Chất lượng giáo dục phổ thông vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiến bộ, thoát khỏi ‘vùng trũng’ và có sự bứt phá về kết quả thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024.
Tuy nhiên, để nâng cao trình độ người dân vùng này ngang mặt bằng chung toàn quốc là không dễ trong một sớm một chiều.
CHẤT LƯỢNG ĐẠI TRÀ GIÁO DỤC THPT: XẾP THỨ 3 TRONG 6 VÙNG
Trên cơ sở trung bình điểm thi (TBĐT) ở từng năm của các địa phương trong cả nước do Bộ GD-ĐT công bố, chúng tôi tính toán TBĐT và bình quân TBĐT 5 năm của từng vùng KT-XH.
Trong đó, TBĐT của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xếp thứ 3 trong 6 vùng ở cả 5 kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời bình quân TBĐT 5 năm của vùng này đạt 6,48 (gần mức khá). Với kết quả này, có thể khẳng định rằng chất lượng giáo dục đại trà cấp THPT của vùng ĐBSCL đã thoát khỏi “vùng trũng” về chất lượng giáo dục THPT.
Trên cơ sở điểm thi các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ của từng địa phương, trong từng năm, giai đoạn 2021 – 2024, tính tổng điểm 3 môn của từng địa phương và của từng vùng trong mỗi năm cho thấy ĐBSCL luôn xếp thứ 3 trong 4 năm liên tục và có tổng điểm 3 môn cao hơn bình quân toàn quốc.
Từ năm 2020 đến năm 2024, kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo luật Giáo dục 2019 với 3 môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Ngoài ra, học sinh (HS) sẽ chọn thêm 3 môn theo tổ hợp khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) hoặc tổ hợp khoa học xã hội (sử, địa, GDCD). Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của toàn vùng đạt cao, trong đó An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp có TBĐT cao hơn bình quân toàn quốc; An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long có năm trong top 10 toàn quốc.
TBĐT của vùng luôn đạt cao nên tỷ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm của các tỉnh trong vùng đạt trên 99%. Trong đó, năm 2024, các tỉnh ĐBSCL đạt tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất. Cụ thể Tiền Giang (99,9%), Trà Vinh (99,88%), Long An (99,8%), Sóc Trăng (99,6%), Bạc Liêu (99,75%), Kiên Giang (99,72%), Vĩnh Long (99,69%), Bến Tre (99,65%), Đồng Tháp (99,59%), An Giang (99,60%), Hậu Giang (99,50%), Cần Thơ (99,06%) và Cà Mau (99,05%).
MỘT SỐ CHỈ SỐ VỀ GIÁO DỤC VẪN CÒN THẤP
Giai đoạn 2010 – 2024, tất cả các ngành học, bậc học ĐBSCL được giữ vững và phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng. Phổ cập giáo dục tiểu học và THCS được củng cố, từng bước đầu tư cho giáo dục chất lượng cao. Cơ sở giáo dục đại học tăng từ 13 lên 21 và quy mô sinh viên tăng từ 42.500 lên hơn 149.700 người.
Tuy nhiên, giáo dục vùng ĐBSCL vẫn còn khó khăn, một số chỉ số giáo dục đạt thấp so với bình quân cả nước. Theo số liệu điều tra dân số năm 2019, tỷ lệ huy động HS đúng độ tuổi ở ĐBSCL thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước; trong đó, cấp THCS thấp hơn 7% và cấp THPT thấp hơn 13%. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi THCS nhưng không đi học của ĐBSCL cao nhất nước, với 12% (cả nước là 6,6%), tỷ lệ dân số trong độ tuổi THPT nhưng không đi học cũng cao nhất với 37,5% (cả nước là 25,9%).
Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ “tốt nghiệp THPT” của ĐBSCL đạt 11,3% (thấp nhất), trong khi Tây nguyên (13,5%), miền núi phía bắc (14,4%), miền Trung (17,5%), đồng bằng sông Hồng (20,4%), Đông Nam bộ (22,2%) và toàn quốc (17,3%).
Tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên có trình độ cao nhất “trên THPT” của ĐBSCL đạt thấp nhất, với 9,7%, so với Tây nguyên (13,9%), miền núi phía bắc (18,1%), miền Trung (18,5%), Đông Nam bộ (20,8%), đồng bằng sông Hồng (27,9%) và toàn quốc (19,2%).
Để nâng cao tỷ lệ người dân ĐBSCL có trình độ THPT từ 11,3% lên ngang mặt bằng toàn quốc 17,3% và tỷ lệ người dân ĐBSCL có trình độ trên THPT từ 9,7% lên ngang mặt bằng toàn quốc 19,2%, cần một quá trình lâu dài và kiên trì.
Kết quả chung toàn vùng cả về chất lượng đại trà và chất lượng giáo dục cốt lõi xếp thứ 3 trong 6 vùng của cả nước là một thành tựu đáng ghi nhận và tự hào của giáo dục vùng ĐBSCL.
Bước vào giai đoạn mới, để giữ vững và phát huy thành tựu đã đạt được trong 5 năm qua, ĐBSCL cần đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên đảm bảo tăng tỷ lệ huy động HS các cấp học đến trường, nhất là cấp THCS, THPT và sau THPT.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ket-qua-thi-tot-nghiep-thpt-2020-2024-dong-bang-song-cuu-long-thoat-khoi-vung-trung-185241111192726465.htm