Khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, từng bước xây dựng những nông sản đặc trưng thành sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp của huyện Đông Hưng để nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao đi vào chiều sâu, bền vững.
Từ khi hồng xiêm đạt OCOP 3 sao, người dân Lô Giang không còn phải lo đầu ra vì thương lái các nơi tới tận vườn thu mua.
Lan tỏa mạnh mẽ
Năm 2021, HTX DVNN xã Minh Tân đưa sản phẩm phát lộc của địa phương tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, trở thành sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của huyện và là 1 trong 2 sản phẩm đầu tiên của huyện Đông Hưng được tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Anh Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc HTX cho biết: Từ khi được chứng nhận OCOP, sản phẩm có mã vạch, có tem mác, được đưa lên sàn thương mại điện tử, thị trường tiêu thụ tốt hơn, giá thành cũng cao hơn. Đây chính là động lực để HTX tuyên truyền các hộ mạnh dạn đầu tư sản xuất, tiếp tục nghiên cứu cải tiến mẫu mã, nâng tầm chất lượng, gia tăng sản lượng gấp 2 – 3 lần, cung cấp cho thị trường những sản phẩm độc, lạ, đẹp, có sức cạnh tranh cao. Địa phương cũng hỗ trợ bà con vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, hỗ trợ thủ tục chuyển đổi đất trồng cây nguyên liệu và quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Có một điều rất đặc biệt là dù vẫn là xã thuần nông song nhờ tập trung xây dựng những sản phẩm nông nghiệp chủ lực là phát lộc, cây đào đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, nông nghiệp thành lĩnh vực mũi nhọn đưa Minh Tân từ một xã khó khăn trở thành xã có kinh tế phát triển của huyện.
Cây hồng xiêm có mặt ở đất Lô Giang đã mấy chục năm nhưng rất ít người biết đến và được thưởng thức. Nhưng từ khi xã lấy quả hồng xiêm tham gia chương trình OCOP và được công nhận đạt chuẩn 3 sao, người trồng hồng xiêm phấn khởi, tập trung chăm sóc, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng hồng xiêm. Vì vậy đến nay không chỉ người dân toàn tỉnh biết đến hồng xiêm Lô Giang mà thương lái một số tỉnh lân cận cũng biết đến, tìm về tận vườn thu mua.
Anh Nguyễn Văn Đang, xã Lô Giang cho biết: Chúng tôi giờ chỉ tập trung nhân giống tốt để mở rộng diện tích, chăm sóc để cây hồng xiêm sai quả, quả to, ngọt mát, không còn phải lo việc tiêu thụ như trước vì thương lái tới tận vườn thu mua. Số lượng người mua hồng xiêm Lô Giang qua các trang thương mại điện tử, kênh bán hàng qua mạng ngày một tăng. Hồng xiêm xưa là cây cứu đói, giờ đã trở thành cây làm giàu của người dân chúng tôi.
Không chỉ nâng cao giá trị mà còn giúp thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, hướng tới nền kinh tế thị trường, do đó chương trình OCOP nhanh chóng nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của các chủ thể.
Ông Phạm Hoàng Sỹ, Giám đốc HTX SXKD gạo chất lượng cao xã Đông Tân cho biết: HTX đã chủ động đăng ký tham gia chương trình OCOP, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu rộng 70ha, thóc được sấy khô ngay sau thu hoạch, chế biến và đóng gói đều bằng dây chuyền hiện đại cho ra sản phẩm gạo chất lượng cao, đạt tiêu chí sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2022, HTX thu mua, tiêu thụ trên 300 tấn gạo làng Giắng cho bà con. Giá HTX thu mua cao hơn giá thị trường gần 10%. Đặc biệt, sản phẩm gạo làng Giắng của HTX đã được một số doanh nghiệp, cửa hàng đăng ký mua với số lượng lớn, lâu dài. Điều đó cho thấy OCOP đã giúp tạo dựng thương hiệu cho gạo làng Giắng, hướng xây dựng thương hiệu gạo Thái Bình.
Nỗ lực nâng cao giá trị nông sản
Nếu năm đầu tiên Đông Hưng chỉ có 3 sản phẩm chủ lực của các địa phương đạt OCOP 4 sao, 3 sao thì sang năm thứ hai toàn huyện đã có 14 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 3 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP lên 17 sản phẩm. Đông Hưng từ huyện có ít sản phẩm OCOP nhất tỉnh nay đã vươn lên tốp dẫn đầu, trong đó có 6 sản phẩm nông nghiệp là phát lộc xã Minh Tân, hồng xiêm xã Lô Giang, gạo làng Giắng, xã Đông Tân, bột sắn dây, tinh bột nghệ xã Đông La, bí đỏ xã Đông Xá. Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản.
Ông Mai Đức Nhân, Giám đốc HTX Chế biến và kinh doanh nông sản Đông La cho biết: Từ khi HTX tổ chức chế biến nghệ và củ sắn dây thành tinh bột thì giá trị đã tăng lên gấp nhiều lần. Cả 2 sản phẩm của HTX vừa được tỉnh công nhận OCOP 4 sao. Đây là cơ hội lớn để chúng tôi đưa sản phẩm của mình vươn ra tỉnh ngoài, tạo nhiều việc làm hơn cho lao động địa phương.
Sản xuất, chế biến tuân thủ quy trình, chất lượng cao, sản phẩm bột sắn dây, tinh bột nghệ của Đông La đạt OCOP 4 sao.
Là một trong những đơn vị đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP năm 2023, HTX Bảo tồn và phát triển mít dai vàng Hà Giang đang được các đơn vị chuyên môn tư vấn hoàn thiện phương án trồng, nhân giống, nâng cao chất lượng quả mít, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ đánh giá, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.
Ông Bùi Duy Thủ, Giám đốc HTX chia sẻ: Tham gia chương trình OCOP, HTX mong muốn sản phẩm mít truyền thống của địa phương được chứng minh về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, được quảng bá rộng rãi hơn, tạo lợi thế để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh trên thị trường. HTX cũng mong được hỗ trợ máy móc để chế biến mít thành các sản phẩm sấy khô khi vùng nguyên liệu đạt trên 10ha.
Năm 2023, Đông Hưng phấn đấu có 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó phần lớn là nông sản.
Ông Lã Quý Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để đạt mục tiêu trên, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan, các địa phương tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp, HTX. Tổ chức rà soát sản phẩm chủ lực của tất cả các địa phương, trên cơ sở đó và căn cứ vào các tiêu chuẩn để lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể những phần việc còn yếu để có thêm nhiều sản phẩm OCOP. Các địa phương tiếp tục thực hiện mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp, nhà khoa học. Cùng với đó, nâng tầm chất lượng lên 4 sao, 5 sao, góp phần thực hiện tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của các địa phương.
Thu Hiền