Dù hệ sinh thái tự nhiên đang dần nghèo đi, không còn cái kiểu ầu ơ ví dầu mà hát “Bao phen quạ nói với diều. Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm”.
Gió đưa, gió đẩy thế nào, hướng nào, mùa nào thì xứ đồng bằng này có bao giờ thiếu vắng cá tôm. Đó là diễn lời theo câu hát xưa, còn bây giờ… thì cũng tùy hà. Dù hệ sinh thái tự nhiên đang dần nghèo đi, không còn cái kiểu ầu ơ ví dầu mà hát “Bao phen quạ nói với diều.
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm”. Nhưng vẫn còn đó, những mảnh ruộng, những con mương đầy ắp cá tôm đấy thôi. Nếu chúng ta biết giữ gìn và sống chung thuận hòa với tự nhiên để tận hưởng lộc trời.
Không đâu xa, quanh quanh sát TP Vĩnh Long mình, vẫn còn đó một số nơi hệ sinh thái môi trường khá tuyệt vời.
Ngay trong thành phố, những khu vườn hoang cây tạp, dù diện tích không lớn, nhưng chỉ cần được bảo vệ tốt, không có những kẻ săn bắt trộm, thì chim cò đủ loại sống gần gũi rất thân thiết với con người.
Chiều loanh quanh trong xóm rẫy, vài cái lọp những ngày mưa, những con nước rong, vài tay lưới, thả câu, nói khó tin chớ, đủ thứ… mồi nhấm những ngày mưa cuối tuần.
Một bữa tiệc thịnh soạn đậm chất đồng quê miền Tây mà chẳng cần nhấc chân ra tới chợ. Nó hơn cả những món ăn, nó là niềm vui, hạnh phúc hưởng thụ, hòa nhịp với thiên nhiên, yên bình, không ồn ào đông đúc và vừa ngắm cảnh vừa rưng rưng cảm động về một môi trường sinh thái quanh mình đang hồi sinh một cách thật diệu kỳ.
Chỉ diện tích nhỏ xung quanh những con kinh rạch, nằm lọt thỏm giữa những vùng rau màu được tưới tắm phân bón, thuốc BVTV thường xuyên; nhưng nếu mình biết cách giữ gìn thì vẫn còn chốn cho cua, cá… dung thân. Các loại rau mọc đầy chen chân giữa những đám cỏ dại, nhìn mới thương làm sao, quơ tay chút xíu là cả rổ rau ăn đâu hết.
Nồi lẩu cua đồng rặt hương vị của ruộng đồng miền Tây.
Nhưng cũng cái đú đó, cái lọp đó, cái lưới, cái câu đó quanh mấy miếng đất đó, mà sao người thả xuống là… nhóc mồi, người ngâm mục lưới chẳng dính con nào. Dân gian hay nói “cha đó sát cá ghê!”.
Thực ra đó là những kỹ năng, kinh nghiệm truyền đời của người dân vốn sống hòa mình với thiên nhiên, lắng nghe được từng đổi thay của cơn gió, từng nhịp đi của dòng nước, con sông, những mặt sông chuyển màu, nhìn từng tim nước (mà) là biết đó là “mà” lươn hay “mà” cá chạch, nhìn “mà” trong rảnh nước quanh rẫy hẹ là biết nơi nào có vẹm đang ghim trong bùn. Nhìn màu nước là biết thế nào cũng có lươn trú mình làm ổ. Cái lạch nước nào cua bò, cá đi…
Cho nên, có lần về huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), ngồi với các cụ cao niên chuyện trò về xứ cù lao này, có đám thanh niên vác cần câu ngang ngoài lộ.
Một cụ mới cười khà khà lớn tiếng gọi: “Sắp nhỏ dìa đi, giác này mà tụi bây đi câu chút có cá để trên lưng tao mà nướng”.
Suy ngẫm và cũng thiết tha mong mỏi nếu cả xứ đồng bằng này biết quay về sống gần gũi, thân thiện với thiên nhiên, mà ngày nay có nhiều người nói chữ nghĩa là “thuận thiên”, thì môi trường rất nhanh chóng sẽ hồi sinh.
Mùa cá đồng sinh sản không ăn cá trứng, không dùng lưới nhỏ bắt cá con, không tận diệt môi trường thì những thảm cỏ thực vật khô, thủy sinh làm môi trường sinh nở, thức ăn cho các loài tôm tép, cá cua, mấy hồi thì chúng ta trở lại với cái thời tôm cá binh thiên.
Như những câu chuyện của xứ U Minh mà bác Ba Phi hay kể, nhiều người thấy có chất tiếu lâm thì cho là nói dóc cho vui. Toàn chuyện… thiệt từ cuộc sống mà ra đó thôi.
Ốc đồng loanh quanh vườn nhà, đồ đồng vậy mà lành và thiệt là ngon.
Lại như mọi chiều, đảo đảo thăm mấy cái lờ, hơn chục con cua, mấy con lươn, cá rô phi nhỏ xíu, cá sặt… thả lại xuống mương.
Người giã cua, kẻ lăng xăng hái rau muống, cù nèo, người vói hàng rào hái mấy trái mướp non rửa sơ sơ để nguyên vỏ vậy bỏ vô nồi nước ngọt khỏi… nêm đường.
Gió đồng lao rao thổi, khói từ nồi lẩu bốc lên nghi ngút đã nghe rặt mùi cua đồng ngai ngai, có mùi thơm ngọt ngào của rau dại… trời chiều chạng vạng mà theo mấy ông nhà thơ gọi là “chiều mang mang buồn” diễn tả cái tâm trạng cô độc của kẻ tha hương chợt nhớ quê nhà.
Lại nhớ nỗi buồn của đại thi hào Thôi Hiệu đời Đường (Trung Quốc) trong bài thơ nổi tiếng “Hoàng Hạc lâu”: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị? Yên ba giang thượng sử nhân sầu”.
Giờ thì mình nhìn cái nồi lẩu cua đồng nó cũng bốc khói như “yên ba giang thượng”, ngồi giữa đồng quê mà lạ, tự dưng buồn da diết nhớ đồng quê.
Nguồn: https://danviet.vn/gio-dua-gio-day-the-nao-huong-nao-mua-nao-thi-xu-dong-bang-nay-co-bao-gio-thieu-vang-ca-tom-20241111105914219.htm