Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Đi ra nước ngoài là mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi. Để thế giới biết đến Việt Nam không chỉ vì Việt Nam là nơi đến và còn là do nơi Việt Nam đến. Đi ra nước ngoài là để Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của nhân loại”.
Năm 2023 là năm Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, do vậy, Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Vietnam” năm 2023 bổ sung hạng mục mới, hạng mục thứ năm là Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài. Hạng mục này nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số xuất sắc đã thành công tại thị trường quốc tế đồng thời khuyến khích, cổ vũ các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khát khao chinh phục thế giới.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT&TT, đại diện cơ quan Thường trực Giải thưởng cho biết về tiêu chí đánh giá đối với “Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài”, hạng mục mới và điểm nổi bật của Giải thưởng Make in Vietnam 2023 năm nay.
Cũng theo ông Tuyên, Giải thưởng thường niên Make in Vietnam đặt ra 6 mục tiêu. Trong đó, Giải thưởng tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, tôn vinh các thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam, có số lượng người sử dụng lớn, thiết thực và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được nhiều dịch vụ, tiện ích của chuyển đổi số.
Cùng với đó là mục tiêu thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số, khuyến khích nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo và sản xuất các sản phẩm công nghệ số mới. Tôn vinh các sản phẩm Việt Nam xuất sắc thành công tại thị trường toàn cầu và quảng bá sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam tới thị trường trong nước và ra thị trường nước ngoài. Giải thưởng không chỉ tuyên truyền, phổ biến, thúc đẩy chủ trương phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Giải thưởng còn góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia, sản phẩm Chất lượng quốc gia.
Hạng mục tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số xuất sắc đã thành công tại thị trường quốc tế theo 9 tiêu chí chia 2 nhóm đánh giá Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài.
Trong đó, nhóm tiêu chí về thiết kế sáng tạo có 4 tiêu chí với điểm tối đa 35/100. Ban Giám khảo sẽ đánh giá về tính sáng tạo và độc đáo của sản phẩm (Sự khác biệt với những sản phẩm quốc tế và trong nước hiện nay và khả năng định hình xu hướng, phù hợp xu hướng); Về Công nghệ, chất lượng sản phẩm (Đánh giá trên các tiêu chí thành phần về áp dụng công nghệ mới, các tiêu chuẩn được áp dụng vào quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm, các chứng chỉ về năng lực công nghệ, tính bảo mật và an toàn dữ liệu, sự ổn định và độ tin cậy).
Cùng với đó là tiêu chí về công đoạn cốt lõi của nền tảng do người Việt Nam thực hiện (Doanh nghiệp cần có chứng nhận sở hữu trí tuệ hoặc hợp đồng KHCN hoặc thuyết minh chi tiết sản phẩm được đăng ký, công bố lần đầu tại Việt Nam) và tiêu chí về Tính năng sản phẩm – dễ sử dụng, tương thích, tùy biến, mở rộng, đa ngôn ngữ.
Nhóm tiêu chí về giá trị đem lại từ thị trường nước ngoài với 5 tiêu chí – điểm tối đa 65/100 điểm, Ban Giám khảo đặt trọng số cao về kết quả sản xuất, kinh doanh, căn cứ trên doanh thu, tốc độ tăng trưởng doanh thu trong 3 năm liền kề của sản phẩm và mô hình, chiến lược kinh doanh (25/100 điểm).
4 tiêu chí còn lại, gồm bài toán giải quyết (Thuyết minh bài toán giải quyết và hiệu quả đem lại cho khách hàng); Thị trường khách hàng (Thể hiện qua quy mô thị trường, số lượng khách hàng đang sử dụng sản phẩm); Mức độ hài lòng của khách hàng (Qua đánh giá của người sử dụng và thời gian đã đưa vào sử dụng) và khả năng cạnh tranh với các sản phẩm tương đương trên thế giới.
Với vai trò là đơn vị từng được tôn vinh tại các kỳ năm trước, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc thường trực công ty cổ phần MISA, bày tỏ Giải thưởng đã mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong việc chinh phục tệp khách hàng mới, củng cố niềm tin cho các khách hàng cũ đang sử dụng dịch vụ. Cùng với đó là gia tăng hiệu quả về mặt truyền thông cho doanh nghiệp, góp phần làm gia tăng hiệu quả về doanh thu, thị trường cho doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp có thể tận dụng sự cộng hưởng về truyền thông Giải thưởng để khẳng định giá trị thương hiệu, tăng uy tín của doanh nghiệp” – Ông Quang chia sẻ.
Đại diện lãnh đạo Misa đề xuất cần truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về các sản phẩm đạt giải Make in Vietnam, giúp tăng uy tín và tôn vinh cho các sản phẩm, để nâng tầm các sản phẩm Việt.
Đại diện FPT Smart Cloud ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc chia sẻ việc đạt được giải thưởng Make in Vietnam đã đem lại nguồn động lực lớn lao cho đội ngũ phát triển sản phẩm để liên tục đổi mới phát triển khi mà những sáng tạo công nghệ được ghi nhận và được lan tỏa đến các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là cũng là minh chứng cho sản phẩm, dịch vụ Make in Vietnam đạt chất lượng chuẩn quốc tế, trực tiếp cạnh tranh với các nhà khổng lồ về công nghệ trên thế giới. Đồng thời, đó là sự ghi nhận của khách hàng đối với sản phẩm, thương hiệu quốc gia, thương hiệu Make in Vietnam trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngày càng có sức ảnh hưởng lớn tới các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, và xã hội.
Đại diện FPT cho biết, kể từ khi đạt các giải thưởng Make in Vietnam, FPT Smart Cloud đang chứng kiến tăng trưởng gấp đôi (200%) về mặt doanh thu và số lượng người dùng mỗi năm. Tiếp tục mở rộng thị phần, FPT Smart Cloud đã bước đầu đi ra khu vực và thế giới, với hơn 1.000 khách hàng tại 15 quốc gia đang sử dụng dịch vụ.
Vietnam.vn