Elon Musk được cho là đã thay đổi thuật toán đề xuất trên nền tảng X (trước là Twitter) để thúc đẩy các nội dung ủng hộ ông Donald Trump.
Trump 2.0: Tái thiết và thay đổi cuộc chơi công nghiệp công nghệ Mỹ
Ông Donald Trump đã hứa hẹn những gì với ngành công nghiệp tiền mã hóa?
Nhìn lại những chính sách công nghệ trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump
Vai trò của truyền thông trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ từ năm 2007 đến nay ngày càng mở rộng. Chiến dịch tranh cử của Obama đánh dấu cuộc bầu cử đầu tiên của thế kỷ 21 áp dụng chiến lược truyền thông kỹ thuật số.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2017 sau khi đắc cử, tỷ phú Trump cũng khẳng định, “nếu không có mạng xã hội thì không có tôi như bây giờ. Tôi có gần 100 triệu người đăng ký theo dõi trên Facebook, Twitter và Instagram. Tôi có phương tiện truyền thông của riêng mình mà không cần phải dựa vào bên nào khác”.
Tiếp đến cuộc bầu cử Tổng thống 2024, một lần nữa Trump giành chiến thắng và song hành cùng ông không thể nhắc tới vai trò của mạng xã hội X và Elon Musk – cũng là chủ sở hữu nền tảng.
Elon Musk thừa nhận đã thay đổi thuật toán đề xuất trên mạng X, để khiến các bài đăng của cá nhân ông và các nội dung liên quan đến Donald Trump nổi bật hơn, từ đó thu hút nhiều lượt xem hơn.
Một cuộc điều tra của TWS cho thấy, thuật toán đề xuất nội dung của X đã ưu tiên tất cả bài đăng của những người ủng hộ Trump, gây bất lợi với Kamala Harris, đặc biệt tại các vị trí địa lý bang “chiến địa”.
Thuật toán đề xuất trên các mạng xã hội chỉ các tính năng hỗ trợ người dùng tiếp cận nội dung nhằm tối đa hóa thời gian sử dụng trên nền tảng đó.
Chẳng hạn, người dùng sẽ được đề xuất các nội dung theo sở thích của bản thân. Ngoài ra, các nội dung mang tính “giật gân” cũng dễ dàng được đề xuất nhiều hơn để thu hút sự chú ý người đọc.
Ông Trump không xa lạ với truyền thông mạng xã hội. Trước khi bị cấm trên Twitter vào đầu năm 2021, Donald Trump là một trong những người dùng nổi bật và có ảnh hưởng nhất với hơn 88 triệu người theo dõi.
Ông sử dụng nền tảng này để truyền tải thông điệp chính trị, công bố chính sách và thậm chí đưa ra các quyết định quan trọng mà thường không thông qua các kênh truyền thông truyền thống.
Sự hiện diện mạnh mẽ của ông trên Twitter đã giúp ông giao tiếp trực tiếp với người dân Mỹ và thu hút sự chú ý lớn từ cả những người ủng hộ lẫn phản đối.
Tuy nhiên, cũng chính vì những dòng tweet gây tranh cãi, đặc biệt sau sự kiện bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ vào ngày 6/1/2021, Twitter đã quyết định đình chỉ vĩnh viễn tài khoản của Trump với lý do vi phạm chính sách của nền tảng về việc kích động bạo lực.
Quyết định này đánh dấu một sự kiện lớn trong lịch sử truyền thông xã hội, làm dấy lên nhiều tranh cãi về tự do ngôn luận, vai trò và trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội đối với nội dung mà người dùng đăng tải.
Tài khoản của Trump đã được phục hồi sau khi Elon Musk thâu tóm Twitter và đổi tên thành X. Bản thân CEO Tesla và SpaceX cũng sở hữu hơn 200 triệu người theo dõi, giúp tạo “hiệu ứng mạng lưới”, đẩy nội dung từ X sang các nền tảng mạng xã hội và nhắn tin khác.
Một báo cáo từ Tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm chống thù ghét kỹ thuật số (CCDH) cho thấy, các bài viết chính trị của Elon Musk từ tháng 7 đã thu hút 17,1 tỷ lượt xem, cao hơn gấp đôi tổng số lượt xem “quảng cáo chiến dịch chính trị” Mỹ trên X trong cùng kỳ.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/elon-musk-da-thay-doi-gi-tren-mang-xa-hoi-x-de-giup-donald-trump-dac-cu-2340050.html