(Báo Quảng Ngãi)- Để giảm số vụ tai nạn giao thông đường sắt, ngành GTVT đặt mục tiêu đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt. Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng đến nay, việc xóa những lối đi tự mở qua đường sắt vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Tuyến đường sắt Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh đi qua địa bàn Quảng Ngãi dài gần 100km, qua địa bàn 31 xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trên tổng 130 điểm giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt, có 42 vị trí đường ngang hợp pháp, còn lại là 88 lối đi tự mở.
Một lối đi tự mở cắt ngang đường sắt tại xã Bình Nguyên (Bình Sơn) đã được thu hẹp, lắp đặt biển cảnh báo. |
Việc mở đường ngang trái phép qua đường sắt đang là rào cản đối với bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt. Do mở trái phép, tạm bợ nên chỗ tiếp giáp đường sắt thường lồi lõm, không đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, nhất là vào thời điểm có tàu đi qua.
Nhiều lối đi tự mở qua đường sắt tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) cao, như tại huyện Bình Sơn có 4 lối đi tự mở tại Km 899+450 và Km 899+800 (xã Bình Chánh), Km 900+950 (xã Bình Nguyên), Km 912+550 (xã Bình Hiệp). Thị xã Đức Phổ có 2 vị trí tại Km 981+560 và Km 982+970 (xã Phổ Khánh) và huyện Mộ Đức có một điểm tại Km 957+020 (xã Đức Lân).
Tháng 6/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 82 thực hiện Quyết định số 358 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Sở GTVT, Văn phòng Ban ATGT tỉnh và chính quyền địa phương có tuyến đường sắt đi qua đã thường xuyên chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai nhiều giải pháp để thu hẹp, giảm và tiến tới xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã xóa bỏ được 5/88 lối đi tự mở, hiện còn 83/88 lối đi tự mở chưa được xóa bỏ. Trong đó, tất cả 83 lối đi này đã được rào chắn không cho xe ô tô, cơ giới qua lại, cắm biển “chú ý tàu hỏa”, lắp đèn nháy vàng cảnh báo an toàn giao thông, đồng thời không để phát sinh thêm lối đi tự mở trên địa bàn.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện theo Kế hoạch số 82 đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu. Công tác xóa lối đi tự mở qua đường sắt gặp phải các khó khăn khi các địa phương chưa ưu tiên bố trí kinh phí để xây dựng các đường gom, hàng rào. Công tác quản lý hành lang an toàn đường sắt chưa được chú trọng. Hệ thống đường gom để kết nối đến các đường ngang có gác chắn chỉ mới được đầu tư một phần rất nhỏ; chưa có kinh phí để giải tỏa, đầu tư xây dựng đường gom đồng bộ để xóa bỏ các lối đi tự mở…
Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phong cho biết, khó khăn lớn nhất để khắc phục tình trạng trên là thiếu kinh phí thực hiện. Theo Quyết định số 358 của Thủ tướng Chính phủ, tổng kinh phí để xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh là hơn 210 tỷ đồng, nguồn kinh phí từ trung ương và địa phương. Tuy nhiên hiện nay, do ngân sách địa phương hạn hẹp chưa bố trí được để đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng hàng rào, đường gom theo yêu cầu; nguồn ngân sách của trung ương giao cho địa phương để đầu tư xây dựng công trình phụ trợ (cầu vượt, hầm chui, đường ngang, hàng rào/đường gom…) chưa được cấp thẩm quyền bố trí theo lộ trình. Do đó, ngành chức năng kiến nghị Cục Đường sắt Việt Nam báo cáo Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan cần sớm có kế hoạch hỗ trợ nguồn vốn phù hợp, từ đó mới có thể xử lý dứt điểm, xóa bỏ được các lối đi tự mở.
Trong năm 2023, ngành GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương có tuyến đường sắt đi qua và đơn vị thuộc ngành đường sắt tiến hành kiểm tra, rà soát để xóa bỏ các lối đi tự mở. “Trước mắt, ngành chức năng sẽ tập trung xóa bỏ các lối đi tự mở ở các vị trí không còn sử dụng, ít hộ dân sử dụng hoặc có các phương án sử dụng lối đi khác mà không phải xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khi thực hiện. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn đường sắt, đường bộ đến các tầng lớp nhân dân”, ông Phong cho biết.
Bài, ảnh: X.HIẾU