lý thông tin trên không gian mạng. Phát triển hệ thống giám sát, tập trung đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để rà quét, phát hiện vi phạm về quảng cáo trên các nền tảng số.

Cần thúc đẩy xây dựng, công nhận nền tảng số đo lường dữ liệu độc giả của Việt Nam để công bố dữ liệu phục vụ cho quảng cáo trên báo chí. Tăng cường giám sát, thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông.

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/chu-tich-quoc-hoi-cham-diem-3-bo-truong-truong-nganh-tra-loi-chat-van-2341227.html