Trên sườn đồi chạy dài ngút mắt, những đồi chè như trải dài hơn, mênh mông chập trùng. Trong màu xanh ấy, lảng bảng hơi sương lẫn mùi thơm của trời, của đất, của rừng núi và những danh trà như Ô Long, Tâm Châu, Trâm Anh, Tuyết Ngọc… Hương thơm như tinh tuý chắt lọc từ trời đất và bàn tay vất vả chai sần của những người phụ nữ miền thượng cao nguyên.
Đồi chè trải suốt trăm năm
Nằm ở độ cao khoảng gần 1000m so với mực nước biển, thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) như một thung lũng khổng lồ với những dải núi đồi chập trùng đan xen. Trong đó cao nhất là dải núi Đại Bình (khoảng 1.200m) như bức tường ngăn cách phía Tây và phía Đông. Thành phố có hai trục đường quốc lộ chính là quốc lộ 20 nối với Đà Lạt, TPHCM. Quốc lộ 55 nối với Phan Thiết giúp Bảo Lộc chuyển mình, nhanh chóng trở thành đô thị được nhiều người biết tới. Nhưng trên tất cả, thương hiệu giúp thành phố này được đông đảo người biết tới cây chè, với tuổi đời khoảng 100 năm và được trồng ở khắp nơi. Từ những trang trại rộng lớn trải qua nhiều sườn đồi, thung lũng, sông suối cho tới những mảnh vườn nhỏ bé của người thượng bản địa. Dường như bất kỳ khoảng trống nào của vùng cao nguyên đất đỏ này đều là chè. Cây chè không chỉ là một phần mà chính là thành phố này.
Còn nhớ lần đầu cách đây hơn 10 năm, chúng tôi tới Bảo Lộc trên một chuyến xe đò buổi sớm, đúng hơn là đêm rạng sáng. Tài xế dừng xe ở một quán cà phê nhỏ ngay ngã ba Lộc Nga. Sau này nhớ lại mới thấy đó là một chuyến đi may mắn bởi tôi có thời gian được ngắm nhìn thành phố non trẻ (lúc đó) chuyển mình từ lúc tinh sương. Quán cà phê nhỏ nhưng nằm ven quốc lộ 20 nên mở cửa suốt đêm, nhìn ra một thung lũng với mấy con hẻm dài loằn ngoằng uốn lượn trong đồi chè. Rất dễ nhìn những con đường ở Bảo Lộc từ trên cao, bởi nó có màu đất đỏ đặc trưng giữa nền xanh của cây chè. Chừng gần 6 giờ sáng, khi mặt trời rõ hơn là lúc những đám mấy bay lờ đờ tan biến. Chỉ một số ít còn vương vấn trên đỉnh núi cao. Lúc này, công nhân hái chè cũng bắt đầu chạy trên những chiếc xe gắn máy cà tàng, lốp và vành hoen gỉ vì đất đỏ để bắt đầu một ngày mới. Các em nhỏ cũng túa ra từ con hẻm dưới thung lũng để lên quốc lộ tới trường. Sau đó tôi được bạn đưa đi tới những đồi chè ở Bờ Lao Xê Rê, Lộc Thành, Lộc Phát, Lộc An… hoà vào nhịp sống như từ hàng trăm năm qua của người dân bản địa. Đó là hái chè xanh. Sau hàng trăm năm chỉ có những cây chè và người phụ nữ hái chè là không thay đổi trên vùng đất này. Những phụ nữ người Mạ, có già, có trẻ đeo chiếc gùi trên lưng, gương mặt sạm đen và bàn tay thoăn thoắt lướt đi trên luống chè tựa như người nghệ sỹ đang say sưa trong bản giao hưởng của đất trời. Theo chị Ka Thoa, 34 tuổi, một phụ nữ người Mạ ở xã Lộc Thành thì dù không cần chăm chú nhìn nhưng họ vẫn hái chè theo đúng chuẩn là “một tôm hai lá” hoặc “một tôm ba lá” tuỳ theo yêu cầu của công ty. “Chúng tôi ở đây đều hái chè thuê cho công ty. Tuỳ thời gian hay mùa vụ mà công ty sẽ yêu cầu các loại chè được hái để có chất lượng sản phẩm tương ứng. Những tháng mùa khô chè hiếm, lá nhỏ thì có thể hái ba hay thậm chí bốn lá. Tiền công tính theo ngày, từ một trăm rưỡi cho tới hai trăm ngàn đồng. Mỗi người có một chiếc gùi trên lưng, hái đầy gùi sẽ cho vào bao bố lớn, cuối ngày có xe tải của công ty tới cân và trả tiền. Công việc không vất vả nhưng cần sự chăm chỉ và đặc biệt phải quen tay. Nghĩa là người mới thì chất lượng kém hơn, chủ yếu do việc hái cả lá già, lá bánh tẻ… lẫn vào búp trà”, chị Ka Thoa kể. Cũng theo người phụ nữ này, chị cùng với mẹ và mấy chị em khác trong ấp đi từ sáng sớm, có đem sẵn theo cơm để ăn trưa. Tới tối mịt mới quay về nhà nhưng đầu giờ chiều, cô con gái lớn của chị sẽ tới hái phụ mẹ. Em đang học lớp 10 nhưng ngày nào cũng dành nửa ngày phụ mẹ.
Nhìn xuống đôi bàn tay của người phụ nữ vùng cao ấy, mặc dù vừa trò chuyện cùng chúng tôi nhưng cả hai tay chị đều lướt đi trên ngọn cây chè màu ngọc bích non tơ tua tủa chỉa lên trời. Ngoài ra, chị Ka Thoa còn cho biết, sau khi chè được hái xong thì công ty có máy hoặc kéo để cắt bớt lá và ngọn trà để lấy làm nguyên liệu, hương liệu trà xanh và cũng tạo cho cây chè mọc thêm nhiều búp mới ở đợt kế tiếp. Thông thường, các loại chè búp được hái sẽ dành chế biến loại trà ngon nhất. Còn chè được cắt chất lượng kém, chỉ là sản phẩm phụ. Nhưng ở đây không chỉ có chị Ka Thoa và những người quen của mình mà có tới vài chục người phụ nữ giống nhau, đeo gùi và đội nón lá rộng vành. Những đồi chè khá thấp, tròn tròn như chiếc mâm xôi trải dài trên thung lũng thoai thoải rồi lại vòng sang, chạy lên ở quả đồi kế tiếp. Cứ thế, các quả đồi và thung lũng trà như chạy liên miên, nối đuôi nhau tới chừng vô tận. Theo những công nhân, mặc dù có thể thu hoạch quanh năm (mỗi đợt thu hoạch cách nhau từ một tới một tháng rưỡi) nhưng vụ chính chỉ kéo dài khoảng 5 tháng, từ tháng mười cho tới tháng ba sang năm. Thời gian này Tây Nguyên mưa nhiều, chè phát triển nhanh ra búp hơn trong khi những tháng mùa khô, dù có duy trì được nguồn nước tưới thì chè cũng chậm phát triển hơn rất nhiều. Tất nhiên, những công nhân miền thượng cũng giảm thu nhập đáng kể.
Từ hơn 10 năm tới nay có rất nhiều những nhà đầu tư ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… tới Bảo Lộc thành lập doanh nghiệp trồng và chế biến chè. Không chỉ với người dân Bảo Lộc hay trong nước, danh tiếng về trà của những thung lũng thoai thoải này đã vươn xa tới tầm châu lục. Trà ở Bảo Lộc dường như chinh phục bất kỳ thị trường khó tính nào, giúp cho cây chè phát triển và đứng vững ở dải đất này. Một số người dân ở đây cho biết, vài năm qua “cơn bão” sầu riêng và tiếp đến là cà phê đã đem tới lợi nhuận lớn cho nông dân ở Tây Nguyên, khiến nhiều loại cây trồng đã bị chặt bỏ, thay thế. Ở Bảo Lộc, nơi khí hậu mát mẻ rất phù hợp với cả hai loại cây này lại không bị ảnh hưởng nhiều. Xin nói thêm, ngoài chè thì cây cà phê vốn cũng đã gắn bó với vùng đất Bảo Lộc nhiều năm qua. Việc cây chè vẫn “đứng vững” trước sự thay đổi nhanh chóng của các loại cây trồng có lợi ích lớn cho thấy ngoài giá trị kinh tế, cây chè còn như một nét văn hoá, một phần không thể thiếu của những thung lũng mù sương này chứ không chỉ đơn thuần là lợi nhuận.
Ngược dòng lịch sử, cây chè bắt đầu bén duyên với vùng đất Bảo Lộc khoảng 100 năm trước, khi người Pháp nhận thấy sự thích hợp của khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Lúc này, Bảo Lộc còn gọi là B’lao, tên theo tiếng người bản địa xưa có nghĩa là những đám mây mỏng bay thấp. Bởi dù có độ cao không quá lớn nhưng do cấu tạo địa chất núi đồi, thung lũng nên vùng B’lao thường có nhiều mây, sương mù vào buổi chiều tối và sáng sớm. Cho tới tận bây giờ, những đám mây này vẫn là một đặc sản của xứ núi B’lao, khiến cho nhiều người mê mẩn. Trong khi đó, ở một số nơi có độ cao lớn hơn như Đà Lạt chẳng hạn, sương mù và mây buổi sáng cũng không còn nhiều bởi tốc độ đô thị hoá quá nhanh.
Sống chậm ở vương quốc chè
Rồi cũng như tất cả các vùng đất đẹp đẽ khác, Bảo Lộc bắt đầu thu hút được nhiều khách du lịch với những sản phẩm riêng biệt. Dù gặp đôi chút bất lợi khi có vị trí địa lý gần thành phố Đà Lạt (khoảng 100 cây số) nhưng Bảo Lộc vẫn có những nét riêng để khiến người ta phải tìm tới, dừng lại, sống chậm cùng rừng núi nơi đây. Ngày càng nhiều người lựa chọn tới Bảo Lộc thay vì chỉ là điểm dừng chân trong hành trình du lịch tới Đà Lạt. Nơi đây cũng có những khách sạn, homestay để ngắm mây, ngắm núi, cũng có rừng thông thẳng đứng rì rào trong gió, cũng những thác ầm ào mùa mưa, suối chảy róc rách mùa khô…. Ngoài ra, nhờ hệ thống đường bộ cao tốc, thời gian di chuyển từ TPHCM, đô thị lớn phía Nam tới Bảo Lộc chỉ khoảng 4 giờ đồng hồ. Đặc biệt hơn, đây là thành phố non trẻ (thành lập năm 2010) và nhỏ bé nên sự hoang sơ của núi rừng vẫn giữ được gần như nguyên vẹn. Điều đặc biệt nhất, những địa điểm được nhiều du khách biết tới ở Bảo Lộc cũng gắn liền với cây chè.
Thực tế, dải đất Tây Nguyên rộng lớn dường có nhiều nơi cũng trồng chè. Từ cao nguyên Langbian, Đa Nhim, Tân Hà cho tới Di Linh, Đinh Trang Thượng… người ta có thể dễ dàng bắt gặp cây chè xen lẫn với vườn cà phê, tiêu, cây ăn trái khác. Nhưng không hiểu sao, phải tới Bảo Lộc tôi mới cảm nhận được hương thơm nhẹ nhàng, thuần khiết. Có lẽ vì nơi đây người dân trồng quá nhiều chè, được nhiều người gọi là vương quốc chè hay cũng bởi những vùng đất khác của Tây Nguyên, người ta trồng chè chỉ ở lưa thưa trên vài triền đồi chứ không chiếm hết cả không gian của trời đất, núi rừng như Bảo Lộc.
Trong cái không gian thơm hương chè ấy, tôi nhớ ra một “đặc sản” đặc biệt là những ngôi chùa nằm lưng chừng đồi chè. Chùa thì có nhiều nhưng chùa nằm trên đồi chè xanh bạt ngàn dường như làm cho không gian thiền hơn, tĩnh lặng hơn giữa tất thảy ồn ào của chúng sinh. Nếu bước vào một ngôi chùa cho ta cảm giác yên bình một thì một ngôi chùa nằm giữa hương thơm thoang thoảng mang tới cảm giác yên bình mười. Còn nhớ, lần đầu tiên chúng tôi tới chùa Trà, một ngôi chùa mang cái tên đặc trưng của Bảo Lộc, nằm ở ngoại ô thành phố, ngay sát bên hồ Nam Phương, là một buổi sáng trời đổ mưa nhỏ. Chùa nhỏ và ít người. Chỉ thấp thoáng hai, ba cái bóng dáng áo nâu sồng đi lại chậm rãi giữa mấy luống chè. Nếu nói bước vào một thế giới khác thì không hẳn đúng lắm. Bởi Bảo Lộc dù là đô thị cấp 3 và là thành phố nhưng vẫn giữ được vẻ yên bình của núi rừng. Tuy vậy, không gian trong chùa Trà vẫn là thế giới khác trong cái thế giới bình lặng của thành phố nhỏ bé này. Một thế giới thơm hương trà, hương thiền, hương bình yên và thoát tục. Trong thế giới ấy, tất cả đều như bị níu kéo, trầm trầm, kể cả tiếng chuông chùa vừa bing bong vọng lại. Theo người dân địa phương, chùa Trà mới xây dựng chừng hơn chục năm, có thiết kế đậm phong cách thuần Việt với mái ngói đỏ, tường vách đơn sơ và phía hai bên là những gian nhà nhỏ để thưởng trà, ngắm cảnh. Bởi chùa nằm gần đỉnh đồi, phía sau, hai bên đều là các đồi chè, đường vào những ngày cuối năm rợp bóng vàng rực rỡ của dã quỳ. Phía trước, cũng là điểm nhấn với hồ Nam Phương xanh ngắt cung cấp nước cho nhiều cư dân thành phố.
Bảo Lộc không chỉ có chùa Trà. Một ngôi chùa khác là chùa Linh Quy Pháp Ấn (xã Lộc Thành), nơi được nhiều người biết tới với tên gọi quen thuộc “cổng trời”. Nếu như chùa Trà mang tới một thế giới yên bình thoát tục thì ngược lại, Linh Quy Pháp Ấn, cũng nằm giữa bạt ngàn những đồi chè lại mang tới một góc ảnh (check-in) đủ làm rung động bất cứ cộng đồng mạng xã hội nào. Xin nói “rung động” bởi còn nhớ cách đây gần chục năm, khi một bức ảnh chụp góc sân chùa trong màn sương sớm, với chiếc cổng nhỏ đơn sơ dựng bằng 3 trụ gỗ, xa xa là thung lũng chè, vài nóc nhà nhỏ bé đưa lên mạng xã hội đã tạo ra một “cơn sốt” trong giới trẻ. Rất nhiều hội nhóm được lập lên chỉ để rủ nhau tới check-in cổng trời ấy. Thậm chí cả những trang báo nước ngoài cũng đăng tải và dành lời lẽ tốt đẹp cho góc sân chùa Linh Quy Pháp Ấn. Cũng cần nói thêm rằng, ngôi chùa này xây dựng hoàn toàn không vì mục đích thu hút khách tới tham quan mà chỉ đơn giản là địa thế nằm trên ngon núi, trước đó đã có chùa nhỏ lâu đời của người dân địa phương sau được xây thêm, gồm cả gian chính, sân chùa và cổng trời nổi tiếng ấy.
Chúng tôi tới Linh Quy Pháp Ấn vào một buổi trưa nắng. Bảo Lộc là vùng đất kỳ lạ. Nơi mưa và nắng chuyển tiếp rất nhanh, không báo trước. Nhiều người bảo, trong một ngày ở Bảo Lộc có đủ bốn mùa. Buổi sáng lạnh lạnh phải mặc áo ấm dày, buổi trưa nắng oi bức nhưng đứng dưới tán cây thì thời tiết dịu dàng dễ chịu, buổi tối trời trở lạnh và mây mù đôi khi đọng lại như mưa nhỏ. Và Ở Linh Quy Pháp Ấn cũng như vậy. Từ dưới chân núi phía đồi 45 di chuyển chừng gần một cây số đường dốc núi giữa những đồi trà, cà phê là tới chùa. Ngoài việc đi bộ, người dân địa phương có nhận chở bằng xe gắn máy cho quãng đường trên bởi hiện chùa là địa điểm du lịch hành hương khá nổi tiếng, với cả những người lớn tuổi. Chùa khá rộng, xây kiến cố. Cũng như nhiều người khác, tôi tới đứng ở vị trí “cổng trời” ngoài sân chùa nhìn ra phía xa xa. Dù không đẹp huyền ảo như những bức ảnh trên mạng nhưng đây đúng là một nơi thoát tục theo nghĩa đen. Chiếc cổng gỗ đơn sơ ở sân chùa như mở ra một thế giới khác. Thế giới chỉ là một phần nhỏ của thành phố Bảo Lộc với chập trùng đồi chè, cà phê hay những xóm cư dân người thượng đan xen người miền xuôi. Dù trời nắng nhưng phía xa xa mây vẫn lờn vờn trên đỉnh núi Đại Bình như tô điểm thêm cho bức tranh huyền hoặc ấy.
Nếu như thành phố Đà Lạt níu chân du khách bằng những sản phẩm được quảng cáo và thiết kế có chủ đích thì thành phố Bảo Lộc khiến người ta tìm tới bởi những điều tự nhiên vốn có. Đó là hương thơm không chỉ của những danh trà mà còn của núi rừng, trời đất và con người nơi đây.
Nguồn: https://daidoanket.vn/nhung-thung-lung-thom-huong-10294150.html