Ngày 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, việc sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán là vấn đề cấp thiết nhằm hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư.
Đại biểu Phạm Đức Ấn phát biểu tại Hội trường |
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) cho rằng, các vụ việc gần đây trên thị trường chứng khoán đã bộc lộ rõ những lỗ hổng pháp lý. Nếu không sửa đổi, sẽ rất khó để duy trì niềm tin của nhà đầu tư và phát triển thị trường bền vững. Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) nhấn mạnh: “Luật Chứng khoán cần được sửa đổi để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo sự minh bạch và nâng cao tính cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Phát hiện sớm và xử lý kịp thời các hành vi thao túng thị trường
Hành vi thao túng thị trường là vấn đề nghiêm trọng cần được xử lý triệt để. Đại biểu Phạm Đức Ấn đề xuất, cần áp dụng các công cụ giám sát hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các hành vi thao túng. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý để đảm bảo hiệu quả.
Đồng quan điểm phải xử lý mạnh tay hành vi thao túng thị trường, song đại biểu Nguyễn Công Long cảnh báo, việc sao chép cấu thành tội phạm từ Bộ luật Hình sự sang Luật Chứng khoán có thể gây hạn chế trong xử lý hành chính. Luật cần mở rộng các quy định cấm để xử lý sớm các hành vi có dấu hiệu vi phạm, tránh hậu quả nghiêm trọng.
Thực tế thời gian qua cho thấy vai trò của tổ chức kiểm toán trong đảm bảo minh bạch tài chính còn nhiều hạn chế. Đại biểu Phạm Đức Ấn thẳng thắn cho rằng, các vụ việc tại FLC, Vạn Thịnh Phát và một số công ty đại chúng khác đã cho thấy sự yếu kém của một số tổ chức kiểm toán. Điều này không chỉ làm giảm niềm tin mà còn gây tổn thất lớn cho nhà đầu tư. Ông đề xuất cần siết chặt các chuẩn mực kiểm toán và áp dụng chế tài xử lý mạnh hơn đối với các tổ chức vi phạm.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cho rằng, thời hiệu xử phạt và mức phạt đối với hành vi vi phạm chuẩn mực kiểm toán cần được nâng lên. Tuy nhiên, cần tính toán mức độ phù hợp để không gây áp lực quá lớn cho doanh nghiệp.
Đại biểu Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) cũng bổ sung thêm, cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm công bố thông tin của tổ chức kiểm toán để đảm bảo tính minh bạch và giảm thiểu rủi ro cho thị trường.
Đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường
Mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ “cận biên” lên “mới nổi” vào năm 2025 được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng: “Ngoài việc sửa đổi luật phù hợp với thông lệ quốc tế, cần tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ, đặc biệt là hệ thống giao dịch, thanh toán và lưu ký. Đồng thời, minh bạch hóa thông tin là yếu tố quyết định để thu hút nhà đầu tư quốc tế.”
Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) đề nghị, cần bổ sung thêm các tiêu chí để nâng hạng thị trường; đồng thời các yêu chí này cần được làm rõ và có lộ trình cụ thể để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, và nhà đầu tư cùng đồng thuận thực hiện.
Về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý, các đại biểu nhận định, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý hiện nay vẫn còn hạn chế. Đại biểu Phạm Đức Ấn đề nghị cần xây dựng một cơ chế phối hợp rõ ràng hơn để đảm bảo hiệu quả quản lý và giảm thiểu các rủi ro phát sinh. Đồng quan điểm, đại biểu Triệu Quang Huy đề xuất nên thành lập các bộ phận chuyên trách để hỗ trợ điều tra và xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường, đảm bảo tính minh bạch và công bằng.
Nhiều đại biểu cho rằng năng lực của cơ quan quản lý, đặc biệt là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần được nâng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường. Chúng ta cần tăng cường nguồn lực nhân sự và công nghệ để cơ quan quản lý có thể giám sát hiệu quả và đảm bảo tính minh bạch trên thị trường. Việc nâng cao năng lực không chỉ tập trung vào nhân sự mà còn phải cải thiện quy trình giám sát, đảm bảo sự chủ động và minh bạch trong mọi hoạt động.
Một số ý kiến vẫn còn tranh luận, như việc mở rộng đối tượng kiểm toán. Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, việc kiểm toán diện rộng có thể tạo gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, vấn đề xác định thời điểm công ty trở thành công ty đại chúng cũng gây nhiều ý kiến trái chiều. Một số đại biểu cho rằng cần làm rõ để tránh gây nhầm lẫn cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-va-thuc-day-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-157563.html