Xã đảo Thổ Châu được thành lập năm 1993, lúc ấy ở xã chưa có trường học. Đến năm học 1994-1995, theo chủ trương của cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục và đào tạo huyện Phú Quốc, nay là TP. Phú Quốc cử thầy Mai Văn Bình ra xã dạy học. Tháng 2-1995, thầy Đào Hữu Quốc – hiện là giáo viên Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Thổ Châu tiếp tục được cử ra đảo cùng thầy Bình dạy học cho học sinh.
Theo thầy Đào Hữu Quốc, lúc đầu xã chưa xây dựng phòng học nên giáo viên phải dạy học nhờ địa điểm của bộ đội biên phòng. Sau này trên đảo xây dựng 2 phòng học đơn sơ, điểm học này thuộc Trường Tiểu học An Thới 1. Đến năm 1997, do chia tách trường nên điểm học thuộc Trường Tiểu học An Thới 3.
Thầy Quốc kể: “Thời gian đầu chỉ có hai giáo viên, học sinh trên đảo ít nên tôi tổ chức lớp học ghép cho các khối lớp có ít học sinh. Dù còn khó khăn nhưng học trò ham học, đôi mắt các em sáng lên khi học được kiến thức mới khiến tôi có động lực truyền chữ”.
Cũng theo thầy Quốc, hồi đó người dân ở đảo nghèo và thương giáo viên. Những buổi chiều sau khi kết thúc tiết dạy, các chị, các thím thường mời thầy đến nhà dùng cơm, có rau ăn rau, có cá ăn cá vậy mà bữa cơm nồng ấm yêu thương và ngon biết bao.
Học sinh Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Thổ Châu trong giờ học có sử dụng trình chiếu trên ti vi.
Ngày 21-8-2001, UBND huyện Phú Quốc ban hành Quyết định số 584/2001/QĐ-UB thành lập Trường Trung học cơ sở Thổ Châu trên cơ sở tách bộ phận của Trường Tiểu học An Thới 3, thuộc xã đảo Thổ Châu. Trải qua nhiều lần đổi tên, trường có tên là Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Thổ Châu. Trường hiện có cấp tiểu học, trung học cơ sở và có thêm điểm mẫu giáo với tổng 304 trẻ, trẻ từ lớp chồi đến học sinh lớp 9. Ở mỗi khối chỉ có 1 lớp học, trong đó lớp 9 có 10 học sinh.
Em Nguyễn Văn Thanh – học sinh lớp 9 Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Thổ Châu chia sẻ: “Giáo viên dạy học tận tình, cặn kẽ để chúng em nắm được kiến thức. Được thầy cô khuyên không nên nghỉ học nên em dự tính sau khi học xong lớp 9 sẽ thi vào trường vừa học chữ vừa học nghề ở TP. Phú Quốc để tiếp tục học và sau này có nghề ổn định”.
Theo cô Hoàng Thị Huệ – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Thổ Châu, trường gặp khó khăn trong công tác giảng dạy như cơ sở vật chất chưa đảm bảo; một số phụ huynh bận mưu sinh, trong đó một số phụ huynh sống ở các lồng bè, một số đi biển chưa quan tâm nhiều đến việc học của các em.
Đến mùa biển động, các gia đình chuyển từ Bãi Ngự sang Bãi Dong sinh sống ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, học tập của học sinh… Ngoài ra, trường chỉ dạy đến lớp 9, sau khi các em tốt nghiệp trung học cơ sở phải vào đất liền học nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho các em học tiếp.
“Trước những khó khăn đó, giáo viên cố gắng động viên học sinh đến trường. Trường hợp học sinh nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trường vận động nhà hảo tâm tặng sách, vở, đồng phục để các em đến lớp. Có những trường hợp trường giới thiệu cho Đồn Biên phòng Thổ Châu, Trung đoàn 152 (Quân khu 9) nhận nâng bước em đến trường bằng việc hỗ trợ hàng tháng cho các em”, cô Hoàng Thị Huệ cho biết.
Quê ở Hà Nội, với tình yêu biển, đảo, cô Tạ Thị Hồng Kiều làm đơn tình nguyện ra xã đảo Thổ Châu công tác từ tháng 9-2014. Sau thời gian phấn đấu, hiện cô Kiều là tổ trưởng tổ tiểu học, Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Thổ Châu. Thấy cuộc sống học sinh xã đảo còn nhiều khó khăn nên cô Kiều dành trọn tình thương cho học trò, không ngại khó truyền thụ kiến thức cho các em.
“Ở xã đảo, lúc trước điện chưa có 24/24 giờ nên ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, học tập của các em. Trong dạy học, chỗ nào các em chưa hiểu tôi hướng dẫn thêm để các em nắm kiến thức”, cô Kiều nói.
Năm học 2021-2022, Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Thổ Châu có 308 trẻ, học sinh, cụ thể, tỷ lệ huy động trẻ đến trường học 2 buổi/ngày đạt 100%; khối tiểu học lên lớp thẳng đạt 94,04%, rèn luyện trong hè 5,96%; học sinh lớp 9 được xét tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 100%.
|
Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Thổ Châu có 26 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó 2 giáo viên mẫu giáo. Trường có phòng máy vi tính, trong các phòng học có ti vi trình chiếu cho học sinh.
Cô Hoàng Thị Huệ cho biết: “Lúc trước xã chưa có internet, giáo viên soạn giáo án chủ yếu là viết tay, vẽ thêm tranh minh họa để các em dễ hiểu. Khoảng 2 năm gần đây, xã có mạng internet, giáo viên soạn giáo án điện tử, khai thác tài liệu, hình ảnh trên mạng để giảng dạy cho học sinh, giúp các em học dễ hiểu hơn, tỷ lệ học sinh đạt học lực khá, giỏi nâng lên qua các năm học. Kết quả đạt được thời gian qua là động lực để giáo viên của trường nỗ lực giảng dạy trong thời gian tới”.
Bài và ảnh: TRÚC LINH