(Tổ Quốc) – Ngày 7/11, LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII) chính thức diễn ra, đón chào các nhà làm phim, nghệ sĩ điện ảnh trong nước và quốc tế đến với Thủ đô tươi đẹp. Với chủ đề “Điện ảnh: sáng tạo – cất cánh”, LHP gồm chuỗi hoạt động phong phú, đặc sắc như chương trình khai mạc, bế mạc, thảm đỏ, giao lưu với khán giả, phim dự thi, phim toàn cảnh, Chợ Dự án… nhằm giới thiệu và tôn vinh những tác phẩm xuất sắc của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.
Những bộ phim Việt đặc sắc
LHP là sự kiện lớn được Bộ VHTTDL phối hợp với UBND TP Hà Nội chỉ đạo; Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp Sở VHTT Hà Nội tổ chức.
Từ hơn 500 bộ phim đăng ký tham dự, các Ban sơ tuyển và chung tuyển của LHP đã tuyển chọn được 117 bộ phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ để chiếu trong các Chương trình phim của LHP. Những bộ phim đa sắc màu phong cách thể hiện độc đáo, sáng tạo, hứa hẹn tạo nên một kỳ LHP sôi nổi, sống động, giàu bản sắc.
Trong 117 phim dài và phim ngắn tham dự LHP có 65 phim nước ngoài và 52 phim Việt Nam. Trong đó có 10 phim dài dự thi (09 phim dài dự thi nước ngoài đến từ các nước: Thụy Sĩ, Liên bang Nga, Bỉ, Thụy Điển, Đức, Estonia, Hàn Quốc, Iran, Ấn Độ, Pháp và 01 phim truyện dài Dự thi của Việt Nam là phim Ngày xưa có một chuyện tình.
“Ngày xưa có một chuyện tình” của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, dựa trên tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây cũng là phim được chọn chiếu khai mạc HANIFF VII.
Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng BTC LHP, sở dĩ chọn bộ phim Ngày xưa có một chuyện tình tham dự hạng mục Phim dự thi bởi đây là một phim đáp ứng tiêu chí của LHP, là bộ phim mới sản xuất, chưa tham gia bất cứ 1 LHP nào. Đồng thời, đây cũng là bộ phim mang thông điệp nhẹ nhàng, nhân văn.
Ngoài Ngày xưa có một chuyện tình, các phim Việt Nam gồm phim dự thi Phim ngắn và phim trình chiếu trong chương trình Điện ảnh Việt Nam đương đại.
8 bộ phim ngắn dự thi của Việt Nam gồm: Cây ổi thiên đường; Đi về phía mặt trời; Giấc mơ làm du lịch của người bản địa Tây Nguyên; Linh ảnh; Nguồn cội; Người ơi, đừng khóc cuối đường; Nụ cười; Tẹo.
Chương trình phim Việt Nam đương đại sẽ mang đến cho khán giả cơ hội thưởng thức 21 bộ phim truyện đặc sắc ra mắt trong hai năm qua của điện ảnh Việt Nam. Với đa dạng đề tài, trong đó, có nhiều bộ phim hot, được mệnh danh là phim trăm tỉ của điện ảnh Việt Nam như: Nhà bà Nữ, Mai, hay bộ phim đã từng giành các giải thưởng danh giá quốc tế như Bên trong vỏ kén vàng.
Bên trong vỏ kén vàng, giành giải Camera d’Or (Camera Vàng)- giải danh giá dành cho phim đầu tay xuất sắc của đạo diễn trẻ tại Liên hoan Phim Cannes của Pháp (2023); tháng 4/2024, tại Liên hoan phim châu Á (Asian Festival Film) lần thứ 21, bộ phim cũng được trao giải phim hay nhất.
Cùng với đó, khán giả cũng sẽ được thưởng thức miễn phí các bộ phim đã thu hút khán giả thời gian qua như Bà già đi bụi; Cám; Đào, phở và piano; Đóa hoa mong manh; Gặp lại chị bầu; Giải cứu anh thầy; Hoa táo nở; Hồng Hà nữ sĩ; Kẻ ẩn danh; Kẻ ăn hồn; Làm giàu với ma; Móng vuốt; Những bức tường; Quỷ cẩu; Siêu lừa gặp siêu lầy; Tiểu đội hoa hồng; Trước giờ “Yêu”; Vầng trăng thơ ấu.
Ngoài ra, có 6 bộ phim tài liệu trong chương trình phim Việt Nam đương đại gồm: Khát vọng thiên thanh; Nắng nhuộm lụa vàng; Ngàn năm sênh phách; Tìm lại tuổi thơ qua trò chơi dân gian; Tội ác phía sau lòng tin và Thư gửi mẹ.
Về phim hoạt hình, có 6 bộ phim hoạt hình tham gia Chương trình Việt Nam đương đại gồm: Cá chép của ông Táo; Cá rô đi lạc; Cô bé tóc xù; Đội lân sư nhí nhố; Giấc mơ của con và Tái sinh.
Tín hiệu mừng từ Chợ Dự án
Chợ Dự án phim cũng là một hoạt động mang nhiều dấu ấn tại các kỳ HANIFF. Chợ Dự án ngày càng có sức thu hút đối với giới làm phim trẻ, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư tham gia nhằm xây dựng, triển khai các dự án chất lượng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh Việt Nam vươn tầm thế giới.
Trong khuôn khổ HANIFF VII cũng là lần thứ 5 Chợ Dự án phim diễn ra tạo sân chơi, cơ hội gặp gỡ, trải nghiệm của các nhà làm phim có mong muốn giới thiệu dự án với các nhà đầu tư, các chuyên gia sản xuất quốc tế đầu ngành.
Năm nay, tại HANIFF VII, Chợ Dự án nhận được số lượng dự án tham dự kỷ lục – gần 70 dự án gửi từ hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhà tổ chức không chỉ mời phim tác giả kén người xem, mà còn có sự tham gia của phim mang tính thương mại hơn. Chất lượng được nhận định là “rất cao và đa dạng” khiến BTC “phải mất rất nhiều thời gian và rất khó khăn” để chọn ra được 8 dự án tham gia.
Riêng Việt Nam đã chiếm đến 4 dự án gồm: Tôi muốn thuê hoài mãi (nhà sản xuất Bùi Lê Nhật Tiên/đạo diễn McFloyd Nguyễn), Memento Mori: Nước (Marcus Mạnh Cường Vũ), Người khóc thuê (Đỗ Sơn/Đỗ Hà) và Lời nguyền máu (Nguyễn Phạm Hoàng Quân/Nestor Sanchez Sotelo). Bốn dự án còn lại thuộc về các nước Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh và Malaysia.
Mặc dù các dự án của Việt Nam chiếm số lượng đông đảo, song Ban tổ chức khẳng định không có sự thiên vị dành cho nước chủ nhà. Ông Vi Kiến Thành cho biết, giám tuyển gồm 4 thành viên: đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình (Việt Nam), nhà sản xuất Jodi Hildebrand (Mỹ), Thibaut Bracq (Pháp), Lee Jin Sung (Hàn Quốc) chọn 8 dự án được đánh giá có chất lượng tốt nhất chứ không phân biệt nước nào được bao nhiêu.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cũng cho biết: “Điện ảnh Việt Nam những năm qua có những bước phát triển rất mạnh. Việc chúng ta chiếm một nửa số dự án trong Chợ Dự án phim trong đó bao gồm cả các nhà làm phim tên tuổi và các tác giả đầu tay là tín hiệu đáng mừng”.
Tối nay, 7/11, Lễ khai mạc LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, mở đầu cho chuỗi sự kiện điện ảnh đáng mong chờ nhất trong năm 2024. Chúng ta cùng tin tưởng và kỳ vọng, thông qua sự kiện, thương hiệu HANIFF ngày càng được khẳng định và nâng cao vị thế, góp phần lan tỏa hình ảnh, văn hóa Hà Nội nói riêng, đất nước, con người Việt Nam nói chung ra thế giới. HANIFF VII sẽ tiếp tục ghi dấu ấn tốt đẹp, đưa Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trở thành điểm đến mới trên bản đồ điện ảnh thế giới./.
Nguồn: https://toquoc.vn/lien-hoan-phim-quoc-te-ha-noi-vii-lan-toa-ton-vinh-ban-sac-van-hoa-20241106230155488.htm