Giới thiệu ứng dụng công nghệ chuyển đổi số |
Mở rộng thị trường
Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud Lê Hồng Việt cho biết: “Hiện FPT đã có khoảng hơn 200 sản phẩm Make in VietNam, đang được cung cấp không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều nơi trên thế giới. Riêng FPT Smart Cloud có 2 sản phẩm đạt giải thưởng Make in Viet Nam ở 2 mảng công nghệ cốt lõi là: giải Vàng năm 2022 dành cho nền tảng FPT Smart Cloud và giải thưởng năm 2020 với nền tảng số FPT.AI”.
“Qua sự lan tỏa của giải thưởng Make in VietNam, các sản phẩm của doanh nghiệp công nghệ Việt đã được khách hàng, người dùng ghi nhận và đánh giá cao, nhất là khi có sự thẩm định và bảo trợ từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông. Khi nói đến các sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT), nhiều người thường nghĩ đến sản phẩm của nước ngoài. Còn hiện nay, nhiều khách hàng đã bắt đầu nghĩ đến các sản phẩm số của Việt Nam với sự khác biệt, am hiểu văn hoá bản địa sẽ giúp cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng như tiến ra nước ngoài. Chúng tôi nhận thấy thương hiệu Make in VietNam trong ngành CNTT có sức ảnh hưởng ngày càng lớn tới các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội”, ông Lê Hồng Việt đánh giá.
Thông tin về bước phát triển của các sản phẩm sau khi đạt giải thưởng Make in Viet Nam, ông Lê Hồng Việt cho biết, FPT Smart Cloud đang chứng kiến tăng trưởng gấp đôi (200%) về mặt doanh thu và số lượng người dùng mỗi năm. Bên cạnh đó, các sản phẩm, dịch vụ của FPT Smart Cloud liên tục được nâng cấp, phát triển các tính năng mới.
Trong đó, số sản phẩm phát triển trên nền tảng FPT.AI đã tăng từ 10 lên 20 sản phẩm, góp phần đưa trí tuệ nhân tạo được ứng dụng vào các lĩnh vực khác nhau, từ trải nghiệm khách hàng đến nâng cao năng suất lao động.
“Quan trọng hơn, tập khách hàng đã phát triển lên hàng nghìn. Trong năm 2022 và 2023, chúng tôi cũng nỗ lực vươn ra thị trường quốc tế. Đến nay, khoảng 15 nước có khách hàng sử dụng sản phẩm, giải pháp của chúng tôi, như Nhật Bản, Đông Nam Á, Trung Đông”, ông Lê Hồng Việt chia sẻ thêm.
Tương tự, với MISA, theo Phó Tổng giám đốc thường trực Lê Hồng Quang, giải thưởng đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Cụ thể, đến cuối năm 2023, nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS dự kiến tăng trưởng gấp 5 lần so với lần đầu đạt giải năm 2021. MISA AMIS hiện cũng có khoảng 60.000 doanh nghiệp sử dụng. Cùng với đó, MISA FinGov 6 tháng đầu năm nay đạt tăng trưởng khoảng hơn 20%. “Đặc biệt, chúng tôi bước đầu đã mang phần mềm Make in Việt Nam ra cung cấp tại thị trường nước ngoài, đạt doanh thu khoảng 2 triệu USD”, ông Lê Hồng Quang nhận định.
Còn ông Trần Quang Cường, CEO NextVision, đơn vị từng nhận giải thưởng Make in VietNam, cho biết, đơn vị đã nhận được nhiều lợi ích như được tham gia đi xúc tiến thương mại của Bộ TTTT ở một số tỉnh, tham gia Asian Tech tại Singapore. Nhờ giải thưởng Make in Viet Nam, NextVison đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong khi đó, hệ thống giám sát sâu rầy thông minh là sản phẩm từng đạt Giải bạc Make in Vie Nam ở hạng mục Sản phẩm số xuất sắc năm 2021 do Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Vietnam thiết kế và sản xuất đang từng bước củng cố thị trường trong nước và tiến ra nước ngoài.
Sản phẩm của RYNAN Technologies Vietnam ứng dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động nhận diện, thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại sâu rầy và trả kết quả dưới dạng biểu đồ trực quan. Sản phẩm công nghệ Make in VietNam này thể hiện rõ tương quan giữa sâu rầy gây hại và thiên địch có lợi, từ đó giúp người nông dân có cái nhìn tổng quát và nhanh chóng về mức độ cân bằng của hệ sinh thái. Hệ thống sẽ đưa ra các cảnh báo, dự báo về tình hình sâu rầy trên cánh đồng để người nông dân có thể lựa chọn phương thức xử lý kịp thời thông qua phần mềm quản lý trung tâm SaaS.
Với hệ thống giám sát sâu rầy thông minh, người nông dân sẽ có thể theo dõi thông tin, dữ liệu thông qua smartphone. Người nông dân không cần ra đồng vạch lá tìm bệnh hay phải đi bẫy và đếm số lượng côn trùng theo cách truyền thống.
Bà Hồ Thị Ngọc Giàu, đại diện RYNAN Technologies cho biết, đơn vị đã xây dựng một hệ sinh thái các sản phẩm số ứng dụng công nghệ hiện đại như AI, IoT, Blockchain. Việc đạt được Giải thưởng Make in Viet Nam cũng đã giúp các doanh nghiệp trong việc tham dự các sự kiện về kết nối cung cầu các sản phẩm công nghệ số. Đây là bệ phóng quan trọng với các doanh nghiệp công nghệ số vừa và nhỏ trong việc phát triển thị trường, tìm kiếm khách hàng.
Hiện, hệ thống giám sát côn trùng đã được triển khai tại 13 tỉnh thành, địa phương trên cả nước. Trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cũng đã cho phép nhập khẩu Hệ thống giám sát côn trùng của RYNAN Technologies để giám sát và dự báo tình hình phát triển dịch bệnh trên cây trồng ở quốc gia này. Trong năm nay, RYNAN Technologies sẽ xuất khẩu 50 Hệ thống giám sát côn trùng thông minh sang Nhật Bản.
Thúc đẩy chuyển đổi số mọi nơi
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, bắt đầu được tổ chức từ năm 2020, đến nay giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” đã tạo ra những hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy tích cực sự phát triển của ngành công nghiệp thông tin và truyền thông (ICT) Việt Nam. Nhiều sản phẩm đạt giải đã đóng góp quan trọng cho công cuộc chuyển đổi số của các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp, người dân.
“Có những sản phẩm đã góp phần thay đổi lớn cuộc sống ở những bản làng xa xôi, khó khăn. Người dân có thể tiếp cận với dịch vụ số mọi lúc, mọi nơi, với chi phí phù hợp; được tiếp cận với những dịch vụ y tế qua các giải pháp tư vấn sức khỏe từ xa; được tiếp cận với những thầy giáo, cô giáo, học liệu tốt nhất thông qua câu chuyện học tập trực tuyến; và có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi thông qua các nền tảng trực tuyến”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đánh giá.
Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình tại Bưu điện Hà Nội |
Theo Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ TTTT), ngành ICT Việt Nam đã có sự phát triển trong 15 năm qua, với doanh thu tăng từ 6 tỷ USD năm 2009 lên thành 148 tỷ USD năm 2020. Việt Nam hiện có năng lực sản xuất lớn với việc cho ra đời khoảng 300 triệu thiết bị ICT mỗi năm. Các sản phẩm đều đạt chuẩn chất lượng quốc tế, đáp ứng tốt yêu cầu của công ty nước ngoài.
Một điểm sáng của thị trường CNTT Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023 là mảng xuất khẩu phần mềm vẫn duy trì tăng trưởng tốt tại thị trường Nhật Bản và Châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam đang đặt mục tiêu doanh thu phần mềm của các doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường nước ngoài đạt hơn 2 tỷ USD vào cuối năm 2023.
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, khi đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam có thể sẽ thuận lợi hơn nếu có sự đồng hành của các ban ngành, Chính phủ. Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đa phần có quy mô vừa và nhỏ. Khi giới thiệu sản phẩm cho các khách hàng nước ngoài, doanh nghiệp Việt thường gặp khó bởi hầu hết họ chưa biết mình là ai.
Do đó, định hướng lâu dài của Bộ TTTT là sẽ cùng với các doanh nghiệp CNTT trong nước đẩy mạnh thương hiệu quốc gia. Bộ TTTT sẽ đồng hành theo từng chặng đường chuyên biệt để tạo thương hiệu tốt hơn cho các doanh nghiệp.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những sản phẩm Make in VietNam đã thực sự đi vào cuộc sống, mang ý nghĩa thiết thực trong công cuộc chuyển đổi số và áp dụng vào nền kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam. Trên 30% các sản phẩm Make in Viet Nam được công nhận từ năm 2020 đến nay đã thực sự đi vào được cuộc sống với độ lan tỏa cao. VCCI sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để quảng bá và thương mại hóa sản phẩm tới các hội viên.
Vietnam.vn