Ngủ ly bì, dễ dàng cáu gắt với người thân, vui vẻ vào ban ngày nhưng ủ dột vào chiều tối… có thể là những dấu hiệu tâm lý bất thường, không nên xem nhẹ.
Chị L.H.N.M (19 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết, hơn 1 năm trước mình từng có các triệu chứng ngủ nhiều hơn bình thường và thường xuyên dễ nổi nóng với các thành viên trong gia đình. “Tôi nhận thấy mình trở nên nhạy cảm, dễ mất kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ cực đoan và ảnh hưởng tiêu cực đến người xung quanh ở giai đoạn đó. Hiện tại, dù tình trạng tâm lý đã khá hơn nhưng tôi vẫn dễ hoảng loạn và mất ngủ kéo dài”.
Tương tự, chị L.N.K.N (21 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ rằng bản thân cũng đã có nhiều biểu hiện cáu gắt với người thân cách đây hơn 4 năm. “Ngoài triệu chứng trên, khoảng thời gian đó tôi thường mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, khó tập trung, lo lắng, dễ xúc động, cảm thấy bi quan và tuyệt vọng, dẫn tới nhiều suy nhược về tâm lý lẫn thể lý. Những trạng thái này có vẻ nặng hơn vào chiều tối và ban đêm”.
Biểu hiện của chứng rối loạn
Theo thạc sĩ – bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trung Nghĩa, Phó giám đốc Trung Tâm Chăm sóc sức khỏe tinh thần tích hợp Vinmec Times City, hành vi cáu gắt với người thân nhưng lại dễ chịu, hòa nhã với người ngoài là hiện trạng thường thấy ở xã hội.
Bác sĩ Trung Nghĩa giải thích: “Khi ở trong môi trường mà cảm xúc có thể dẫn tới hậu quả nào đó, như trường học hoặc nơi làm việc, chúng ta có xu hướng dồn nén và nhẫn nhịn. Khi ở nhà, nơi có các thành viên trong gia đình, chúng ta lại thả lỏng cảm xúc vì mặc định họ sẽ không bao giờ bỏ rơi mình”.
Cũng theo bác sĩ Trung Nghĩa, trầm cảm có rất nhiều dạng khác nhau, một trong số đó là tình trạng bệnh nhân trải qua 2 giai đoạn: Trầm cảm hoặc hưng cảm (vui vẻ, phấn khích quá mức bình thường). “Việc một người trải qua 2 trạng thái trầm cảm và hưng cảm đối lập nhau được gọi là rối loạn lưỡng cực. Ở trạng thái hưng cảm, người bệnh có thể ngủ rất ít, chỉ 1-2 tiếng/ngày và làm việc rất năng suất. Điều này thường kéo dài từ nửa ngày cho đến cả tuần, đó là lúc cần mà mọi người phải cân nhắc về bệnh lý của mình vì giai đoạn hưng cảm thường rất khó điều trị”.
Bên cạnh đó, thạc sĩ – bác sĩ Đỗ Quốc Quỳnh Như, Phòng khám Tâm thể trị liệu, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết một số chứng rối loạn sau đây cũng có thể dẫn tới các vấn đề về giấc ngủ, cáu gắt và cảm xúc thất thường.
Rối loạn trầm cảm không điển hình: Người bệnh có xu hướng ngủ nhiều, dễ cáu gắt và ủ rũ khi ở một mình hoặc khi không có hoạt động xã hội nhưng tâm trạng tốt hơn khi có sự tương tác tích cực với người ngoài.
Rối loạn lo âu xã hội: Người bệnh có khả năng kiềm chế và vui vẻ khi gặp người ngoài do mong muốn tạo ấn tượng tốt. Buổi chiều tối cũng có thể là thời điểm mức độ lo âu tăng cao, dẫn đến cảm giác ủ dột hơn.
Rối loạn điều hòa cảm xúc: Gây ra sự thay đổi đột ngột trong tâm trạng và hành vi, bao gồm cảm giác bực bội, dễ nổi cáu và khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc.
Rối loạn nhịp sinh học: Những người có nhịp sinh học không đồng bộ (hội chứng trì hoãn giấc ngủ) có thể gặp khó khăn trong việc duy trì mức năng lượng ổn định trong ngày. Buổi sáng và ban ngày họ có thể tràn đầy năng lượng, nhưng đến buổi chiều tối, do nhịp sinh học không điều chỉnh phù hợp, họ có thể cảm thấy uể oải, mệt mỏi, dẫn đến thay đổi tâm trạng.
>>> Bài tiếp sau: Rối loạn lưỡng cực có di truyền?
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-bieu-hien-tuong-chung-binh-thuong-nhung-lai-la-bao-dong-cua-benh-tam-ly-18524111118001515.htm