Cuối tháng 4-2023, lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với 2 tập đoàn bất động sản có nhu cầu đầu tư nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn Đồng Nai. Có 3 vấn đề khó khăn nhất là quỹ đất, pháp lý và nguồn vốn.
Khu chung cư dành cho người có thu nhập thấp tại P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Lộc |
Là một trong các chương trình được tỉnh tập trung thực hiện nhưng đến nay số lượng căn NƠXH đưa vào sử dụng vẫn rất ít so với nhu cầu.
* Chưa có thêm dự án mới
Tháng 8-2022, Ban TVTU ban hành nghị quyết với mục tiêu xây dựng khoảng 10 ngàn căn NƠXH, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025. Con số nhìn có vẻ lớn nhưng so với nhu cầu vẫn rất ít. Đã có nhiều vị trí được đề xuất nhưng chưa có dự án mới nào khởi công.
Huyện Trảng Bom có hơn 80 ngàn người có nhu cầu thuê, mua NƠXH. Đầu năm 2023, Huyện ủy ban hành nghị quyết, UBND huyện ban hành kế hoạch với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành khoảng 2 ngàn căn hộ và năm 2030 có khoảng 6,2 ngàn căn hộ cho người có thu nhập thấp nhưng đến nay các dự án mới dừng lại ở việc đề xuất vị trí.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC, Đồng Nai rất cần các dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp. Tỉnh ủng hộ và tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư triển khai dự án đúng trình tự thủ tục, đủ hồ sơ pháp lý. |
Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Đỗ Ngọc Nam cho hay: “Huyện đã cập nhật vào năm quy hoạch 6 vị trí đất đề xuất xây dựng NƠXH và 10 dự án khu dân cư thương mại có bố trí quỹ đất làm NƠXH. Các vị trí đề xuất làm NƠXH thuộc TT.Trảng Bom, xã Đồi 61, xã Hố Nai 3… Những dự án khu dân cư thương mại có bố trí quỹ đất làm NƠXH, đa số gặp khó khăn là chưa hoàn thiện hạ tầng dự án, chưa bàn giao quỹ đất cho địa phương nên chưa đủ cơ sở lập hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư”.
Huyện Nhơn Trạch có khoảng 120 ngàn công nhân, trong đó có rất nhiều người ngoại tỉnh nên nhu cầu nhà ở rất cao. Thế nhưng, công tác triển khai xây dựng nhà ở giá rẻ rất chậm, dẫn đến chưa đáp ứng nhu cầu.
Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong cho biết: “Đa số dự án đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục pháp lý về chủ trương đầu tư, quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Đối với NƠXH, UBND huyện đã hoàn thành và trình tỉnh duyệt 4 hồ sơ, trong đó 3 hồ sơ từ quỹ đất 20% dự án nhà ở thương mại đã có hạ tầng”.
Hiện tại, hầu hết các địa phương có nhu cầu lớn về nhà ở dành cho người có thu nhập thấp như: H.Long Thành, H.Nhơn Trạch, H.Trảng Bom, H.Vĩnh Cửu đều đã ban hành nghị quyết, kế hoạch nhưng mới có TP.Biên Hòa có dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Sau khi chấp thuận chủ trương, còn phải lập quy hoạch chi tiết, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
* Cần quỹ đất, pháp lý và vốn
Từ cuối năm 2022 đến nay, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và UBND tỉnh có nhiều quyết sách nhằm phát triển NƠXH nhưng việc triển khai các dự án rất chậm.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển căn hộ Nam Long (thuộc Tập đoàn Nam Long, TP.HCM) cho rằng, có 3 yếu tố tác động đến NƠXH là: Quỹ đất, nguồn vốn và chính sách. Theo ông Quang, diện tích phù hợp để có dự án NƠXH tốt là 5ha trở lên; đi kèm với đó là pháp lý về đất phải đầy đủ. Các thủ tục liên quan dự án phải thực sự thông thoáng.
Khu nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư xây dựng tại H.Nhơn Trạch |
“Nam Long hiện có 2 dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của Đồng Nai là NƠXH và nhà ở vừa túi tiền. Đồng Nai có sẵn quỹ đất, có cơ chế thông thoáng, Nam Long sẵn sàng tham gia nhiều dự án. Chúng tôi có bộ tiêu chuẩn về thiết kế, nguyên vật liệu để tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí” – ông Quang nói.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn địa ốc Kim Oanh (TP.HCM) cho rằng, pháp lý là vướng mắc lớn nhất đối với các dự án của doanh nghiệp. Nếu được tạo điều kiện về chính sách, Kim Oanh sẽ thực hiện 3 dự án NƠXH tại Đồng Nai. Tập đoàn đã đề xuất 3 dự án tại Đồng Nai và các dự án này đều đã được thiết kế, đưa ra lộ trình thực hiện. Chỉ cần UBND tỉnh cho thêm thời gian, đồng thời điều chỉnh chủ trương đầu tư, công ty cam kết thực hiện các thủ tục pháp lý, nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Để khơi thông cho các dự án NƠXH, đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà cho đối tượng có thu nhập thấp giai đoạn 2021-2030. Đề án chỉ ra các giải pháp về quỹ đất là khi lập quy hoạch phải xác định rõ diện tích đất dành để xây dựng NƠXH. Về vốn thì triển khai chương trình tín dụng khoảng 120 ngàn tỷ đồng cho nhà đầu tư và người mua nhà… Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu địa phương có trách nhiệm bố trí quỹ đất, cân đối ngân sách để tăng ưu đãi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển NƠXH.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Đồng Nai đang mời gọi đầu tư nhiều dự án nhà ở công nhân, NƠXH. Ngoài ra, các địa phương vẫn đang rà soát quỹ đất để đề xuất dự án theo nhu cầu. Như vậy, vấn đề quỹ đất đã được giải quyết. Về pháp lý, tỉnh đang hoàn chỉnh bộ quy trình thủ tục dành riêng cho dự án NƠXH theo 2 hình thức đất doanh nghiệp có quyền sử dụng và đất công. Liên quan đến nguồn vốn, ngoài nguồn từ đề án 1 triệu căn NƠXH của Chính phủ, tỉnh có một số nguồn có thể khai thác như Quỹ Đầu tư và phát triển Đồng Nai.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, Đồng Nai là thị trường tiềm năng, có nhu cầu ở thật cao. Việc phát triển sản phẩm phục vụ nhu cầu thực tế sẽ giúp nhà đầu tư phát triển bền vững. Vấn đề là tỉnh tạo quỹ đất, thủ tục thông thoáng và có thêm cơ chế ưu đãi.
Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng: Đồng Nai đang thiếu các dự án nhà ở vừa tốt, vừa đẹp lại rẻ. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư chất xám vào khâu thiết kế, tính toán kỹ các yếu tố cấu thành giá. Mới đây, tỉnh phát hành thư mời gửi nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, chuyên gia, trường đại học… tham gia thi tuyển thiết kế kiến trúc dự án NƠXH 2,8ha tại P.Tân Hòa (TP.Biên Hòa). Thiết kế nào được hội đồng đánh giá cao, tỉnh sẽ chọn triển khai xây dựng.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở KH-ĐT: Sở KH-ĐT đã hoàn thiện bộ quy trình thủ tục rút gọn áp dụng cho các dự án NƠXH. Dự án doanh nghiệp có quyền sử dụng đất, đất phù hợp quy hoạch sẽ thực hiện 5 bước với tổng thời gian tối đa 153 ngày. Trường hợp đất nhà nước trực tiếp quản lý (đất công) mà doanh nghiệp thực hiện sẽ có 7 bước, tổng thời gian là 318 ngày. Sở KH-ĐT là đầu mối thụ lý hồ sơ và trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án NƠXH.
Chị Nguyễn Thị Phương, công nhân Công ty TNHH Cariyan Wooden, Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa): Vợ chồng tôi có thu nhập bình quân gần 20 triệu đồng/tháng nên rất khó mua được nhà. Nguyên nhân là đất quá đắt, nguồn cung NƠXH không có. Tôi mong thời gian tới, thị trường có thêm nhà ở, đất ở giá rẻ cho công nhân. Tỉnh có chính sách hỗ trợ tài chính cho người lao động tạm trú vay tiền mua nhà. Như vậy, chúng tôi sẽ yên tâm gắn bó lâu dài với địa phương.
Ban Mai (ghi)
Hoàng Lộc
.