Hiện nhiều trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh năm 2025. Trong đó, nhiều trường thực hiện cải tiến với việc bổ sung, thay đổi tổ hợp xét tuyển; tăng giảm chỉ tiêu theo từng phương thức để tuyển những thí sinh phù hợp.
Giảm xét học bạ, tăng xét tuyển kết hợp
Năm 2025 là năm bản lề với nhiều sự thay đổi trong giáo dục, khi đây là lứa thí sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Kỳ thi tốt nghiệp THPT có 4 môn với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn. Do đó, phương án tuyển sinh đại học năm 2025 được các trường điều chỉnh để thích ứng với sự thay đổi ở cấp THPT.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sử dụng 3 phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp và xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, phương thức xét tuyển kết hợp của trường gồm 3 đối tượng: Nhóm 1, thí sinh có chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế SAT/ACT; Nhóm 2, thí sinh xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM, điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội; Nhóm 3, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của môn Toán và 1 môn khác không phải tiếng Anh.
Năm 2025, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ dành 15% chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, giảm 3% so với năm 2024. Trong khi đó, phương thức xét tuyển kết hợp tăng 3% chỉ tiêu so với năm ngoái. Đồng thời, nhà trường thông báo thêm, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường chỉ sử dụng 4 tổ hợp xét tuyển là A00 (Toán, Lí, Hóa), A01 (Toán, Lí, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) và D07 (Toán, Hóa, Anh) thay vì 9 tổ hợp như năm 2024.
Trường Đại học Công Thương TPHCM dự kiến đưa một số tổ hợp môn khối C vào trong các tổ hợp xét tuyển, các tổ hợp áp dụng cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét điểm học tập THPT năm 2025. Theo đó, trường tuyển sinh 34 ngành, mỗi ngành có 4 tổ hợp xét tuyển. Trong mỗi ngành sẽ có một môn học chính. Cụ thể, tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) và C03 (Ngữ văn, Toán học, Lịch sử) được bổ sung để tuyển sinh cho các ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Luật Kinh tế. ThS Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh nhà trường chia sẻ: Điều này tạo cơ hội cho thí sinh có nền tảng về khối C tiếp cận nhiều ngành nghề khác nhau tại trường.
Tuyển sinh các trường y khoa cũng có nhiều điểm mới. Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành so với năm 2024: Y học cổ truyền (tăng 20%), Điều dưỡng (tăng 10%), Dược học (tăng 30%). Về phương thức tuyển sinh, nhà trường thực hiện 6 phương thức xét tuyển trong năm 2025 – tăng 3 phương thức so với năm ngoái. Các phương thức xét tuyển của trường: Kết quả thi tốt nghiệp THPT; Tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển; Chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Sử dụng phương thức khác.
Xu hướng xét tuyển qua các kỳ thi riêng
PGS.TS Tô Văn Phương – Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Nha Trang cho biết, năm 2025, nhà trường sẽ thay đổi cách tiếp cận trong tuyển sinh. Cụ thể, Trường tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập THPT và kết quả đánh giá năng lực học tập đại học. Trong đó, yếu tố “Kết quả học tập ở THPT” được xác định tùy theo mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo, thí sinh phải học ở THPT một số môn nhất định theo quy định của trường. Kết quả học các môn này cần đạt yêu cầu tối thiểu do trường công bố hằng năm. Yếu tố “Kết quả đánh giá năng lực học tập đại học” tập trung vào khả năng Toán, Ngôn ngữ (bao gồm tiếng Việt và tiếng Anh) và Khoa học. Riêng phần Khoa học, thí sinh được lựa chọn phạm vi tương ứng với môn học đã học ở THPT và phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo theo quy định của trường. “Kết quả đánh giá năng lực học tập đại học có thể lấy từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc các kỳ thi đánh giá năng lực của cơ sở đào tạo”, ông Phương cho biết.
Trong đó, định hướng tổ hợp xét tuyển từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT gồm các môn chính: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh; hoặc Toán, Ngữ văn (một trong 2 môn nhân hệ số 2); hoặc Toán, Ngữ văn và 1 môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Kỳ thi đánh giá năng lực có thể là kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội, TPHCM hoặc một đại học khác. Nhà trường sẽ công bố chi tiết các kỳ thi này khi công bố phương án tuyển sinh chính thức để thí sinh lựa chọn.
Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi riêng cũng là xu hướng tuyển sinh năm 2025. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, các trường Công an… tiếp tục tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để lấy đó làm cơ sở xét tuyển.
Năm 2025, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy (TSA). Đợt thi sớm nhất diễn ra vào ngày 18-19/1/2025. Mục tiêu của Bài thi TSA là đánh giá ba năng lực tư duy nền tảng của học sinh, bao gồm: Tư duy Toán học, Tư duy Đọc hiểu và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề – những yếu tố quan trọng giúp học sinh có thể học tập tốt nhất tại môi trường giáo dục đại học.
Theo công bố của Trường Đại học Sư phạm TPHCM, năm 2025, đơn vị sử dụng 4 phương thức xét tuyển. Phương thức 1 xét tuyển theo quy chế của Bộ GDĐT khoảng 10% chỉ tiêu. Phương thức 2 ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên khoảng 10 – 20% chỉ tiêu. Phương thức 3 xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt (40 – 50% chỉ tiêu). Cuối cùng, nhà trường xét tuyển dựa trên Kỳ thi tốt nghiệp THPT với khoảng 20 – 40% cho các ngành có sử dụng phương thức 3 hoặc 70 – 80% cho các ngành không có phương thức 3. Đại diện nhà trường lý giải, không dùng kết quả học bạ xét tuyển nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Điều này cũng đảm bảo nâng cao chất lượng đầu vào.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 thông báo sẽ tổ chức kỳ thi riêng trong năm 2025 và sẽ không sử dụng kết quả thi do các đơn vị khác tổ chức để xét tuyển đầu vào.
Kể từ năm 2025, các trường, học viện quân đội cũng sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng, thi trên máy tính. Bài thi sẽ bao gồm kiến thức tổng hợp các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, tổ hợp môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Thí sinh sẽ sử dụng kết quả bài thi xét tuyển vào các trường, học viện quân đội với số chỉ tiêu khoảng 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
Nguồn: https://daidoanket.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-2025-nhieu-thay-doi-ve-chi-tieu-to-hop-xet-tuyen-10294176.html