Chia sẻ tại chương trình “Nối vòng tay ấm” do T.Ư Đoàn, Báo Thanh Niên đồng hành cùng PNJ và Quỹ Niềm Tin Vàng thực hiện, hiệu trưởng một điểm trường ở Lạng Sơn xúc động nói: ‘Mùa đông năm nay các con không còn lạnh nữa’.
Ngày 8.11, tại điểm trường Co Hương, thuộc Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học 2 xã Hữu Kiên, H.Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, Ban tổ chức dự án “Nối vòng tay ấm” do T.Ư Đoàn, Báo Thanh Niên đồng hành cùng PNJ và Quỹ Niềm Tin Vàng thực hiện, đã trao nguồn lực hỗ trợ để trường khắc phục hậu quả cơn bão Yagi.
Chung tay xoa dịu nỗi đau sau bão Yagi
Chia sẻ tại chương trình, ông Nguyễn Chiến Chinh, Phó chủ tịch Quỹ Niềm Tin Vàng cho biết cơn bão đã qua đi, nhưng những thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại các tỉnh phía bắc vẫn còn đó. Ở nhiều nơi, các trường học bị hư hại nặng, nhiều đồ dùng học tập, sách vở và trang thiết bị dạy học đã hư hỏng, không thể sử dụng. Nhiều trẻ em ở vùng sâu, vùng xa lại càng khó khăn khi đến trường do hoàn cảnh của gia đình sau mưa lũ.
“Khi xem những thước phim về bão chúng tôi đã không khỏi đau lòng, nên rất muốn chung tay để xoa dịu nỗi đau do cơn bão gây ra. Vì thế, khi T.Ư Đoàn, Báo Thanh Niên, Quỹ Niềm Tin Vàng và PNJ đã đồng hành và triển khai dự án “Nối vòng tay ấm”. Chúng tôi đã cùng nhiều doanh nghiệp mang đến sự hỗ trợ về giáo dục cho trẻ em tại những khu vực chịu ảnh hưởng sau thiên tai”, ông Nguyễn Chiến Chinh chia sẻ.
Ông Ngô Quang Trung, Phó chủ tịch HĐND H.Chi Lăng cho biết, sau bão Yagi, nhiều nhà trường, học sinh ảnh hưởng rất lớn, không thể đến trường học ngay sau khi bão kết thúc. “Giáo viên, nhân viên và các em học sinh đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống. Hiện nay, các nhà trường đang phải khắc phục sau bão để học sinh được đến trường an toàn; giáo viên, nhân viên yên tâm công tác đảm bảo yêu cầu của nhiệm vụ năm học”, ông Trung nói.
Theo ông Trung, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học 2 xã Hữu Kiên và Trường mầm non xã Hữu Kiên là 2 trường thuộc xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Chi Lăng, số hộ nghèo và cận nghèo chiếm 70%. Cơn bão số 3 đã gây hư hỏng nặng rất nhiều đoạn đường. Giao thông bị chia cắt, một số công trình của 2 trường bị sụt lún, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, đến trường, học tập của học sinh và thầy cô giáo.
Tại chương trình, ban tổ chức tài trợ kinh phí tu sửa trường và 2 công trình giếng khoan với tổng kinh phí trị giá hơn 407 triệu đồng và hỗ trợ kinh phí 60 triệu đồng học bổng cho học sinh khó khăn trên địa bàn H.Chi Lăng; cùng nhiều phần quà đồ dùng cá nhân khác phục vụ học tập.
“Các nguồn hỗ trợ giúp cho các em học sinh có cơ hội được học tập trong điều kiện tốt nhất, trau dồi trí thức, kinh nghiệm cho tương lai. Đây là tiền đề quan trọng giúp các em trở thành những công dân tốt hữu ích cho gia đình và xã hội”, ông Trung chia sẻ.
Mang hơi ấm lên vùng cao
Tại điểm trường Co Hương, thuộc Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học 2 xã Hữu Kiên, H.Chi Lăng, cô Vi Thị Dịu, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, cơn bão số 3 đã gây hư hỏng nặng rất nhiều đoạn đường khiến việc đi lại vô cùng nguy hiểm, khi một bên là vực, một bên là sườn núi sạt lở.
Trường có đa số học sinh là dân tộc Tày, đời sống còn nhiều khó khăn, trong số 121 em còn có 48 học sinh thuộc hộ nghèo. Sau bão, số lượng học sinh có nhu cầu ở lại trường khá đông, nhưng nhà trường còn thiếu chỗ ăn, ở và nhà vệ sinh, đặc biệt là nguồn nước để nấu ăn, do ống dẫn nước từ núi xuống đã bị bão tàn phá.
“Ở đây, mùa đông rất khắc nghiệt, có khi thời tiết xuống đến 4 – 5 độ C, nên học sinh rất lạnh. Có học sinh mùa đông đi học chỉ có manh áo mỏng và đôi dép tổ ong. Nhà trường chỉ mong có được nhà vệ sinh, giếng khoan nước sạch để nấu ăn bán trú cho trẻ và nước ấm cho các em sử dụng vào mùa đông”, cô Dịu chia sẻ .
Được dự án hỗ trợ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất và trao tặng áo ấm, đồ dùng học tập và học bổng cho học sinh, cô Dịu phấn khởi nói: “Vậy là mùa đông năm nay các con sẽ không còn lạnh nữa. Chúng tôi rất xúc động vì dự án đã mang đến hơi ấm cho học sinh và nhà trường để chúng tôi vượt qua khó khăn, làm tốt hơn công tác giáo dục ở địa phương”.
Tổng số nguồn lực của dự án “Nối vòng tay ấm” là 4,1 tỉ đồng, trong đó PNJ đóng góp 3 tỉ đồng, Quỹ Từ Thiện của nhân viên Công ty Dragon Capital 400 triệu đồng, Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân (DUYTAN Recycling) 200 triệu đồng, Công ty CP Kết nối nhân tài (Talentnet) 200 triệu đồng, Hội nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE) hơn 300 triệu đồng…
Cùng với đó, Công ty CP Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội (NXB Giáo dục Việt Nam), Công ty CP đầu tư quốc tế Hải Hà – Classmate và Công ty CP Đầu tư xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) cũng có nhiều ưu đãi sách và đồ dùng học tập dành riêng cho chương trình.
Nguồn: https://thanhnien.vn/noi-vong-tay-am-mua-dong-nam-nay-cac-con-khong-con-lanh-nua-18524110812281864.htm