Ông Donald Trump đã chiến thắng ngoạn mục trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024. Lúc này là thời điểm để ông bắt đầu suy nghĩ về việc giải quyết những vấn đề quốc tế liên quan mật thiết đến nước Mỹ, đồng thời có ý nghĩa quyết định đến cục diện quan hệ quốc tế.
Ông Donald Trump phát biểu tại sự kiện đêm bầu cử ở West Palm Beach, Florida, ngày 6/11. (Nguồn: Getty Image) |
Đích đến là thỏa thuận hòa bình
Emma Ashford, chuyên gia bình luận tại Foreign Policy, thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson nhận định rằng nếu Washington gây sức ép với Kiev và Tổng thống Ukraine Zelensky từ chối chấp nhận thỏa thuận hòa bình, ông Zelensky có thể chuyển sang thuyết phục châu Âu để được hỗ trợ.
Sự thay đổi rõ ràng nhất mà ông Trump có thể thực hiện đối với chính sách đối ngoại là trong vấn đề Ukraine. Sự ủng hộ của đảng Cộng hòa đối với việc chi nhiều tiền hơn để gửi vũ khí tới Kiev đã giảm và ông Trump có thể sẽ thực hiện lời hứa tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình.
Chuyên gia Emma Ashford đánh giá vấn đề ở đây là hòa bình mà ông Trump mong muốn có thể sẽ đi kèm với các điều khoản không có lợi cho Kiev.
Hiện tại, tổn thất quân sự của Ukraine đã bắt đầu gia tăng, kho dự trữ vũ khí của phương Tây đang giảm cộng thêm với những vấn đề nội tại của Ukraine như nguồn nhân lực và vấn đề tham nhũng ngày càng lớn. Ông Trump có sứ mệnh tìm kiếm một giải pháp, kể cả khi châu Âu có thể sẽ phản đối.
Kiev nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải bao gồm một bảo đảm an ninh, lý tưởng nhất là thông qua NATO, trong khi đó Nga lại phản đối yếu tố này. Theo chuyên gia Emma Ashford, ông Trump đang ở vị thế thuận lợi để gây áp lực lên Kiev nhưng không có nghĩa có thể buộc Kiev ngồi vào bàn đàm phán khi họ biết chắc chắn những điều kiện tiên quyết khó có thể đáp ứng. Kiev có thể chọn tiếp tục đấu tranh và tìm kiếm sự hỗ trợ của châu Âu để thay thế Mỹ.
Khi đó, chính quyền ông Trump sẽ có hai lựa chọn, hoặc là tiếp tục ủng hộ Ukraine, hoặc lùi lại và để vấn đề này cho các đồng minh châu Âu của Washington xử lý.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã nói rằng ông sẽ “không đưa một xu nào cho Ukraine”. Một phần trong kế hoạch chấm dứt xung đột “trong một ngày” của ông là tìm ra được một thỏa thuận. Nhưng tương lai về một thỏa thuận như vậy không mấy dễ dàng. Do đó, trong 75 ngày tới, Quốc hội và chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden phải đối mặt với một nhiệm vụ lịch sử và cấp bách là giúp Ukraine có được càng nhiều vũ khí càng tốt trước khi có sự thay đổi bước ngoặt mới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng ông Trump trong bài phát biểu tại diễn đàn Valdai ở Sochi, Nga (ngày 7/11), đây là bình luận công khai đầu tiên của Tổng thống Putin kể từ khi ông Trump tái đắc cử.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết cách tiếp cận của ông Trump với “mong muốn xây dựng lại quan hệ với Nga” và chấm dứt xung đột ở Ukraine “đáng được chú ý”. Ông Putin đã bày tỏ mong muốn nói chuyện với ông Trump, nhưng nói rằng ông không nhất thiết phải biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Ông Donald Trump gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Trump Tower ở New York vào tháng 9/2024. (Nguồn: AP) |
Lạc quan thận trọng
Các tiếp cận của ông Trump đối với vấn đề Ukraine có thể cũng sẽ tác động đến quan hệ của Mỹ và châu Âu. Amy Mackinnon, phóng viên tình báo và an ninh quốc gia tại Foreign Policy phân tích khi ông Trump bất ngờ giành chiến thắng trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2016, các quan chức châu Âu “choáng váng” và vội vã giải quyết những tác động đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Nhưng lần này kịch bản đó không lặp lại.
Trong nhiều tháng, các chính phủ châu Âu đã âm thầm lập kế hoạch dự phòng để tăng khả năng “tự cung tự cấp” của châu lục và bảo vệ viện trợ quân sự cho Ukraine khỏi những bất lợi từ chính trường Mỹ.
“Điều này có thể có nghĩa là châu Âu cuối cùng cũng nhận ra rằng họ phải bắt đầu tự lo cho mình”, một quan chức châu Âu cho biết.
Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski đã thận trọng trong bài phát biểu của mình về cuộc bầu cử. “Người dân Mỹ đã bỏ phiếu và chúng tôi tôn trọng quyết định của họ”, ông nói vào sáng thứ Tư khi phát biểu với báo chí. “Châu Âu cần phải khẩn trương chịu trách nhiệm nhiều hơn cho an ninh của mình”, Bộ trưởng Radoslaw Sikorski nhấn mạnh.
Bà Amy Mackinnon đặt câu hỏi liệu những sự chuẩn bị này của châu Âu có đủ hay không. Việc ông Trump bất chấp các chuẩn mực ngoại giao và mối quan hệ cá nhân của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu đã làm dấy lên lo ngại đối với châu Âu rằng ông có thể buộc Ukraine phải ký một thỏa thuận bất lợi chỉ vì mục đích chấm dứt xung đột. Cả châu Âu và Ukraine giờ đây đều có một cách tiếp cận “lạc quan thận trọng” đối với chính sách tới đây của chính quyền ông Trump.
Trung Đông – “Bình mới rượu cũ”?
Đối với vấn đề Iran, Steven A. Cook, thành viên cấp cao về nghiên cứu Trung Đông và châu Phi tại Hội đồng quan hệ đối ngoại nhận định chính sách đối với Iran của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên không cứng rắn như những gì ông thường tuyên bố. Mặc dù là chính sách “gây sức ép tối đa” nhưng chiến lược này có phần tương tự như việc cựu Tổng thống Barack Obama áp dụng các biện pháp trừng phạt để khiến Iran ngồi vào bàn đàm phán và dẫn đến thỏa thuận hạt nhân Iran – JCPOA năm 2015.
Ông Trump gọi thỏa thuận đó là “thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước đến nay” không có nghĩa là ông muốn theo đuổi cách tiếp cận khác với Iran. Đơn giản, điều ông Trump muốn chỉ là đàm phán một thỏa thuận tốt hơn với Iran, khiến ông tự tin rằng thỏa thuận của mình vượt trội hơn thỏa thuận hạt nhân của ông Obama. Trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông Trump khá ôn hòa với Iran.
Với nhiệm kỳ mới, ông Trump sẽ ứng xử ra sao với Iran? Ông Steven A. Cook nhận định ông Trump có thể sẽ tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận ở nhiệm kỳ trước nhằm minh chứng tài năng “bậc thầy” trong việc đạt được các thỏa thuận quốc tế.
Chuyên gia Steven A. Cook cũng cho rằng tiếp cận rộng hơn với Trung Đông, chính sách của chính quyền ông Trump cũng có thể vẫn “bình mới, rượu cũ”, ít có sự thay đổi so với chính quyền tiền nhiệm. Cụ thể, sự ủng hộ dành cho Israel sẽ vẫn tiếp tục. Ông Trump có thể sẽ tiếp tục hành trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và Saudi Arabia.
Ngoài ra, ông Trump sẽ chắt chiu từng nỗ lực để sớm có được lệnh ngừng bắn ở Gaza. Trong một cuộc điện đàm trước cuộc bầu cử, ông Trump đã yêu cầu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kết thúc các hoạt động quân sự lớn ở Gaza “trước ngày nhậm chức”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/mo-bong-bong-ca-moi-lan-cu-ong-trump-se-go-the-nao-292914.html