Ca sĩ – nhạc sĩ Hoàng Luân đã đồng hành với cuộc vận động sáng tác ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” với 2 ca khúc “Thành phố hôm nay” và “Thành phố muôn màu”
.Phóng viên: Anh có thể chia sẻ về cảm tác ra đời của 2 ca khúc này?
– Ca sĩ – nhạc sĩ HOÀNG LUÂN: Tôi xin được gửi lời chào và lời cảm ơn đến Báo Người Lao Động đã phát động cuộc thi rất ý nghĩa. Là một nhạc sĩ trẻ, tôi muốn được đóng góp những giá trị tinh thần tích cực với quê hương, đất nước. Cả hai ca khúc đều mang tinh thần vui tươi, hiện đại và ca ngợi thành phố năng động, văn minh sau bao cuộc đổi thay. Nhìn thấy sự đổi mới, vươn lên mỗi ngày của thành phố thì không lời ca, tiếng nhạc nào có thể diễn đạt trọn vẹn được tình yêu này. Tôi chỉ đóng góp một chút tấm lòng bằng những giai điệu ngợi ca.
.Điều anh muốn gửi gắm, chuyển tải vào trong ca khúc này là gì?
– Không gì quý hơn giá trị hòa bình, khi được sống trên một đất nước thanh bình thì chúng ta đã đánh đổi rất nhiều thứ. Một thành phố năng động, hiện đại cần sự đồng lòng, chung tay bảo vệ và giữ gìn của tất cả chúng ta.
“Thành phố hôm nay” với chất liệu EDM sôi động, tự hào về một thành phố qua bao đổi thay và tấm lòng của những người viễn xứ luôn nhớ thương và lưu luyến thành phố này. “Thành phố muôn màu” với màu funky cá tính, như một bức tranh đa chiều về thành phố hội nhập, rất phù hợp để các bạn trẻ có cái nhìn tích cực hơn về những ca khúc mang tính truyền thống, cổ động, ngợi ca.
.Với chủ đề sáng tác về đất nước, theo anh, làm thế nào để ca khúc dễ dàng đi vào lòng người?
– Ca khúc phải gần gũi, mộc mạc, bình dị mang tính đại chúng để phù hợp với đại đa số khán giả. Đặc biệt, nó phải dễ nghe, dễ thuộc và bắt tai.
.Để dòng sáng tác này trở nên phổ biến và rộng rãi hơn, theo anh cần phải làm thế nào?
– Âm nhạc hướng đến tính đại chúng và giáo dục, đặc biệt là khán giả trẻ. Chúng ta cần những chất liệu âm nhạc hợp xu hướng hiện đại nhưng vẫn giữ được cá tính và màu sắc, bảo đảm tính mỹ học trong nội dung. Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông để tiếp cận đại chúng.
.Nếu nói về cảm xúc, tình cảm của anh với thành phố này thì đó là gì?
– Đó chính là lối sống, với con người nơi đây hiền hòa, ấm áp và rất hào sảng. Chính mảnh đất lành này đã sinh ra con người như vậy. Ngoài ra, kiến trúc vừa cổ điển vừa hiện đại qua từng giai đoạn thời cuộc khiến Hoàng Luân luôn say mê thành phố này.
.Làm thế nào để người trẻ như anh có thể nhìn được một cách trọn vẹn về những sự kiện quan trọng của đất nước và miêu tả những sự kiện ấy bằng âm nhạc vừa đúng chất lịch sử lại vừa nghệ thuật?
– Hoàng Luân nghĩ rằng tâm hồn nghệ sĩ nào cũng nhạy cảm và đều dành cho đất nước mình một tình yêu đặc biệt. Vì nơi đó có gia đình, có người thân thương và cũng là nơi cho chúng ta cuộc sống thanh bình. Là một nhạc sĩ trẻ, tôi và các đồng nghiệp càng cần có cái nhìn mới mẻ và màu sắc hơn về tình yêu nước nói chung, yêu thành phố nói riêng.
Cuộc vận động sáng tác ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” do Báo Người Lao Động tổ chức nhằm chào mừng, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025). Tính đến nay, Ban Tổ chức (BTC) đã nhận được 80 ca khúc của gần 60 tác giả trên mọi miền đất nước gửi bài về tham dự.
Cơ cấu giải thưởng của cuộc vận động sáng tác ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” gồm: 1 giải nhất trị giá 100 triệu đồng, 1 giải nhì trị giá 50 triệu đồng, 2 giải ba – mỗi giải trị giá 30 triệu đồng, 3 giải khuyến khích – mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. BTC vừa công bố một giải thưởng bổ sung là “Tác phẩm được yêu thích nhất của bạn đọc” trị giá 5 triệu đồng.
BTC sẽ chọn ra 20 tác phẩm xuất sắc nhất vào chung khảo. Vòng chung khảo diễn ra vào tháng 2-2025 và lễ trao giải của cuộc vận động dự kiến diễn ra vào tháng 4-2025. BTC sẽ đưa các tác phẩm lên các nền tảng mạng xã hội của báo để giới thiệu với cộng đồng và quảng bá tại các chương trình Giao lưu âm nhạc tổ chức tại Báo Người Lao Động.
BTC sẽ chọn những tác phẩm hay để dàn dựng, giới thiệu trong lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 30 (dự kiến ngày 8-1-2025).
Nguồn: https://nld.com.vn/ca-si-nhac-si-hoang-luan-dat-dao-voi-thanh-pho-hom-nay-196241108205447142.htm