(LĐXH) – Tăng cường công tác phản biện xã hội, truyền thông để thông tin về chính sách, từ đó nâng cao chất lượng các văn bản, đồng thuận của xã hội trong xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh tại Hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ LĐ-TB&XH và những điểm mới của Luật BHXH năm 2024” do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 5/11.
Thứ trưởng đánh giá, hơn 10 năm qua, Bộ đã thực hiện hiệu quả việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến lao động, người có công và an sinh xã hội;
Đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác pháp chế, đặc biệt là rà soát và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Hiện hầu hết lĩnh vực quản lý của Bộ đều được điều chỉnh bởi các luật, bao gồm 1 bộ luật, 9 luật và 2 pháp lệnh.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội đã vượt quá 400 văn bản, tạo ra hành lang pháp lý và cơ chế chính sách quan trọng, góp phần phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
“Những chính sách này, bao gồm cả những quy định chưa có tiền lệ, đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội, lao động và việc làm, từ đó góp phần ổn định và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh và cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ một cách bài bản và hiệu quả.
“Chúng tôi đã thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ về việc cắt giảm và đơn giản hóa các yêu cầu, điều kiện kinh doanh cũng như thủ tục hành chính. Những nỗ lực này giúp khơi thông các vướng mắc pháp lý, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp”.
Để nâng cao chất lượng trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh cần thường xuyên rà soát, đánh giá và tổng kết công tác thi hành pháp luật cùng các cơ chế, chính sách hiện hành, nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc có thể cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Đồng thời, trong quá trình xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần chú ý đến các vấn đề mới phát sinh để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn; tuân thủ đúng quy định và quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ trưởng đặc biệt lưu ý việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và chương trình; đồng thời cần bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, lắng nghe ý kiến đa chiều và tổ chức các hội thảo, tọa đàm để tham vấn ý kiến, đặc biệt là từ các chuyên gia, nhà khoa học và những người làm công tác thực tiễn cũng như đối tượng chịu tác động và cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan khác.
“Cần tăng cường công tác phản biện xã hội và truyền thông để kịp thời thông tin về chính sách, từ đó nâng cao chất lượng của các văn bản cũng như sự đồng thuận của xã hội trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH Nguyễn Duy Cường đã chia sẻ nội dung một số điểm mới của Luật BHXH năm 2024, tập trung vào các nội dung chính như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; bổ sung chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội;
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; bổ sung chế độ thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện…
Thái An
Báo Lao động và Xã hội số 134
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/nang-cao-chat-luong-van-ban-dong-thuan-cua-xa-hoi-khi-xay-dung-chinh-sach-20241107104640949.htm