Phát huy thế mạnh du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp được xem là định hướng quan trọng gắn với mô hình du lịch sinh thái sông nước và vườn cây ăn trái đặc sản mà địa phương đang nỗ lực khai thác hiệu quả.
Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) là một trong những xã có bề dày lịch sử, văn hóa từ lâu đời, nổi tiếng với làng cổ Đông Hòa Hiệp đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp quốc gia vào năm 2017.
Phát triển mô hình du lịch nông thôn
Làng cổ Đông Hòa Hiệp còn nằm trong tốp 3 làng cổ của Việt Nam được Tổng cục Du lịch và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn.
Với lợi thế nằm ở ngã ba sông Tiền và sông Cái Bè, xã Đông Hòa Hiệp chú trọng phát huy các tiềm năng lao động, đất đai, ngành nghề phát triển kinh tề bền vững, góp phần đổi mới nông nghiệp-nông dân-nông thôn và xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn.
Trong đó, phát huy thế mạnh du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp được xem là định hướng quan trọng gắn với mô hình du lịch sinh thái sông nước Tiền Giang và vườn cây ăn trái đặc sản mà địa phương đang nỗ lực khai thác hiệu quả.
Làng cổ Đông Hòa Hiệp hiện có 7 ngôi nhà cổ từ 150-220 năm tuổi và 29 ngôi nhà từ 80-100 năm, 3 ngôi chùa và 1 đình làng trên 100 năm. Nổi tiếng có nhà cổ ông Kiệt (ấp Phú Hòa), nhà cổ Ba Đức (ấp An Lợi), nhà cổ ông Xoát (ấp An Thạnh)… Trong đó, ngôi nhà cổ ông Xoát là lâu đời nhất, được cất từ năm 1818.
Đặc điểm chung của các ngôi nhà cổ tại đây là cột gỗ to cao; kèo, đòn tay, vách, vách ngăn… đều bằng gỗ. Nội thất trang trí các khuôn hoành phi, chạm khắc nghệ thuật hình long, lân, quy, phụng, chim và các loài hoa với nội dung hướng đến chúc phúc, cầu may, chúc thọ. Phía trước nhà thường có khoảng sân rộng trồng hoa kiểng hoặc cây ăn quả; xung quanh có hàng rào và cửa cổng chắc chắn, khang trang thể hiện sự sang trọng, bề thế của giới điền chủ giàu có một thời.
Hiện nay, hầu như các ngôi nhà cổ trong làng cổ Đông Hòa Hiệp đều được khai thác, kinh doanh du lịch và đang là điểm đến hấp dẫn trong các tour du lịch nông nghiệp của tỉnh.
Bà Lê Thị Chính (chủ nhân ngôi nhà cổ ông Kiệt) cho biết việc khai thác, kinh doanh du lịch tại đây gồm hình thức tham quan, phục vụ ăn uống và lưu trú qua đêm kết nối các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn, góp phần đưa giá trị văn hóa nhà cổ Nam Bộ đến với cộng đồng.
Theo ông Phan Văn Đức (chủ nhân ngôi nhà cổ Ba Đức), du khách đến đây thường thích thú tham quan nhà cổ, làng nghề bánh phồng, bánh tráng Đông Hòa Hiệp, các khu vườn cây trĩu quả theo mùa… Du khách có nhu cầu có thể nghỉ qua đêm để thưởng trăng hoặc chơi thuyền trên sông nước Tiền Giang, tham quan chợ Nổi Cái Bè…
Điểm du lịch nhà cổ Ba Đức và sản phẩm bánh phồng tôm nhà cổ Ba Đức đã được công nhận đạt OCOP hạng 4 sao. Tỉnh đã công nhận các điểm du lịch nhà cổ ông Kiệt và nhà cổ Ba Đức nằm trong 10 điểm du lịch nông nghiệp tiêu biểu của địa phương.
Bên cạnh đó, theo hướng dẫn và định hướng của các cấp, ngành, người dân quy hoạch, thiết kế vườn cây, ao cá, ứng dụng khoa học công nghệ thâm canh đạt năng suất, sản lượng cao; trồng cây xanh và hoa kiểng tạo cảnh quan môi trường nông thôn; sửa sang nhà cửa; nâng cấp các dịch vụ phục vụ du khách; kết nối doanh nghiệp lữ hành đưa khách tham quan theo các tour, tuyến du lịch sinh thái hợp lý và hấp dẫn.
Xã định hình vùng chuyên canh vườn quả đặc sản trên 1.000ha, chủ yếu trồng sầu riêng, bưởi… cho hiệu quả kinh tế cao với sản lượng trái cây các loại gần 22.000 tấn quả mỗi năm.
Bên cạnh đó, địa phương phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như: làm cốm, kẹo, bánh tráng, bánh phồng sữa, xay xát chế biến lương thực, thực phẩm… góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động.
Qua phát triển du lịch nông nghiệp, Đông Hòa Hiệp còn giới thiệu rộng rãi đến du khách trong ngoài nước cảnh đẹp miệt vườn sông nước hữu tình, bản sắc văn hóa đặc thù của một vùng đất, đặc biệt là kiến trúc làng cổ Đông Hòa Hiệp đang được đánh giá là viên ngọc quý trong kiến trúc nhà ở Nam Bộ xưa.
Đây là điểm nhấn trong các tour du lịch nông nghiệp tỉnh cũng như kết nối du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phấn đấu đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu
Bí thư Đảng ủy xã Đông Hòa Hiệp Võ Minh Nhựt đánh giá, du lịch nông nghiệp dựa trên các thế mạnh như tham quan nhà cổ, các di tích văn hóa lịch sử, cảnh miệt vườn sông nước sông Tiền, tìm hiểu nghể làm vườn và kinh tế vườn quả địa phương… đang thu hút du khách. Đây là xương sống của nền kinh tế, giúp xã Đông Hòa Hiệp phát triển mạnh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao mức sống nhân dân.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Đông Hòa Hiệp, định hướng đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhằm phát triển tiềm năng du lịch làng cổ trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới nâng cao mang lại hiệu quả thực tế.
Trung bình mỗi năm, Đông Hòa Hiệp đón trên 150.000 lượt du khách trong và ngoài nước. Trong đó, Lễ hội làng cổ Đông Hòa Hiệp được tổ chức vào khoảng trung tuần tháng 11 hằng năm là điểm nhấn hấp dẫn thu hút hàng chục ngàn lượt du khách.
Tiềm năng du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp được đánh thức đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại xã Đông Hòa Hiệp đạt 72,65 triệu/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm xuống còn 1,12%.
Năm 2024, xã phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người lên mức 79,2 triệu đồng/người/năm vả giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%.
Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ, năm 2017, Đông Hòa Hiệp được công nhận đạt xã nông thôn mới, năm 2020 được công nhận đạt xã nông thôn mới nâng cao và đang hướng tới mục tiêu được công nhận đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2024./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tien-giang-danh-thuc-tiem-nang-du-lich-lang-co-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-post992029.vnp