Dự chương trình có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà; Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Wallace Baker.
Hành khúc học sinh Thủ đô là hoạt động hưởng ứng Lễ hội thiết kế sáng tạo của TP và thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời tăng cường giáo dục thẩm mỹ, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh.
Hoạt động cũng nhằm khơi dậy niềm tự hào, truyền cảm hứng, tạo động lực thể hiện lòng yêu nước, yêu Thủ đô cho các thế hệ học sinh Hà Nội; cổ vũ, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp GD&ĐT, xây dựng, phát triển Thủ đô, đất nước và hội nhập quốc tế.
Chương trình “Hành khúc học sinh Thủ đô” lần đầu tiên được ngành GD&ĐT Hà Nội tổ chức thu hút gần 3.000 người từ 47 đơn vị đại diện 30 quận, huyện, thị xã, một số trường quốc tế tham gia. Cùng với đó, chương trình cũng có sự góp mặt của Đoàn nghi lễ Quân đội – Bộ Tổng Tham mưu, Đoàn nghi lễ Công an Nhân dân, học sinh các dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia và học sinh các nước trên thế giới đang học tập tại Hà Nội, các nghệ sỹ, diễn viên của Thủ đô… .Đây là những đóa hoa muôn sắc màu chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD&ĐT Hà Nội và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024).
Phát biểu khai mạc chương trình, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ: “Chương trình là dịp để học sinh được giao lưu, học hỏi với bạn bè quốc tế, thầy cô, giúp các em phát triển toàn diện; đồng thời khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ học sinh Thủ đô – những chủ nhân tương lai, lực lượng quan trọng, chung sức vì sự phát triển của TP ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng; TP Vì hòa bình, TP Sáng tạo do UNESCO cộng nhận và hướng tới TP Học tập trong mạng lưới các TP toàn cầu…”.
Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam bày tỏ niềm vui mừng, xúc động khi có mặt tại sự kiện, nhất là tại thời điểm kỷ niệm 5 năm Hà Nội trở thành thành viên đầu tiên của Việt Nam trong mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO.
“Khi các em học sinh diễu hành hôm nay giữa lòng Hà Nội thanh bình, tôi hi vọng các em sẽ cảm thấy tự hào và trân trọng di sản của tổ tiên cũng như của đồng bào của mình, từ mọi lứa tuổi và hoàn cảnh khác nhau. Các em hãy ngẩng cao đầu, chia sẻ những câu chuyện và thành tựu của mình với bạn bè quốc tế về hòa bình, tinh thần công dân toàn cầu, sự sáng tạo và, tất nhiên, cả về giáo dục nữa” – Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Wallace Baker bày tỏ.
Những điệu kèn, điệu múa, nhịp trống, những lời ca, tiếng hát… của học sinh Thủ đô đã mang đến chương trình nhiều tiết mục hấp dẫn, được dàn dựng công phu với sắc màu đa dạng, có chất lượng nghệ thuật cao. Mỗi tiết mục biểu diễn đều gửi gắm tình yêu, lòng tự hào của các em về quê hương, đất nước tươi đẹp, thể hiện năng khiếu nghệ thuật được bồi đắp từ mái trường thân yêu – nơi các em học tập, rèn luyện hàng ngày.
Màn diễu hành “Hành khúc học sinh Thủ đô” gồm 38 đoàn: đội Hồng kỳ – rước Cờ Tổ quốc; đoàn nghi lễ Quân đội Bộ Tổng Tham mưu; đoàn nghi lễ Bộ Công an; 30 đoàn học sinh THCS của 30 quận, huyện, thị xã; đoàn 70 nữ sinh Trường THPT Chu Văn An; đoàn học sinh dân tộc thiểu số; đoàn học sinh THCS, THPT một số trường quốc tế; đoàn xiếc; đoàn múa rối…
Màn diễu hành có ý nghĩa tái hiện lại chặng đường phát triển của ngành GD&ĐT Thủ đô, đồng thời tôn vinh những nỗ lực, cống hiến của các thế hệ nhà giáo, học sinh trong 70 năm qua.
Là một trong 70 nữ sinh Trường THPT Chu Văn An tham gia diễu hành tại chương trình, em Đặng Quỳnh Phương, lớp 11D2 tự hào chia sẻ: “Em rất vui khi tham dự chương trình và đã có khoảng 1 tháng cùng các bạn tập luyện. Chúng em coi đây là trải nghiệm thú vị và cũng thể hiện tấm lòng biết ơn tới các thầy cô giáo nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD&ĐT Hà Nội cũng như 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam”.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/man-nhan-va-tu-hao-voi-hanh-khuc-hoc-sinh-thu-do.html