Thể thao Việt Nam cần ‘áo mới’ ở SEA Games
Thành công ở SEA Games khi nằm trong tốp 3 toàn đoàn ở 3 kỳ gần nhất, trong đó SEA Games 31 phá kỷ lục huy chương, nhưng thể thao Việt Nam lại không thành công khi bước ra sân chơi ASIAD và Olympic.
Minh chứng là ở Olympic Paris, trong khi các đoàn Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippinnes đều có huy chương, các VĐV Việt Nam lại không giành được tấm huy chương nào. Đây là kỳ Olympic thứ hai liên tiếp, thể thao Việt Nam trắng tay.
Tại Hội nghị triển khai chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Ủy ban TDTT (nay là Cục TDTT) cho rằng thất bại ở ASIAD và Olympic là “nỗi đau của thể thao Việt Nam”, đòi hỏi ngành thể thao phải thay đổi chiến lược.
“Mặt trái của SEA Games là phụ thuộc vào các quốc gia tổ chức. Chúng ta phụ thuộc vào SEA Games, sẽ dẫn đến nguồn lực đầu tư bị phân tán. Đừng nên đặt mục tiêu tốp 2, tốp 3 SEA Games nữa. Chúng ta phải hướng tới đứng đầu ở các môn ASIAD hay Olympic như bơi, điền kinh, cử tạ, bắn súng, bóng bàn, hay một số môn võ. Ở SEA Games 2015, thể thao Việt Nam từng dẫn đầu một số môn Olympic”, ông Nguyễn Hồng Minh nêu quan điểm.
Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao phân tích, sau khi đặt ra mục tiêu rõ ràng, chúng ta phải thống nhất hệ thống liên thông đào tạo VĐV cho các mục đích ở cả SEA Games, ASIAD và Olympic “Sự liên thông đó sẽ giúp trung tâm ở các sở có chủ trương đầu tư con người đúng đắn, đặc biệt cho các sân chơi lớn”, ông Nguyễn Hồng Minh đánh giá thêm.
Đội tuyển Việt Nam khó ổn định thành tích
Theo Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đội tuyển Việt Nam đặt mục tiêu vào tốp 8 châu Á và đoạt vé dự World Cup. Đội tuyển nữ Việt Nam cũng được giao nhiệm vụ tốp 6 châu Á và tiếp tục góp mặt tại sân chơi World Cup nữ.
Tuy nhiên, chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Anh Tú, Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khẳng định bóng đá Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại.
Ông Trần Anh Tú khẳng định chưa có sự chỉ đạo đồng bộ trong các hoạt động bóng đá, công tác tuyển chọn, đào tạo tài năng bóng đá trẻ, tại các CLB vẫn có nhiều điểm khác nhau do các nguyên nhân về con người và trang thiết bị kỹ thuật dẫn tới chưa có sự đảm bảo gắn kết giữa các tuyến, các lớp vận động viên kế cận.
Việc đảm bảo về tiêu chuẩn, hệ thống cơ sở vật chất, sân bóng và các cơ sở đào tạo bóng đá trong toàn quốc còn có sự khác nhau, các học viện bóng đá theo tiêu chuẩn quốc tế còn ít…
Ngoài ra, bóng đá Việt Nam chậm áp dụng khoa học công nghệ trong công tác đào tạo, quản lý, huấn luyện bóng đá và xây dựng dữ liệu chuyên môn.
Nhìn chung, điều này tới nay không còn là mới mẻ trong tư duy quản lý bóng đá hiện đại nhưng chưa từng hoặc rất ít khi được tiếp cận tại Việt Nam trong quá trình từ tuyển chọn tới huấn luyện nâng cao đối với cầu thủ.
Việc tổ chức hệ thống thi đấu trẻ đã có thay đổi nhưng còn chưa được như kỳ vọng mặc dù tới hiện đại đã có hệ thống thi đấu trải rộng trên nhiều lứa tuổi. Việc còn thiếu thi đấu thường xuyên đã có những ảnh hưởng nhất định tới quá trình phát triển liên tục của tài năng bóng đá.
Ông Trần Anh Tú nói thêm: “Chúng ta còn thiếu nhiều chuyên gia bóng đá người Việt Nam hoặc từ nước ngoài tới Việt Nam đạt trình độ quốc tế, đồng thời việc tìm kiếm và phát hiện các tài năng bóng đá có nguồn gốc Việt Nam tại nước ngoài cũng mới được chú ý trong thời gian gần đây.
Nếu còn những tồn tại này, bóng đá chuyên nghiệp và đội tuyển Việt Nam rất khó có sự ổn định về thành tích”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/the-thao-viet-nam-dung-dat-muc-tieu-top-3-sea-games-nua-185241112085228456.htm