Cần xem xét lại ngưỡng doanh thu tính thuế, mức 200 triệu đồng/năm là quá thấp. Cũng không nên quy định cứng nhắc mức CPI biến động 20% mới điều chỉnh doanh thu tính thuế giá trị gia tăng (VAT).
Theo đó, nên căn cứ vào CPI biến động hằng năm để nâng ngưỡng doanh thu này.
Nhiều chuyên gia và người dân đều đề xuất như vậy khi nói về dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi vừa được Chính phủ trình lên Quốc hội vào tuần qua, và dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 26-11 tới.
Theo dự thảo luật, doanh thu tính thuế của hộ cá nhân kinh doanh sẽ được nâng lên trên 200 triệu đồng, thay vì 100 triệu đồng như hiện tại.
“Mỗi ngày bán một bó hoa vẫn phải nộp thuế”!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị Hoàng Quỳnh Như (chủ cửa hàng hoa tươi trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội) cũng cho rằng mức doanh thu bán hàng trên 200 triệu đồng/năm phải nộp thuế là quá vô lý. Bởi chi phí kinh doanh giá cả hàng hóa, mặt bằng kinh doanh, nhân công, điện, nước, phí vận chuyển… tăng 3-5 lần so với 10 năm trước.
Và kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nên người buôn bán nhỏ phải co kéo mới đủ chi phí và lấy công làm lãi là chính.
“Với ngưỡng doanh thu tính thuế VAT trên 200 triệu đồng/năm, tức chỉ khoảng 550.000 đồng/ngày, đã thuộc diện nộp thuế VAT rồi. Như vậy, mỗi ngày tôi bán được một bó hoa là phải nộp thuế”, chị Như nói.
Trong khi đó, người kinh doanh nhỏ không được giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. “Ngưỡng giảm trừ cho người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tăng từ 4 triệu lên 9 triệu và từ năm 2020 tăng lên 11 triệu đồng, nhưng ngưỡng doanh thu tính thuế VAT với người kinh doanh nhỏ thì đứng im suốt 10 năm nay và buôn bán lỗ cũng phải nộp thuế”, chị Như bức xúc.
Chị Ngọc Hà, chủ một quán phở gà nhỏ tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), cũng cho hay chị bán hàng tại nhà, lấy công làm lời. Dù không mất tiền mặt bằng nhưng mấy năm gần đây chi phí gas, điện, giá nguyên vật liệu… kéo nhau tăng. Trong khi đó, gia đình chị phải mướn thêm hai người phụ việc bưng bê, rửa chén, dọn dẹp…
Thế nhưng, ngành thuế quy định doanh thu chỉ 550.000 đồng/ngày là phải nộp thuế là không hợp lý chút nào. “Với giá mỗi tô phở hiện nay 40.000 – 50.000 đồng, tính ra bán 11 – 13 tô phở là đã phải nộp thuế rồi, rất bất hợp lý”, chị Ngọc Hà nói.
Do đó, theo chị Hà, cần nâng cao hơn nữa ngưỡng doanh thu chịu thuế vì các hộ kinh doanh như chị hầu hết làm theo quy mô hộ gia đình, ít nhất cũng 3-4 người cùng làm và họ cũng không được tính giảm trừ gia cảnh gì cả.
Trong khi đó anh Minh Phú (TP Thủ Đức) nói sau 10 năm và nhiều lần đề xuất mới nâng mức doanh thu chịu thuế, nhưng mức nâng không bõ bèn gì với biến động giá cả thời gian qua.
“Năm nay là năm kinh tế buồn, hàng quán đìu hiu, chúng tôi cũng cố bám trụ để qua giai đoạn khó khăn nên rất cần sự động viên thông qua chính sách thuế”, anh Phú nói.
Nên bỏ quy định CPI biến động 20%
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia thuế cao cấp, đề nghị Chính phủ cần đưa ra căn cứ thuyết phục khi chọn ngưỡng doanh thu tính thuế VAT đối với hộ, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ mỗi năm 200 triệu đồng. Tại sao lại là 200 triệu đồng?
Ông Tú cũng cho rằng nếu áp dụng quy định khi CPI biến động 20%, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh ngưỡng này như tại dự thảo thì sẽ “giẫm vào vết xe đổ” của mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế TNCN. Quy định cứng nhắc mức CPI biến động 20% tức là người nộp thuế phải đợi đến 6-7 năm ngưỡng doanh thu mới được điều chỉnh.
“Không nên quy định cứng vào trong luật một mức cụ thể và quá cao như vậy, vì nó sẽ gây bất lợi cho người nộp thuế. Bất cập trong quy định của Luật Thuế TNCN về mức giảm trừ gia cảnh đã thấy rõ” – ông Tú khuyến cáo và góp ý thêm nên căn cứ vào CPI biến động hằng năm để nâng ngưỡng doanh thu này nhằm đảm bảo công bằng và sòng phẳng với người nộp thuế.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, ngưỡng doanh thu tính thuế của hộ và cá nhân kinh doanh không nên chỉ căn cứ vào biến động của CPI mà còn theo GDP, lương cơ sở, lương tối thiểu… nữa đảm bảo chính sách thuế không lỗi thời, lạc hậu so với thực tế phát triển kinh tế – xã hội.
Vì trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội phục vụ cho kỳ họp này nêu rõ mức doanh thu 100 triệu đồng/năm, nếu được tính theo tỉ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ năm 2013 đến nay sẽ là 285 triệu đồng.
“Do đó việc quy định mức doanh thu cần phải đảm bảo không lỗi thời, lạc hậu ngay khi luật sửa đổi được ban hành. Mặt khác, chính sách thuế không phải chỉ là để thu thuế mà còn phải động viên, khuyến khích hộ kinh doanh mở rộng kinh doanh, gia tăng doanh thu và thành lập doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động minh bạch”, một chuyên gia nói.
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cũng cho rằng kinh nghiệm từ thuế TNCN cho thấy không nên cột mức điều chỉnh vào biến động của CPI vì không phù hợp với thực tế và mỗi lần điều chỉnh rất khó khăn. Trong trường hợp bắt buộc, chỉ nên quy định mức biến động 10% chứ không nên để “cao chót vót” như vậy.
“Trong lúc kinh tế khó khăn như hiện nay, rất cần các chính sách khuyến khích để các hộ kinh doanh có thể làm ăn được, từ đó thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo công ăn việc làm cho người dân”, ông Sơn nói.
Bất an với con số 20%
Ngoài việc nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT của các cá nhân và hộ kinh doanh, dự luật cũng nêu trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật này có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ.
Khẳng định ngưỡng doanh thu tính thuế với hộ, cá nhân kinh doanh 200 triệu đồng/năm là quá thấp, ông Nguyễn Văn Được – tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín – cho rằng cần nâng mức doanh thu này cho phù hợp. Ngược lại, mức biến động CPI làm căn cứ để điều chỉnh ngưỡng doanh thu tính thuế VAT cũng phải được hạ xuống mức 10 – 15%.
“Thẩm quyền điều chỉnh thuộc về Quốc hội hoặc ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chưa kể do trong rổ tính CPI bao gồm hàng trăm mặt hàng nên để đạt đến căn cứ điều chỉnh rất lâu. Do vậy, mức biến động CPI để điều chỉnh ngưỡng doanh thu tính thuế cũng phải hạ xuống để tăng độ nhạy của chính sách và phù hợp với biến động giá trong thực tế”, ông Được phân tích.
Hơn 620.000 hộ sẽ ra khỏi diện phải nộp thuế
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết theo số liệu tính toán của Bộ Tài chính, nếu mức doanh thu không chịu thuế là 300 triệu đồng/năm, số lượng hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế sẽ giảm 734.735 hộ, trong khi số thu ngân sách sẽ giảm khoảng 6.383 tỉ đồng
Trong khi đó, với mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm như trong dự thảo luật, số lượng hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế sẽ giảm 620.653 hộ, số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 2.630 tỉ đồng. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, mức đề xuất điều chỉnh này chưa theo kịp biến động giá cả hiện nay.
– ĐB TRÌNH LAM SINH (An Giang):
Cần nâng lên trên 200 triệu đồng
Tại dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi đề xuất đối tượng không chịu thuế quy định hàng hóa dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 200 triệu đồng trở xuống. Theo tôi, con số này hơi thấp. Nếu lấy 200 triệu đồng chia ra cho 12 tháng, doanh thu chỉ khoảng 16 triệu đồng/tháng, hơn 500.000 đồng/ngày.
Tôi lấy ví dụ ngay ở nhà tôi đang gần trường học và các khu trọ của sinh viên – giống như là một thiên đường ăn vặt ngon, bổ, rẻ. Khi tôi đi hỏi ý kiến, rất nhiều bà con buôn bán khi biết là đại biểu Quốc hội có tiết lộ xe đẩy nào bán doanh thu thấp nhất cũng khoảng 20 triệu đồng/tháng và đa phần đều trên 30 triệu đồng/tháng. Thậm chí đối với những mặt hàng tốt, chắc chắn doanh thu càng cao nữa. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ cần lấy 30 triệu đồng/tháng là cũng gấp đôi so với con số quy định trong dự thảo luật này.
Do đó, tôi đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc tăng mức doanh thu tối thiểu hằng năm, con số bao nhiêu tôi chưa có hình dung được nhưng theo tôi phải trên 200 triệu đồng. Việc điều chỉnh này sẽ rất quan trọng, bởi vì thuế ảnh hưởng lớn đến đời sống hằng ngày của các hộ kinh doanh cá thể, và luật chúng ta nên hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho họ để phát triển kinh tế hộ gia đình.
– ĐB LÊ THỊ SONG AN (Long An):
Ngưỡng doanh thu chịu thuế chưa phù hợp
Đối với quy định về đối tượng không chịu thuế trong dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi, tôi thống nhất với việc điều chỉnh nâng tổng mức doanh thu bán hàng hóa dịch vụ của hộ cá nhân kinh doanh vào đối tượng không chịu thuế VAT. Cụ thể hàng hóa, dịch vụ của hộ cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 200 triệu đồng trở xuống.
Tuy nhiên, chúng ta cần thấy nếu tính theo tỉ lệ tăng GDP và CPI bình quân đầu người hiện nay, mức quy định như dự thảo luật chưa thật sự phù hợp. Tôi đề nghị Quốc hội xem xét nâng mức này lên trên 200 triệu đồng cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đồng thời giúp giảm áp lực thuế và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thêm nguồn lực để tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Điều này có thể tạo ra động lực tích cực cho phát triển kinh tế địa phương và Nhà nước có thể tập trung nguồn lực quản lý vào các đối tượng có doanh thu lớn hơn, đảm bảo hiệu quả thu ngân sách. Việc này không chỉ giúp giảm chi phí quản lý thuế mà còn giảm các chi phí xã hội liên quan đến việc hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cùng các hộ kinh doanh.
– ĐB PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật):
Nên nâng lên 300 – 400 triệu đồng/năm
Nhiều cử tri, người dân phản ánh rằng mức doanh thu đang được áp dụng đã gây rất nhiều khó khăn cho người dân nên việc nâng mức doanh thu của đối tượng không chịu thuế là cần thiết.
Đặc biệt, khi GDP của năm 2023 đã hơn 4.000 USD/người và khả năng năm 2024 GDP của Việt Nam cao hơn nữa, không có lý do nào chúng ta lại áp thuế VAT với hộ kinh doanh có doanh thu quá thấp. Nếu được như vậy, sẽ có 620.000 hộ sản xuất kinh doanh không phải chịu thuế.
Với mức tăng lên 200 triệu đồng/năm như đề xuất, dù tăng gấp đôi so với hiện hành nhưng tính ra mỗi tháng là khoảng hơn 16 triệu đồng. Với gia đình 3-4 người, 16 triệu đồng này rất khó khăn. Do vậy, tôi đề nghị cần nâng mức này lên và có thể bổ sung điều khoản cho phép Chính phủ có thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức này trong những năm tới.
Cụ thể, có thể trong luật sửa đổi là 200 triệu đồng nhưng có thể xem xét cho phép Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức không áp dụng thuế VAT đối với những trường hợp sản xuất kinh doanh trên dưới 300 triệu đồng hoặc 400 triệu đồng trong những năm tới.
Vì GDP tăng, doanh thu của hộ gia đình và đời sống tăng lên. Việc chúng ta nâng lên là phù hợp và không áp dụng thuế với những hộ có doanh thu thấp thì người dân sẽ rất đồng tình.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tinh-thue-vat-ca-nhan-ho-kinh-doanh-nguong-200-trieu-dong-nam-qua-thap-ban-1-bo-hoa-da-dong-thue-20241106222535295.htm