(MPI) – Trong khuôn khổ các hoạt động của chuỗi sự kiện Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024, chiều ngày 08/11/2024, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cơ sở Hòa Lạc đã diễn ra Diễn đàn “Hợp tác toàn cầu trong phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.
Diễn đàn do NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại học Quốc gia thành Hồ Chí Minh và Hiệp hội bán dẫn SEMI tổ chức. Tham dự Diễn đàn có bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; đại diện các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương, lãnh đạo các tập đoàn công nghệ, các viện nghiên cứu, trường đại học, quỹ đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội, chuyên gia trong và ngoài nước và các bạn thế hệ trẻ Việt Nam; đại diện tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn ở trong và ngoài nước như Intel, CMC, Dassault Systemes, Trường Đại học VinUni, Đại học Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc)…
Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết, với sự tham gia của đông đảo thành phần trong hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn khẳng định thêm sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam và sự cam kết đồng hành, hợp tác các bên trong việc cùng nhau thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã chủ động triển khai rất nhiều các giải pháp cụ thể để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao trong lĩnh vực bán dẫn. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 với mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn đến năm 2030.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, trong thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo NIC chủ trì, phối hợp với các tập đoàn công nghệ, các cơ sở đào tạo hàng đầu trong nước và quốc tế đồng loạt triển khai nhiều hoạt động đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn, thu hút đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, việc hợp tác chặt chẽ giữa NIC với các đối tác trong và ngoài nước đã đem đến nhiều kết quả tích cực như phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco và các cơ quan đại diện khác trong việc tiếp cận, làm việc, cụ thể hóa hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn như Cadence, Marvell, ARM, Qorvo, Synopsys, Microsoft, Apple… các buổi làm việc về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với lãnh đạo các tập đoàn này.
Hợp tác chặt chẽ với Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước trong việc kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư; kết nối thị trường, thương mại hóa sản phẩm; huy động nguồn lực để hỗ trợ học bổng và các chương trình phát triển nhân tài trong lĩnh vực công nghệ cao; hình thành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam thu hút gần 2.000 chuyên gia và trí thức người Việt tham gia tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, có vị trí địa chính trị chiến lược, có lực lượng lao động trẻ dồi dào am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hiện đại, thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
“Với những tiềm năng nêu trên, các tập đoàn, đối tác trong ngành bán dẫn hãy tiếp tục tin tưởng, mở rộng các hoạt động hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Sự đầu tư, hỗ trợ vào nguồn nhân lực trẻ Việt Nam là chìa khóa để mở cánh cửa tương lai tươi sáng và bền vững hơn, mang lại lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và cả doanh nghiệp”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm phát biểu.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang bùng nổ, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm sản xuất thiết bị bán dẫn trong khu vực. Với nền tảng nhân lực phong phú và chi phí sản xuất cạnh tranh, Việt Nam hoàn toàn có khả năng khai thác những cơ hội này để phát triển mạnh mẽ.
Nhấn mạnh đến nội dung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam: Lợi thế, thách thức và giải pháp, bà Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị tiên phong đào tạo kỹ sư về thiết kế vi mạch và bán dẫn; trong tổng số sinh viên được tuyển sinh viên hăng năm có 50% sinh viên chọn chuyên ngành STEM; tỷ lệ sinh tham gia chuyên ngành vi mạch và bán dẫn tăng.
Trong thời gian tới, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào các giải pháp như cải tiến toàn bộ chương trình đào tạo để đáp ứng với chiến lược, chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành về Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Cùng với đó là thực hiện các chương trình liên quan đến thiết kế và chế tạo vi mạch, vật liệu bán dẫn; làm việc với các đối tác, các trường đại học thành viên để thiết kế các chương trình học về lắp ráp, kiểm thử và đóng gói, bảo mật, ứng dụng; phối hợp với các doanh nghiệp, đối tác để xây dựng chương trình đào tạo ngắn và dài hạn để tăng năng lực cũng như tăng kỹ năng; tổ chức các khóa đào tạo tăng chứng chỉ quốc tế; các chương tình liên thông giữa bậc thạc sĩ, đại học; xây dựng chính sách thu hút chuyên gia về làm việc tại trường Đại học.
Sự kiện này không chỉ là một diễn đàn để thảo luận về những xu hướng toàn cầu trong ngành thiết bị bán dẫn mà còn là thể hiện nỗ lực tham gia ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, đặc biệt là trong chuỗi giá trị về sản xuất thiết bị bán dẫn
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Phiên tọa đàm với chủ đề “Cơ hội cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu” đã thu hút sự chú ý với những phân tích sâu sắc về xu hướng toàn cầu trong ngành thiết bị bán dẫn.
Tại Tọa đàm, các diễn giả nhận định việc xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là về thiết bị, sản xuất là rất cần thiết. Sự kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ là động lực quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho ngành sản xuất.
Đồng thời cho rằng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển của nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam, với vị thế là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đang đứng trước cơ hội tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất thiết bị.
Các ý kiến cũng nhấn mạnh đến những yếu tố để phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, sự hợp tác giữa các bên liên quan như giữa Nhà nước-viện, trường-doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực theo Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Các chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi nhiều kỹ năng khác nhau, vai trò của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này; những mô hình hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực, áp dụng cho Việt Nam; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với quá trình đổi mới sáng tạo.
Các diễn giả đóng góp nhiều ý tưởng mang tính gợi mở rất hữu ích; khẳng định, không có thành phần đơn lẻ nào đóng vai trò quan trọng nhất trong ngành công nghiêp bán dẫn mà phải là xây dựng hệ sinh thái để phát triển ngành này; khẳng định vai trò của Chính phủ trong việc kết nối giữa viện, trường và doanh nghiệp; sự kết nối, liên kết các bên liên quan của hệ sinh thái để tận dụng chuyên môn, thực hành, đẩy nhanh tốc độ đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối các bên liên quan, trong đó các quỹ đầu tư để mang đến cho ngành này nguồn lực cần thiết; nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cũng là chất xúc tác tốt cho quá trình này.
Tại Diễn đàn đã diễn ra Lễ Khởi động Cuộc thi thiết kế vi mạch lần 2 với Chủ đề: Thành phố thông minh giữa Hà Nội – Đà Nẵng – thành phố Hồ Chí Minh nhằm tìm kiếm các giải pháp và ý tưởng thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh, góp phần phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch và ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Thông tin về cuộc thi, ông Lê Quốc Cường, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cuộc thi do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức, phối hợp cùng Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, triển khai thực hiện bởi Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao và Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ. Kết quả của cuộc thi sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực vi mạch nói riêng và ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của thành phố nói chung.
Diễn đàn “Hợp tác toàn cầu trong phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn” kết thúc với cam kết mạnh mẽ từ các bên tham gia về việc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển chuỗi cung ứng, đầu tư vào đào tạo và nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng bán dẫn trong khu vực và trên thế giới./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-11-8/Dien-dan-Hop-tac-toan-cau-trong-phat-trien-nguon-nyub1qc.aspx