Thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phát triển bởi tính tiện dụng. Mới đây, Sở Du lịch thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ngành du lịch giai đoạn 2023-2025”.
Ngành du lịch thành phố đang đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân, du khách, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thay đổi thói quen chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt. TRONG ẢNH: Du khách mua sắm tại chợ Hàn. Ảnh: NHẬT HẠ |
Theo đó, kế hoạch được xây dựng với mục đích đẩy mạnh thực hiện Công văn số 8213/UBND-NHNNĐN của UBND thành phố triển khai Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đồng thời tuyên truyền cho công chức, viên chức, người lao động, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố… thay đổi thói quen, tạo sự chuyển biến tích cực về sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) khi thanh toán dịch vụ công, thuế, bảo hiểm, trong sử dụng các dịch vụ phục vụ đời sống…
Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ngành du lịch giai đoạn 2023-2025” của sở đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 100% thủ tục hành chính của sở chấp nhận thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trên Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố, Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia, trong đó 30% số lượng hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của sở được thanh toán trực tuyến; 100% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố được tiếp cận, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước về thanh toán không dùng tiền mặt; 100% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố áp dụng triển khai một hoặc nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán bằng QRCode, cổng thanh toán Vnpay, máy POS quẹt thẻ, Internet banking, Mobile Banking, chuyển khoản trực tiếp trên máy ATM…; các bãi tắm nước ngọt dịch vụ, các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu vực thuộc quản lý của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thành thói quen của người dân và du khách khi sử dụng dịch vụ tại bãi biển.
Đồng thời, hướng đến 100% công chức, viên chức, người lao động Sở Du lịch có sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong sử dụng các dịch vụ phục vụ đời sống; khuyến khích công chức, viên chức, người lao động của sở tăng cường sử dụng các phương tiện TTKDTM như thanh toán hóa đơn, chuyển khoản trực tiếp trên máy ATM, thanh toán thẻ qua POS, thanh toán qua internet, điện thoại di động và các dịch vụ thanh toán hiện đại khác…
Ngoài ra, kế hoạch cũng hướng đến xây dựng và triển khai được ít nhất một mô hình cơ sở lưu trú du lịch thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có các giải pháp khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt (có thể liên kết với các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố để ra mắt các gói kích cầu sử dụng dịch vụ không dùng tiền mặt (quét QR code giảm giá…).
Sau đó triển khai đến 100% cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt chuẩn trên địa bàn thành phố áp dụng triển khai một hoặc nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Để triển khai tốt kế hoạch này, Phó Giám đốc Sở Du lịch Tán Văn Vương cho biết, sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đăng tải chủ trương, chính sách của Nhà nước về TTKDTM trên trang thông tin điện tử của sở, Cổng thông tin du lịch; tuyên truyền, tham mưu các giải pháp khuyến khích công dân, doanh nghiệp thanh toán phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố, Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia; lồng ghép triển khai TTKDTM trong các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, các loại tờ rơi, tập gấp…
Bên cạnh đó, nhằm triển khai có hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm 2023, Sở Du lịch đã ban hành kế hoạch và đề ra mục tiêu về chính quyền số, phấn đấu đạt 100% dịch vụ hành chính công của sở được cung cấp trực tuyến mức độ 4, 100% kết quả thủ tục hành chính được ký số và gửi qua mạng cho người dân (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước), sử dụng dữ liệu số chuyên ngành để thay thế thành phần hồ sơ phải nộp trong cung cấp dịch vụ công, cung cấp bộ dữ liệu số mở, công khai cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp sử dụng…
Đối với mục tiêu kinh tế số, hướng đến mục tiêu 80% doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch được đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về sự cần thiết triển khai chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, kinh doanh; mỗi du khách được tư vấn, hỗ trợ kịp thời trước, trong và sau khi đến Đà Nẵng qua nền tảng số theo hình thức đa kênh, đa điểm (mức độ hài lòng), triển khai công nghệ thực tế ảo Vr 360 giai đoạn 3 và phát triển tính năng VRmall (trung tâm thương mại thực tế ảo); thẻ du lịch thông minh…
Về mục tiêu xã hội số, hướng đến 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ, cộng đồng du lịch bảo đảm các quy tắc ứng xử, chuẩn chuyên nghiệp trên môi trường số. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của cộng đồng du lịch trong việc tạo nội dung, đánh giá cải thiện chất lượng điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch thành phố…
PHÚC QUÂN