Việc áp thuế GTGT 5% giúp chủ động đảm bảo phát triển nguồn cung phân bón cho nông nghiệp từ sản xuất nội địa.
Trước khi triển khai thực hiện Luật thuế 71/2014/QH13 (Luật số 71) các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng thuế suất GTGT 5%. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng này được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Từ ngày 1/1/2015, Luật số 71 có hiệu lực, các mặt hàng này đã được chuyển thành đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Thực tế thời gian qua cho thấy, quy định đưa mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (Khoản 1 Điều 3 Luật số 71) làm hạn chế sự phát triển và đầu tư cho sản xuất phân bón trong nước, đồng thời không đạt được mục tiêu giảm giá bán mặt hàng phân bón khi xây dựng Luật số 71.
Chia sẻ tại Hội nghị phổ biến Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng mới đây tại Hà Nội, TS Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, từ khi Luật Thuế 71 có hiệu lực, trong lĩnh vực phân bón, số lượng doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy phân bón công nghệ cao, công nghệ xanh hầu như rất ít mà một trong những nguyên nhân chính do hạn chế từ Luật Thuế 71.
Do đó, theo TS Phùng Hà, việc chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT 5% để các doanh nghiệp sản xuất được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón là rất cần thiết và phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Theo các chuyên gia, việc việc sửa đổi quy định mặt hàng phân bón áp dụng thuế suất GTGT 5% có tác động tích cực như sau:
Đối với người tiêu dùng: Nông dân mua phân bón sản xuất trong nước với giá thấp hơn, các nhà sản xuất trong nước được hoàn thuế GTGT đầu vào nên giá thành sản xuất giảm, do đó giá bán giảm.
Phân bón nhập khẩu chịu thuế GTGT 5%. Tuy nhiên, sản lượng phân bón nhập khẩu (26,7%) thấp hơn phân bón sản xuất trong nước (73,3%) nên về tổng thể người tiêu dùng vẫn được hưởng lợi nhiều hơn.
Đối với doanh nghiệp: Số thuế GTGT đầu vào (phát sinh trong nước và ở khâu nhập khẩu) của doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ hoặc được hoàn thuế theo quy định của pháp luật thuế GTGT.
Doanh nghiệp có thêm nguồn lực để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng tích tụ vốn, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm phân bón thế hệ mới, chất lượng cao, hạ giá thành sản phẩm, chiếm ưu thế khi cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Việc áp thuế GTGT 5% cũng giúp đảm bảo phát triển nguồn cung phân bón cho nông nghiệp từ sản xuất nội địa, góp phần bảo đảm phát triển nền nông nghiệp bền vững, tăng cường mối quan hệ công nghiệp – nông nghiệp – nông dân và nông thôn.
Trong khi đó, giá bán trong nước đối với mặt hàng phân bón được hình thành theo cơ chế thị trường, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng này được quyền tự định giá theo tín hiệu thị trường.
Tác động đến thị trường: Việc áp thuế GTGT 5% góp phần thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước là đầu vào của ngành nông nghiệp, tạo nguồn cung ổn định cho người nông dân, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, khắc phục việc giá cả không ổn định, cũng như sự biến động giá của phân bón nhập khẩu, góp phần bảo đảm phát triển nền nông nghiệp bền vững hơn.
Đối với ngân sách nhà nước: Ngân sách nhà nước sẽ thu được toàn bộ khoản áp dụng thuế GTGT với phân bón nhập khẩu.
Khi áp dụng thuế GTGT 5%, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước được nâng cao do tăng cơ hội cạnh tranh với hàng nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước. Qua đó, đóng góp cho ngân sách nhà nước từ khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Minh Khang – Trần My
Nguồn: https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/15f251d7-a2c9-4ce5-bcbf-dce8ca697a14