Đường sắt tốc độ cao sẽ theo trục cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây khi đi đến địa bàn huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) sẽ rẽ trái vào đường trục trung tâm sân bay Long Thành để tới nhà ga.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai hướng tuyến cơ bản đi chung hành lang về phía Đông theo trục cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Khi đi đến địa bàn huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai sẽ rẽ trái vào đường trục trung tâm sân bay Long Thành để đến nhà ga.
Ga hành khách của tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ được đặt tại khu vực trung tâm của sân bay Long Thành. Vị trí sẽ nằm ở trước nhà ga sân bay, gần với đài kiểm soát không lưu. Ga này sẽ được kết nối với nhà ga hành khách và các hạng mục khác bằng đường bộ nội khu.
Theo đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải – CTCP (TEDI, một trong các thành viên của liên danh tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao), theo quy hoạch, về phương án hướng tuyến, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam sẽ đi giữa đường trục chính của sân bay Long Thành.
Trong đó, đoạn tuyến này sẽ dài khoảng 40m phía trước các nhà ga T1 và T2 của sân bay Long Thành. Đoạn này được thiết kế với phương án đi ngầm dưới tuyến đường trục chính của sân bay.
Việc thiết kế tuyến với phương án đi ngầm nhằm phối hợp với các tuyến taxiway (là đường đi của tàu bay tại sân bay kết nối đường băng với sân đỗ, nhà chứa máy bay, nhà ga) đảm bảo tĩnh không cho các đường băng ngang này. Đồng thời, cũng là một điểm nhấn đặc biệt cho sân bay, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan hay các hạng mục khác của dự án sân bay.
Cũng theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, bên cạnh tuyến kết nối vào đường trục chính sân bay Long Thành về ga Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức, TP.HCM) sẽ bố trí thêm nhánh rẽ phải đi dọc theo đường Vành đai 4 TP.HCM lên phía Bắc để kết nối với ga hàng hóa Trảng Bom phục vụ trung chuyển hàng hóa.
Ngoài ra, sau năm 2030, Đồng Nai cũng đã được quy hoạch hai tuyến đường sắt đô thị nối các địa phương kết nối về sân bay Long Thành.
Về vị trí đặt nhà ga của tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đại diện đơn vị tư vấn cho hay, nhà ga được đặt ở vị trí ngay trước nhà ga T1 của Sân bay Long Thành.
Nhà ga T1 sẽ là nhà ga được khai thác đầu tiên của sân bay Long Thành nên đặt nhà ga đường sắt tốc độ cao ngay tại vị trí này sẽ đảm bảo tính đồng bộ khi sân bay đi vào khai thác. Mặt khác, do hướng tuyến đường sắt đi ngầm nên dự án sẽ xây dựng các cầu thang đi lên vỉa hè tuyến đường trục chính sân bay, thông qua cầu đi bộ kết nối vào bên trong nhà ga T1.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam được đề xuất đầu tư với chiều dài 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350km/h, bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/huong-tuyen-cua-duong-sat-toc-do-cao-qua-san-bay-long-thanh-the-nao-192241107113014796.htm