Một trong những lĩnh vực mũi nhọn đang được các cơ sở y tế lớn trong nước nghiên cứu và có kết quả khả quan là ứng dụng công nghệ sinh học, y học cá thể.
Theo Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), giai đoạn 2025 – 2030, chương trình khung khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế do Bộ Y tế triển khai sẽ tập trung 5 nhóm vấn đề:
1. Nghiên cứu phát triển, ứng dụng kỹ thuật, phương pháp tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh ở người;
2. Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong dự phòng bệnh tật ở người, phát triển vắc xin và chế phẩm sinh học;
3. Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến phát triển thuốc, thiết bị y tế;
4. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến phát triển dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền;
5. Nghiên cứu khoa học cung cấp bằng chứng phục vụ quản lý, xây dựng chính sách ngành y tế.
Mở rộng ứng dụng liệu pháp tế bào gốc
Trong đó, liệu pháp tế bào Car-T đang được một số cơ sở trong nước nghiên cứu ứng dụng, bước đầu cho kết quả khả quan, mang đến cơ hội mới cho bệnh nhân ung thư tái phát và kháng thuốc.
Theo thông tin từ một đơn vị nghiên cứu, tế bào Car-T có khả năng nhận diện và tấn công tế bào ung thư. Các tế bào Car-T được sản xuất có chất lượng cao tương đương các nước, với thời gian rút ngắn hơn, nhờ đó giúp giảm giá thành điều trị, đảm bảo hiệu quả điều trị. Tại các quốc gia, chi phí điều trị bằng Car-T có thể lên đến 10 – 15 tỉ đồng. Tại VN, liệu pháp này có thể được thực hiện với chi phí khoảng từ 2 tỉ đồng.
Trong khi đó, liệu pháp ghép tế bào gốc điều trị bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh là phương pháp lấy các tế bào gốc khỏe mạnh từ người hiến và ghép vào cơ thể người bệnh để tái tạo hệ miễn dịch. Liệu pháp này cũng đang được nghiên cứu ứng dụng. Suy giảm miễn dịch bẩm sinh là một trong những căn bệnh hiếm gặp và nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ em. Các nghiên cứu ứng dụng trong nước đang mở ra hy vọng cho nhiều gia đình có con nhỏ mắc bệnh, để các em có thể phát triển khỏe mạnh và sống một cuộc sống bình thường.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ vật lý trong y tế, như công nghệ in 3D xương và bộ phận cơ thể nhân tạo (tạo ra các cấu trúc như xương, sụn, khớp…) cá thể hóa phù hợp từng bệnh nhân, cũng đang được nghiên cứu ứng dụng.
Hoàn thiện pháp lý cho ứng dụng kỹ thuật điều trị mới
Theo đánh giá của giới nghiên cứu, VN chưa có hệ thống hành lang pháp lý và chính sách quản lý đặc thù, đặc biệt cho lĩnh vực công nghệ 3D; chưa có hệ thống tiêu chuẩn – quy chuẩn kỹ thuật hoàn thiện để quản lý và đánh giá chất lượng các sản phẩm in 3D y tế. VN cũng chưa có hành lang pháp lý đặc thù cho lĩnh vực tế bào/gien trị liệu, trong khi chỉnh sửa gien và liệu pháp gien đặt ra những câu hỏi lớn về đạo đức, đặc biệt là khi có nguy cơ thay đổi cấu trúc gien người một cách vĩnh viễn.
Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, cho biết Bộ Y tế đã xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động này, như trình Quốc hội ban hành luật Dược năm 2016, luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, trình Chính phủ ban hành Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật Khám bệnh, chữa bệnh và ban hành các thông tư hướng dẫn về thử nghiệm lâm sàng thuốc, phương pháp mới, kỹ thuật mới, thiết bị y tế.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và thử nghiệm lâm sàng tuân thủ quy định pháp luật trong nước, các hướng dẫn quốc tế, đặc biệt là các hướng dẫn nghiên cứu ứng dụng tế bào và sản phẩm từ tế bào; tăng cường năng lực Hội đồng Đạo đức trong thẩm định, phê duyệt và giám sát các nghiên cứu y sinh trên con người…
Nguồn: https://thanhnien.vn/co-hoi-moi-cho-benh-nhan-ung-thu-tai-phat-khang-thuoc-185241111191404342.htm