04/05/2023 06:08
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi và phát triển. Vì vậy, họ rất cần được quan tâm hỗ trợ các chính sách như giảm lãi suất cho vay, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và tạo cơ chế cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, thiếu hụt nhân công, đứt gãy chuỗi cung ứng… là những thách thức mà hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp ở tỉnh ta nói riêng đang gặp phải trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề do dịch Covid-19 gây ra. Để giúp các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch, ngay đầu năm 2022, Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã được Quốc hội thông qua nhằm phục vụ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đây được xem là chính sách tài khóa với ngân sách lớn chưa từng có trong tiền lệ lên tới khoảng 350 nghìn tỷ đồng. Và ngay sau đó, Chính phủ cũng đã ban hành ngay Nghị quyết số 11/NQ-CP để làm “kim chỉ nam” hành động cho chương trình này. Hành động kịp thời này của Quốc hội và Chính phủ đã cơ bản đáp ứng mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ đưa nền kinh tế của nước ta sớm vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách để vững bước đi lên.
|
Mặc dù những chính sách hỗ trợ lãi suất đã và đang được tập trung đẩy mạnh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song theo đại diện các doanh nghiệp việc tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi cũng không hề dễ dàng, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Điều này đã được bà Nguyễn Thị Thanh Loan- Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Kon Tum nêu ý kiến tại chương trình “Cà phê doanh nghiệp” của tỉnh tháng 2/2023. Bà Loan cho rằng, trong hơn một năm qua, nhiều chính sách “trợ lực” cho các doanh nghiệp của Chính phủ, của tỉnh ban hành đã kịp thời “cứu sống” nhiều doanh nghiệp và giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, bà Loan phản ánh và cho rằng, hiện nay, theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng Nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ giảm lãi suất 2% nhưng rất ít các doanh nghiệp tiếp cận được bởi điều kiện của một số chính sách còn khá khắt khe, chưa rõ đối tượng. Do đó, doanh nghiệp khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ giảm lãi suất; hơn nữa, điều kiện miễn giảm chưa được phổ biến rộng rãi và thời gian xử lý hồ sơ kéo dài.
Còn theo bà Nguyễn Thị Duyên- Giám đốc Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum, doanh nghiệp của bà có kế hoạch mở rộng diện tích trồng dược liệu, mở rộng nhà xưởng sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị máy hiện đại để phục vụ chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm nên rất cần nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất. Theo bà Duyên, để làm được điều đó, doanh nghiệp của bà cần nguồn vốn khoảng 10-15 tỷ đồng để mở rộng phát triển dược liệu quý sâm Ngọc Linh, đầu tư thêm máy móc thiết bị để sản xuất. Tuy nhiên, bà Duyên cho rằng, nguồn vốn vay đối với các ngân hàng thương mại lãi suất cao, trong khi đó, thời gian từ khi trồng sâm Ngọc Linh đến khi thu hoạch lại dài, từ 6-7 năm. Với thời gian lâu như vậy mà lãi suất cao thì doanh nghiệp khó có thể trụ nổi, bởi trong thời gian đó, không có nguồn thu để bù đắp lại lãi suất.
|
Vì vậy, bà Duyên mong muốn được vay nguồn vốn ưu đãi, với lãi suất thấp, thế nhưng theo bà việc tiếp cận nguồn vốn này rất khó khăn bởi những yêu cầu và thủ tục còn rườm rà, mất nhiều thời gian.
Theo tìm hiểu của phóng viên ở nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh thì đều nhận được câu trả lời có điểm chung là nhu cầu về nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển sau đại dịch là rất nhiều. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều cho rằng, thủ tục và quy định để được vay vốn ưu đãi khá khắt khe, đòi hỏi nhiều thủ tục nên rất ít doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.
Hiện nay, qua khảo sát, đa số doanh nghiệp cùng chung một mong muốn được tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là vốn ưu đãi, các ngân hàng có thể linh hoạt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay những gói tín dụng lãi suất thấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp hồi phục, phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời, qua đó đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Phúc Nguyên