(Tổ Quốc) – Ngày 7/11, tại Bảo tàng Hà Nội, đã diễn ra chương trình tọa đàm “Truyền thống – Văn hiến – Mạch dẫn không gian sáng tạo đương đại”.
Ngày 12/9/2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 266/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2024 – 2025. Thực hiện kế hoạch này, ngày 15/10/2024, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội ban hành văn bản số 734/KH-SVHTT về việc hình thành mạng lưới các không gian sáng tạo và triển khai tổ chức hoạt động trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo. Những động thái tích cực này cho thấy sự chuyển mình của thành phố đối với việc xây dựng và phát triển các không gian văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Thủ đô.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong các lĩnh vực khác nhau, TS. Nguyễn Quang khẳng định, mục tiêu của Hà Nội là xây dựng thành phố văn hiến, văn minh và hiện đại, trong đó, không thể chỉ nhắc đến sự giàu mạnh về tiềm lực kinh tế, mà còn phải phát triển bền vững về văn hoá.
“Hà Nội là nơi hội tụ rất nhiều tài nguyên văn hóa với bề dày lịch sử lên tới cả nghìn năm. Rất ít thủ đô trên thế giới có được những “lớp lang” lịch sử, thiên nhiên, con người phong phú và giàu có như vậy. Đây chính là những nguồn lực, tiềm năng mà Hà Nội cần khai thác để phát triển ngày càng vững mạnh” – TS. Nguyễn Quang nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, các diễn giả đã cùng trao đổi, phân tích, đánh giá về những thay đổi cơ bản về định hướng văn hóa Thủ đô khi Kế hoạch số 266/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội được triển khai. Đồng thời, bàn luận về những yếu tố truyền thống trong không gian sáng tạo và nhận thức của người trẻ; Sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong các hoạt động sáng tạo…
Giảng viên trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) Ths. Phạm Minh Quân đã đưa ra một vài đánh giá về người trẻ đối với việc giữ gìn văn hóa truyền thống trong không gian sáng tạo.
Ths Phạm Minh Quân cho biết: “Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, nhận thức của thế hệ trẻ về văn hóa truyền thống có thể mờ nhạt. Nhưng, theo quan điểm của tôi, người trẻ bây giờ là một thế hệ rất tài năng, giàu sức sáng tạo nếu chúng ta đánh thức thế hệ trẻ sẽ tạo ra những hơi thở đương đại mới cho những yếu tố về truyền thống và lịch sử. Đây sẽ là yếu tố để khẳng định sự tồn tại của văn hóa Việt cũng như văn hóa Thủ đô”.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà tin tưởng rằng, thế hệ bây giờ hay thế hệ trẻ tương lai vẫn sẽ luôn là những người tiếp nối mạch nguồn văn hoá, truyền thống văn hiến của cha ông để lại và văn hóa sẽ không bao giờ đứt gãy.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tiến Đà cũng khẳng định: “Không gian sáng tạo tại bảo tàng cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô. Vì vậy, để tăng cường sức hấp dẫn thu hút nhiều đối tượng khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ, trong thời gian qua, Bảo tàng Hà Nội cũng đã có định hướng và luôn làm mới các không gian sáng tạo tại Bảo tàng để đáp ứng nhu cầu của công chúng”.
Với những chia sẻ của các diễn giả xuyên suốt tại tọa đàm, công chúng đã có thể hình dung được việc làm thế nào để thế hệ trẻ có thể kết nối với văn hóa truyền thống của Hà Nội thông qua các hoạt động sáng tạo và làm thế nào để các hoạt động trong không gian sáng tạo của bảo tàng giúp lan tỏa giá trị văn hóa Thủ đô ra các vùng miền khác, và thậm chí là quốc tế../.
Nguồn: https://toquoc.vn/truyen-thong-van-hien-mach-dan-khong-gian-sang-tao-duong-dai-trong-dong-chay-van-hoa-thu-do-20241107212409449.htm